Về thăm “địa chỉ đỏ” khu di tích Kim Đồng

Về thăm “địa chỉ đỏ” khu di tích Kim Đồng

Cùng Phượt – Khu di tích Kim Đồng, đội trưởng Đội Nhi đồng Cứu quốc đầu tiên của Việt Nam (Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ngày nay), nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng). Đây không chỉ là “địa chỉ đỏ” của thiếu nhi cả nước mà còn là điểm đến hấp dẫn trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng của du khách.

Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền (sinh năm 1929), tại bản Nà Mạ, xã Trường Hà (Hà Quảng), là người con dân tộc Nùng thông minh, nhanh nhẹn.

Anh tham gia vào Đội Nhi đồng Cứu quốc gồm 4 đội viên: Kim Đồng, Cao Sơn, Thanh Thủy, Thủy Tiên do Kim Đồng làm Đội trưởng.

Ngày 15/2/1943, trong khi đang làm nhiệm vụ bảo toàn bí mật, giúp cán bộ Việt Minh kịp thời di tản lên núi, Kim Đồng đã anh dũng hi sinh khi vừa tròn 14 tuổi. Năm 1997, Kim Đồng được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Khu di tích tọa lạc tại làng Nà Mạ, cách tỉnh lộ 203 khoảng 200 m, toàn bộ khu vực di tích được xây tường rào bao quanh.

Hiện nay, khu di tích đã được mở rộng với diện tích 12 ha, chia làm hai khu với nhiều hạng mục mới được xây dựng.

Nổi bật chính giữa khu di tích là tượng đài anh Kim Đồng với bộ quần áo Nùng, tay nâng cao con chim bồ câu đưa thư.

Ngay trước mặt là khu vực mộ anh, đây là nơi mà du khách khi đến đều chuẩn bị một chút lễ để thắp hương, tưởng nhớ tới người anh hùng nhỏ bé.

Bên tay trái là khu vực mộ của bà Lân Thị Hò, mẹ của anh Kim Đồng. Cả hai khu vực mộ đều được điêu khắc bằng đá hoa cương trắng.

Ngoài ra, khu di tích cũng xây dựng mới các hạng mục nhà trưng bày, khối quảng trường, nhà tưởng niệm, nhóm tượng các anh hùng tuổi thiếu niên; khu thành lập Đội; nhà sàn Kim Đồng; bãi đỗ xe…

Hằng năm, Khu di tích đón hàng nghìn du khách, đoàn viên, thanh thiếu niên trong cả nước đến tham quan. Những năm gần đây, nhiều trường học tổ chức hoạt động về nguồn, ngoại khóa, lễ kết nạp đội viên trước tượng đài Anh hùng liệt sĩ Kim Đồng. Qua đó, giúp thanh thiếu nhi hiểu rõ hơn về người Đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, từ đó không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trở thành con ngoan, trò giỏi, người đội viên gương mẫu.

5/5 - (1 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Cao Bằng

CAO BẰNG

Vị trí Cao Bằng trên bản đồ Việt Nam

Cao Bằng là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam. Hai mặt Bắc và Đông Bắc giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), với đường biên giới dài 333.403 km. Cao Bằng là cao nguyên đá vôi xen lẫn núi đất, có độ cao trung bình trên 200 m, vùng sát biên có độ cao từ 600- 1.300 m so với mặt nước biển. Núi non trùng điệp. Rừng núi chiếm hơn 90% diện tích toàn tỉnh. Từ đó hình thành nên 3 vùng rõ rệt: Miền đông có nhiều núi đá, miền tây núi đất xen núi đá, miền tây nam phần lớn là núi đất có nhiều rừng rậm.

Bạn có biết: Tỉnh Cao Bằng cùng với tỉnh Lạng Sơn thời nhà Lý và Trần được gọi là châu Quảng Nguyên. Vùng đất này chính thức phụ thuộc vào An Nam từ năm 1039, triều Lý Thái Tông, sau khi nước này chiến thắng Nùng Trí Cao.

  • Diện tích: 6.707,9 km²
  • Dân số: 517.900 người
  • Vùng: Đông Bắc
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố 9 huyện
  • Mã điện thoại: 206
  • Biển số xe: 11