Kinh nghiệm chuẩn bị đồ đi cắm trại (Cập nhật 12/2024)
✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 5 tháng 12 năm 2024Cùng Phượt – Trong thời gian gần đây, cùng với sự phát triển chung của ngành du lịch thì những chuyến đi chơi với bạn bè, gia đình cũng dần được mở rộng thêm với nhiều hình thức mới lạ, độc đáo. Trước kia, nếu hoạt động cắm trại thường chỉ thu hút được những nhóm bạn trẻ đam mê trèo đèo, lội suối thì nay hoạt động này lại thu hút được nhiều những nhóm gia đình. Ai cũng muốn thời gian rảnh rỗi đưa con ra ngoài, hoà mình vào thiên nhiên, tụ tập trò chuyện, nấu nướng và ăn uống cùng bạn bè. Với những bạn đang tìm hiểu, các chia sẻ trong việc chuẩn bị đồ đi cắm trại trong bài viết này có thể sẽ giúp được bạn phần nào. Tất nhiên, các bạn cũng chỉ nên tham khảo và tự đưa ra quyết định dựa trên nhu cầu của cá nhân gia đình mình.
Đồ cắm trại
Có muôn ngàn vạn các loại đồ dành cho việc cắm trại ngoài trời, nếu ngồi kể chắc mất rất nhiều thời gian mất các bạn ạ. Bài này chỉ chia sẻ một số loại đồ dùng mà các bạn nên chuẩn bị, tuỳ theo các nhu cầu cá nhân các bạn có thể điều chỉnh thêm.
Lều
Có nhiều loại lều, nhưng nếu chỉ thỉnh thoảng dùng các bạn nên mua các loại cơ bản (Ảnh – cungphuot.info) |
Đây là món đồ mà có lẽ ai cũng sẽ mua và chuẩn bị đầu tiên. Trên thị trường hiện tại có rất nhiều các loại lều mà nếu mới tìm hiểu nhiều khi các bạn sẽ hoa mắt và không biết bắt đầu từ đâu. Về cơ bản cũng chỉ có một số loại lều như sau:
– Lều dạng tự bung
– Lều cơ bản dạng khung phải dựng và kết nối từng bước
– Lều gắn nóc xe ô tô
Các bạn nên lựa chọn tuỳ theo mục đích của mình, nếu chỉ cần một chiếc lều vừa phải để cho các bé vui đùa tại những địa điểm cắm trại các bạn chỉ cần chọn các loại lều đơn giản (từ 2-4 người). Các loại lều này có chi phí vừa phải, khối lượng không quá nặng, thời gian dựng lều nhanh.
Nếu muốn dựng và tháo lều nhanh, có thể mua các loại lều tự bung (Ảnh – cungphuot.info) |
Không cần thiết phải chi quá nhiều tiền cho lều nếu tần suất cắm trại của bạn không nhiều (khoảng 10 lần/1 năm) cũng như nếu bạn không ngủ qua đêm trong lều. Hầu hết trong các buổi đi cắm trại, thời gian các bạn vui chơi ở ngoài là chính, thời gian ở trong lều không nhiều quá đâu.
Lều nóc ô tô thường có chi phí cao, hay được lắp cho các dòng xe bán tải hoặc SUV. Nếu đã định đầu tư những loại lều này, bạn chắc hẳn đã thuộc nhóm có kinh nghiệm và không cần đọc bài viết này.
Một vài gợi ý cho các bạn tham khảo:
Các bạn có thể mua thêm một số dụng cụ bổ trợ cho việc dựng lều như búa (loại đầu đóng cọc bằng cao su, đầu kia có móc để nhổ cọc), các bộ cọc lều cho đất xốp, đất cứng, dây neo lều loại phản quang để sử dụng trong buổi tối.
Tăng che nắng
Trong những ngày trời nắng nóng, tăng che hữu dụng hơn lều rất nhiều (Ảnh – cungphuot.info) |
Tăng che nắng (nhiều chỗ gọi là lều chữ A) mới là trang bị cần thiết cho những buổi cắm trại. Trong những ngày trời có nắng, nếu cắm trại ở những vị trí không có bóng mát các bạn sẽ thấy tác dụng rất lớn của tấm tăng này.
Bộ tăng che nắng chống nước NATUREHIKE
Lều đứng
Kết hợp cùng xẻng để biến thành một nhà vệ sinh di động (Ảnh – cungphuot.info) |
Với một số địa điểm đông người, đôi khi thật khó để tìm một chỗ để đi vệ sinh (nhất là tại những điểm cắm trại tự phát, không thu phí) cho các bạn nữ. Nếu được, các bạn có thể mua một chiếc lều loại này (nó còn được gọi là lều thay quần áo, thường là loại tự bung) và kết hợp với xẻng làm thành một nhà vệ sinh di động.
Bàn ghế
Cũng có rất nhiều loại bàn ghế cho các bạn lựa chọn, nhưng hãy mua dựa trên một số tiêu chí sau
- Không gian chứa của xe: Nếu xe của bạn không rộng rãi, nên ưu tiên mua những loại ghế nhỏ, gọn nhẹ.
- Khoảng cách từ nhà tới xe: Nếu bạn ở nhà mặt đất, xe đỗ ngay ở trong nhà thì oke, bạn mua kiểu gì cũng được. Nhưng nếu ở chung cư, bạn hãy cân nhắc bởi mỗi một chuyến đi bạn sẽ phải mang đồ xuống rồi sau đó mang đồ lên nhà khi chuyến đi kết thúc. Đừng chọn các loại bàn ghế quá to, nặng.
Bạn có thể mua khoảng 1 vài chiếc ghế có tựa lưng, kết hợp với đó mua thêm các loại ghế nhỏ không tựa để thay đổi tuỳ theo mục đích sử dụng.
Một vài tham khảo cho bạn:
- Ghế có tựa lưng của NATUREHIKE (loại này ngồi khá thích, không mỏi cổ)
- Ghế gấp gọn loại nhỏ của NATUREHIKE (loại này phù hợp cho các bạn nhỏ)
Bàn cũng vậy, có thể mua loại mặt bàn bằng kim loại cứng kết hợp cùng với loại bàn có mặt là sợi tổng hợp. Loại bàn mặt cứng sẽ phù hợp hơn cho việc để thức ăn, đồ uống, loại bàn kia có thể dùng để các loại đồ khô, đồ nhẹ.
Một số loại bàn cho các bạn tham khảo:
- Bàn nhôm NATUREHIKE loại to (loại này to, chắc chắn nhưng giá cao)
- Bàn nhôm NATUREHIKE loại nhỏ (loại này nhỏ hơn nhưng giá rẻ hơn)
Tấm bạt
Ngoài bàn ghế, các bạn nên chuẩn bị một vài tấm bạt loại dày để sử dụng cho các mục đích kết hợp, hãy chọn loại có 4 móc tròn ở các góc cho thuận tiện. Nếu cần không gian rộng hơn để ngồi, có thể trải bạt xuống đất rồi sử dụng các cọc giữ lều để cố định. Tấm bạt cũng có thể dùng để bổ sung che nắng, che mưa ở các góc của bộ tăng hoặc phủ lên nóc lều.
Đèn
Sử dụng trong các trường hợp cắm trại qua đêm hay nếu bạn dọn dẹp đồ đạc vào tầm chiều tối. Có nhiều loại đèn sử dụng dầu, xăng hay sử dụng pin. Cơ động và gọn nhẹ nhất các bạn vẫn nên chọn đèn dùng pin, nếu nhu cầu sử dụng nhiều các bạn hãy chọn các loại đèn sử dụng pin 18650 có thể tháo rời, khi hết pin chỉ cần thay là có thể sử dụng tiếp.
Đèn cắm trại Fenix CL26R (loại này dùng pin rời 18650)
Giường/Đệm
Trừ loại nều nóc xe, còn lại hầu hết các loại lều khác đều dựng trên mặt đất. Khi cần ngủ qua đêm trong lều các bạn cần có những dụng cụ đặt phía dưới, tránh nằm trực tiếp dưới nền đất sẽ không tốt cho sức khoẻ. Nếu được các bạn có thể mang theo những chiếc giường gấp loại nhỏ (nhưng sẽ chỉ phù hợp với cá nhân, ít người hay xe của bạn có thể chở thoải mái). Nếu không, các bạn có thể mua những tấm đệm bơm hơi (sử dụng bơm điện gắn tẩu xe ô tô) hoặc đệm bằng bọt biển tự bơm. Có những tấm đệm này ở dưới cũng sẽ ngủ ngon hơn rất nhiều.
Đệm tự bơm hơi của NATUREHIKE (loại này nằm thích nhưng hơi to)
Túi ngủ
Cắm trại trên núi cao hay những nơi lạnh về ban đêm, ngoài đệm các bạn vẫn cần thêm túi ngủ để giữ ấm. Có thể chọn những loại túi ngủ có khoá ở cả 2 bên cạnh để trong trường hợp cần thiết các bạn có thể mở ra làm chăn.
Đồ dùng cho nấu ăn
Bếp du lịch
Nếu đi dài ngày, qua đêm các bạn có thể sử dụng củi để làm bếp với chi phí thấp. Tuy nhiên, nếu dùng ít các bạn có thể sử dụng những loại bếp mini dùng gas hoặc dùng xăng cho cơ động.
Bến ga dã ngoại của FIRE MAPLE
Bếp nướng dã ngoại
Những loại bếp nướng này thường làm bằng inox, có thể gấp gọn nhưng cũng trọng lượng vẫn tương đối nặng. Ưu điểm là gọn gàng, sạch sẽ và thuận tiện khi chế biến.
Bếp nướng inox của CAMPINGMOON (loại này gấp lại khá gọn, dễ vệ sinh)
Nếu muốn gọn nhẹ hơn nữa, các bạn chỉ cần dùng than, kết hợp với gạch đá các loại cùng một chiếc vỉ nướng mang theo là cũng có thể có một chiếc bếp xịn không kém.
Vỉ nướng
Nếu dựng bếp bằng các dụng cụ sẵn có tại địa điểm cắm trại nhưng không có vỉ thì cũng rất khó khăn trong việc nướng đồ nhé, các bạn có thể mua những vỉ nướng loại to hoặc mang nhiều vỉ nướng nhỏ.
Than
Nên chủ động chuẩn bị than, việc mua than tương đối dễ dàng khi hầu như có thể tìm được ở các chợ truyền thống. Các bạn có thể mua thêm 1 túi cồn khô loại nhỏ, bẻ vài miếng cồn cho lẫn vào than rồi đốt sẽ giúp việc nhóm bếp đơn giản và nhanh hơn. Các loại than sạch không khói trên thị trường bán với giá dao động khoảng 15-20k/1 kg.
Bật lửa/Khò
Mang theo than mà đôi khi không mang theo dụng cụ để nhóm sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng dở khóc dở cười đấy. Có một đầu khò sử dụng gas công suất lớn sẽ giúp bạn nhóm củi hoặc than nướng nhanh hơn khá nhiều, kể cả trong trường hợp trời ẩm ướt.
Đèn khò dã ngoại FIREMAPLE (công suất lớn, nhóm củi nhanh)
Xoong nồi
Đi cắm trại thì không thể sử dụng những loại xoong nồi đang dùng ở nhà được vì khá to và nặng (tất nhiên nếu bạn mang đi thì cũng không ai ý kiến), các bạn có thể chuẩn bị một bộ xoong nồi di động rất gọn nhẹ, tuỳ vào nhu cầu gia đình mà có thể mua các loại cần thiết (như chảo, xoong nhỏ, xoong sâu lòng)…
Bộ xoong nồi dã ngoại cho 2-3 người Fire Maple
Bát đũa cốc
Tiện nhất là sử dụng bát đũa cố giấy sử dụng một lần, nhưng sử dụng những loại đó lại không thân thiện với môi trường lắm. Nếu được các bạn có thể mua những bộ bát đũa bằng titanium (vừa an toàn vừa siêu nhẹ) và mang đi để sử dụng, sau mỗi chuyến đi lại rửa sạch cất đi cho lần sau. Tương tự với các loại ca cốc cũng như vậy
Dao kéo
Có 2 loại dao mà các bạn có thể cân nhắc mang đi, một loại dao sử dụng cho nấu ăn hay bổ hoa quả, những loại dao này có thể kết hợp sử dụng luôn dao nhà có sẵn. Loại nữa, các bạn có thể chuẩn bị một con dao đa năng (hoặc rìu, dao phát cỏ) để mang theo nếu cần bổ củi, chặt cành….
Bình nước
Trong quá trình cắm trại các bạn sẽ cần nguồn nước để nấu nướng (ngoài nước đóng chai mang đi để uống), nếu xe rộng rãi các bạn có thể chở theo các bình nước 20 lít. Nếu không, các bạn có thể mang theo những bình chứa nước loại 5-10 lít dạng gấp gọn, đến gần nơi cắm trại có thể xin người dân địa phương cho tiện.
Bình nước gấp gọn NATUREHIKE (loại này khi không dùng có thể gập lại)
Thùng giữ nhiệt
Thùng có tác dụng chứa đá, ủ lạnh đồ uống cũng như giữ tươi cho thực phẩm. Thường trong mỗi chuyến đi cũng cần khoảng 1-2 thùng cho các mục đích khác nhau. Có nhiều loại thùng với giá từ vài trăm k cho đến cả chục triệu. Tuỳ vào khả năng tài chính các bạn có thể lựa chọn, các loại rẻ có Song Long, Tân Thành, các loại giá vừa phải có Nature Hike, các loại cao cấp hơn có Coleman…
Thùng đá NATUREHIKE (loại này kích thước vừa phải, có thể đựng vừa 1 túi đá)
Giấy ăn
Luôn mang theo một vài gói giấy ăn khô cũng như giấy ăn ướt để sử dụng nhé, nhất là trong đoàn có vài bạn nhỏ thì lượng giấy cần sử dụng cũng nhiều đấy.
Đồ dùng pha cà phê
Nhiều bạn thích (và thậm chí nghiện) cafe thì không thể thiếu được các món dụng cụ này. Với mục đích di động thì một số loại dụng cụ pha cafe thủ công rất hợp lý để mang theo như các loại ấm của Bialetti (Moka, Brikka), các máy pha của Staresso hay Wacaco…
Đồ ăn
Tuỳ vào lượng người mà các bạn tính toán để chuẩn bị lượng thức ăn cho hợp lý. Với các loại đồ nướng, các bạn có thể ướp sẵn ở nhà sau đó để vào ngăn đá tủ lạnh, sau đó chỉ cần cho vào thùng giữ nhiệt để mang đi. Trong quá trình di chuyển cho đến khi nấu nướng thức ăn vẫn được giữ lạnh và sẽ được rã đông tự nhiên, không bị ảnh hưởng đến chất lượng.
Các loại rau củ quả trái cây các bạn cũng chuẩn bị sẵn, chia vào các túi nhỏ và để trong các thùng lạnh cùng với thức ăn. Tương tự với đồ uống, các bạn cũng có thể để sẵn xuống đáy thùng, đổ một lớp đá phủ lên trên để đồ uống cũng luôn được giữ lạnh.
Thời gian giữ lạnh của đá phụ thuộc vào chất lượng của thùng nhé, với những loại thùng chất lượng cao khi đóng kín đá có thể giữ được tới 24h mà không bị tan.
Thuốc
Thực ra các chuyến cắm trại trong ngày cũng không cần thiết phải chuẩn bị thuốc bởi đa phần các bạn có thể mua được hoặc nếu gặp vấn đề gì về sức khoẻ đột xuất thì chuyến đi cũng dừng lại để quay về. Tuy vậy, bạn có thể mang theo một số loại thuốc và trang bị y tế sau để phòng (nhất là trong trường hợp các bạn đi cắm trại qua đêm).
Thuốc chống côn trùng
Nhiều nơi cắm trại thường là những khu vực rừng núi, ao hồ, có nhiều loại côn trùng có thể gây ra các vết đốt hoặc đơn giản là dị ứng. Các bạn có thể mang theo các loại thuốc này để sử dụng, nhất là cho trẻ em và những ai mẫn cảm.
Thuốc đau bụng
Có thể mang theo một vài lọ Berberin, ăn uống nhiều mà gặp vấn đề về tiêu hoá thì các bạn có thể sử dụng trong tình huống khẩn.
Bông băng y tế
Nên mang theo một chút bông băng y tế, thuốc sát trùng. Trong các chuyến dã ngoại ngoài trời, các bạn nhỏ đôi khi mải chơi, sẽ vô tình gặp một số tai nạn nhỏ. Lúc đấy những vật dụng tưởng chừng cơ bản này lại rất hữu ích.
Một số đồ dùng khác
Loa nghe nhạc
Các bạn có thể mang theo một chiếc loa để bật những bản nhạc yêu thích và nghe trong suốt buổi cắm trại của mình.
Chỉ nên mang những loa có công suất vừa phải, không nên mang những chiếc loa kiểu kẹo kéo chuyên để hát karoke. Các bạn nên nhớ các khu vực cắm trại không chỉ có riêng bạn, ngoài ra còn dân cư sống xung quanh nữa, hạn chế làm ảnh hưởng tới người khác bằng tiếng ồn nhé.
Sạc dự phòng
Mang theo một vài cục pin sạc dự phòng để sạc cho các thiết bị điện tử, những cục pin sạc này còn có thể sử dụng làm nguồn cho những bóng đèn trang trí lều trại buổi tối.
Áo mưa/ ô dù
Nếu đi vào mùa có thể xảy ra mưa, cắm trại qua đêm thì cũng nên mang theo các bạn nhé. Đôi khi các bạn cần phải ra ngoài trời để xử lý các sự cố liên quan đến lều của mình.
Đèn pin
Tương tự như vậy, một chiếc đèn pin cầm tay (ngoài các đèn sử dụng cho lều trại) sẽ thuận tiện để soi đường, khắc phục sự cố vào buổi tối nếu các bạn cắm trại qua đêm.
Quần áo dự phòng
Mỗi người kể cả người lớn hay trẻ em nên tự chuẩn bị cho mình 1 bộ quần áo dự phòng để thay. Trong chuyến dã ngoại, rất nhiều các tình huống bất ngờ có thể xảy ra khiến bộ quần áo của bạn lấm bẩn, bộ quần áo dự phòng lúc này là cần thiết. Nếu các bạn đi qua đêm, số lượng quần áo có thể mang thêm nhiều hơn.
Đồ vệ sinh cá nhân
Các loại đồ vệ sinh cá nhân như bàn chải, khăn mặt… cần phải mang theo nếu các bạn cắm trại qua đêm. Những loại vật dụng này các bạn nên chia vào các túi zip, số lượng mang theo chỉ nên ở mức tối giản để tránh lỉnh kỉnh.
Túi đựng rác
Hãy mang theo một cuộn túi đựng rác, sau khi kết thúc buổi cắm trại hãy thu dọn toàn bộ rác và mang trở về nơi các bạn xuất phát.
Tìm trên Google:
- chuẩn bị đồ đi cắm trại
- đi cắm trại cần mang theo những gì
- đồ dùng cơ bản cắm trại
- các loại đồ cắm trại qua đêm
- mua lều cắm trại ở đâu
- cách dựng lều cắm trại
- chuẩn bị đồ đi picnic
- mua đồ cắm trại ở đâu
- chuẩn bị đồ dã ngoại cho bé