Hướng dẫn leo Lùng Cúng

Hướng dẫn leo Lùng Cúng tự túc từ A-Z (Cập nhật 12/2024)

✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 28 tháng 11 năm 2024

Cùng Phượt – Lùng Cúng là một đỉnh núi nằm ở địa phận Mù Cang Chải, Yên Bái, trong top 15 các đỉnh núi cao của Việt Nam. Với sự phát triển của phong trào leo núi dẫn tới các dịch vụ hỗ trợ gần như đã đầy đủ, việc leo Lùng Cúng trong những năm gần đây tương đối dễ dàng bởi đây không phải là một cung đường quá khó. Nếu không có thời gian các bạn hoàn toàn có thể leo từ chân núi lúc sáng sớm và quay trở về lại ngay trong ngày. Thông thường. lịch trình được đa số các bạn lựa chọn là leo trong 2 ngày, ngủ 1 đêm trên lán và xuống lại núi vào khoảng trưa hôm sau.

Hướng dẫn leo Lùng Cúng từ A-Z

Lùng Cúng là một điểm leo tương đối nhẹ nhàng trong các cung đường leo ở Yên Bái (Ảnh – Dzung Pham)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Dzung Pham, _bo0ng_bong, dungpt3c, dang.thephi, quang_long92, nguyencanh.toan, sasha_arefieva nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Lùng Cúng

giới thiệu về đỉnh núi lùng cúng
Lùng Cúng là một trong 3 đỉnh núi thường được các bạn yêu thích leo núi lựa chọn để chinh phục (Ảnh – cungphuot.info)

Cao 2913 m, Lùng Cúng được đặt theo tên một bản làng nằm sâu trong vùng núi hiểm trở bậc nhất tại xã Nậm Có của huyện Mù Cang Chải. Đây là nơi sinh sống của hơn 300 hộ người Thái.

Lùng Cúng  nằm trong top 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Vài năm trở lại đây, Lùng Cúng hút một lượng lớn những người yêu thích leo núi, do địa hình rừng núi đẹp, cung đường leo ngắn với độ khó vừa phải. Đây cũng là nơi lý tưởng để săn mây, và đặc biệt có thể ngắm cả hoàng hôn và bình minh giữa biển mây do có tầm nhìn 360 độ không bị che chắn.

Có ba bản nằm dưới chân núi với ba cung đường lên đỉnh để du khách lựa chọn, đó là từ bản Lùng Cúng, từ bản Thào Chua Chải và từ bản Tu San.

Đi Lùng Cúng mùa nào đẹp?

Mùa lá đỏ trong những cánh rừng Lùng Cúng
Mùa lá đỏ trong những cánh rừng Lùng Cúng – _bo0ng_bong)

Một năm mùa leo núi ở miền Bắc thường có 2 khoảng thời gian khá đẹp là từ tháng 11-12 và khoảng tháng 3-4. Tầm này thường hay khô ráo, thời tiết mát vừa phải nên leo không quá mệt mỏi và mất sức, đây cũng là thời điểm dễ gặp mây.  Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm các mốc thời gian như

  • Đi sớm hơn một chút, tầm giữa đến gần cuối tháng 10 lúc này vẫn đang trong mùa lúa chín ở Mù Cang Chải, kết hợp luôn trong cùng một chuyến đi sẽ tiện hơn nhất là với những bạn ở xa khó sắp xếp thời gian.
  • Khoảng cuối năm tháng 12 sẽ là mùa lá phong đỏ, nếu đi vào dịp này sẽ có cơ hội gặp được mùa cây thay lá trong rừng.

Hướng dẫn đi tới Lùng Cúng

để bắt đầu leo Lùng Cúng, các bạn cần đến Mù Cang Chải
Để bắt đầu leo Lùng Cúng, các bạn cần có mặt tại Mù Cang Chải (Ảnh – cungphuot.info)

Là một đỉnh núi thuộc Mù Cang Chải nên để bắt đầu leo các bạn cần có mặt tại đây trước. Các tuyến leo thường được lựa chọn là lúc leo đi từ Nậm Có và lúc về theo đường Thào Chua Chải ở Chế Cu Nha. 2 địa điểm này đều nằm trên tuyến QL32 nên việc di chuyển đến đây tương đối dễ.

Đi tới Mù Cang Chải

Xe khách

Có tương đối nhiều xe chạy tuyến Lai Châu đi qua Mù Cang Chải hàng ngày, xe thường khởi hành vào buổi tối từ bến xe Mỹ Đình. Các bạn có thể lên xe buổi tối, nghỉ ngơi tại Tú Lệ rồi sáng hôm sau bắt đầu hành trình

Ô tô cá nhân
sử dụng xe cá nhân
Nếu muốn tiết kiệm thời gian nhất, các bạn nên lập nhóm và sử dụng xe cá nhân (Ảnh – cungphuot.info)

Các bạn nếu có xe cá nhân có thể lựa chọn 2 tuyến đường là QL32 qua Thu Cúc hoặc đi cao tốc Hà Nội – Lào Cai rồi ra nút IC 12 để tới Nghĩa Lộ, tùy vào thời gian di chuyển các bạn có thể lựa chọn ngủ tại Nghĩa Lộ để hôm sau đi sớm hoặc di chuyển thẳng tới Tú Lệ nghỉ qua đêm. Nếu nghỉ tại Nghĩa Lộ sẽ có nhiều lựa chọn về các dịch vụ ăn uống ngủ nghỉ hơn.

Đi tới Nậm Có

đi xe máy tới chân núi

Để bắt đầu leo, các bạn cần phải di chuyển tới chân núi ở bản Tu San (Ảnh – cungphuot.info)

Từ Tú Lệ vào điểm leo núi ở bản Tu San của Nậm Có đường khá xấu, nếu đi xe gầm cao các bạn có thể di chuyển được khoảng 5km và gửi xe ở nhà dân rồi tiếp tục đi xe ôm khoảng 30 phút để tới điểm leo ở chân núi.

Thực ra nếu có bán tải 2 cầu vẫn có thể đi vào tận chân núi, tuy nhiên đường khá nhỏ và xấu nên có lẽ gửi xe ở ngoài và di chuyển bằng xe ôm sẽ thuận tiện và chủ động hơn.

Chinh phục Lùng Cúng

Cao độ
cao độ chặng đường leo Lùng Cúng

Cao độ chặng đường leo Lùng Cúng từ bản Tu San xã Nậm Có (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là cao độ của chặng leo Lùng Cúng từ bản Tu San, một vài thông tin các bạn có thể đọc được từ bản đồ này như sau:

  • Tổng quãng đường leo cả đi cả về vào khoảng 15 km
  • Khoảng 1 km đầu tiên là đoạn đường tương đối dốc, ít cây nên nếu đi vào ngày nóng thì đoạn này sẽ mất sức nhất.
  • 2 km tiếp theo đường khá bằng, các bạn sẽ đi xuyên qua rừng nguyên sinh.
  • Đến khoảng km thứ 3 là đến chân thác Hấu Chua La, qua đoạn thác này sẽ mất khoảng 500 m leo dốc khá đứng.
  • Từ đây lên đến lán nghỉ vào khoảng 2 km nữa, đường tương đối nhàn và dễ đi. Đoạn này cũng leo nhưng đi trong rừng.
  • Từ lán nghỉ lên đến đỉnh quãng đường cũng chừng hơn 2 km, nếu đi nhanh cũng chỉ mất khoảng 1 tiếng. Đoạn này thường mọi người để lại hết đồ đạc ở lán để leo nên cũng khá nhàn.
cao độ Lùng Cúng 2

Cao độ Lùng Cúng leo từ hướng bản Thào Chua Chải xã Chế Cu Nha (Ảnh – cungphuot.info)

Với chặng đường leo từ hướng Chế Cu Nha, tổng quãng đường cả đi cả về sẽ vào khoảng 27 km (mỗi chiều leo sẽ xa hơn khoảng 5 km so với hướng Tu San).

  • Không như hướng leo từ Tu San chỉ có đi lên, hướng này các bạn sẽ leo lên leo xuống liên tục. Độ dốc cũng cao hơn rất nhiều nên sẽ khá mệt.
  • Tốt nhất nếu muốn trải nghiệm cả 2 cung đường, các bạn nên leo theo hướng Tu San và xuống bằng hướng Chế Cu Nha này.
Tu San – Lán nghỉ
điểm bắt đầu leo

Đây là điểm các bạn bắt đầu di chuyển để leo lên Lùng Cúng (Ảnh – cungphuot.info)

Tại điểm dừng cuối cùng mà xe máy có thể di chuyển tới được, các bạn sẽ bắt đầu hành trình leo Lùng Cúng, chỗ này có độ cao khoảng 1600m.

1km leo đầu tiên

Chặng đầu tiên của cung đường leo khá mệt do dốc và ít cây (Ảnh – cungphuot.info)

Khoảng 1km đầu tiên để lên độ cao 1900m là quãng đường tương đối vất vả bởi chặng đường này gần như đi trên những đoạn núi thưa thớt, ít cây, đường khá dốc. Nếu đi vào những ngày nắng sẽ mất sức và những ngày mưa sẽ vô cùng vất vả vì đường trơn.

rừng nguyên sinh

Qua đoạn dốc đầu tiên, quãng đường sẽ bằng phẳng hơn và đi xuyên qua những tán rừng nguyên sinh cổ thụ (Ảnh – cungphuot.info)

Qua đoạn này, cung đường sẽ chuyển qua đi trong những tán cây rừng nguyên sinh nên cảnh sắc sẽ đa dạng với những vạt rừng nguyên sinh phủ đầy rêu phong, cây cổ thụ 3-4 người ôm không xuể.

thác hấu chua la Lùng Cúng

Con thác 2 tầng Hấu Chua La (Ảnh – cungphuot.info)

Đoạn đường bằng này sẽ đưa các bạn tới chân thác 2 tầng mà người dân gọi là Hấu Chua La, chỗ này không có nhiều không gian để có thể ngồi nghỉ nên thường chỉ có thể chụp ảnh xong rồi tiếp tục di chuyển.

đường dốc hơn khi qua chân thác

Từ chân thác, cung đường tiếp tục dốc ngược khoảng 500 m(Ảnh – cungphuot.info)

Qua thác sẽ đến đoạn cầu thang bằng gỗ tương đối dốc mà người dân địa phương đã dựng sẵn ở đây. Đoạn này léo dài chừng hơn 500m, đường hẹp, nhỏ và bên cạnh là vực rất sâu. Các bạn đi qua đoạn này phải hết sức cẩn thận.

đoạn cuối cùng trước khi đến lán nghỉ

Đoạn cuối cùng trước khi tới lán nghỉ (Ảnh – cungphuot.info)

Chặng cuối cùng trước khi đến lán nghỉ vẫn tiếp tục là đường mòn đi trong rừng. Đoạn này không quá khó nhưng nếu không đi cùng đoàn các bạn nên hỏi trước porter xem mình sẽ nghỉ ở lán nào, có 2 khu vực dựng lán ở cách nhau khoảng 500m và ở 2 đường khác nhau nên nếu đến nhầm lán sẽ mất công quay lại.

lán a tồng

Khu vực lán nghỉ thứ nhất, chỗ này có 2 khu lán (Ảnh – cungphuot.info)

lán a hồng

Khu vực lán nghỉ thứ 2, chỗ này có 4 lán (Ảnh – cungphuot.info)

Khu vực lán nghỉ thứ 2 này chủ lán có quây đầy đủ nhà tắm, nhà vệ sinh. Các bạn nếu thích tắm cũng có sẵn nước nóng được đun và phục vụ tận nơi với giá 50k/1 người.

Lán nghỉ – Đỉnh Lùng Cúng
từ lán lên đỉnh

Từ lán lên đỉnh (Ảnh – cungphuot.info)

Chặng đường còn lại từ lán nghỉ lên đỉnh nếu so với đoạn từ dưới chân núi lên thì nhẹ nhàng hơn, mặc dù chênh lệch độ cao là khoảng 500m.

Khu vực xích đu

Khu vực xích đu, từ đây nhìn thẳng sang phía bên kia là thấy đỉnh Lùng Cúng (Ảnh – cungphuot.info)

Phần lớn quãng đường của chặng này là đi qua khu rừng trúc, sau khi ra khỏi khu rừng đi thêm 1 đoạn nữa là tới được khu vực bãi đất trống có xích đu.

chặng cuối cùng

Chặng cuối cùng trước khi chạm tay vào đỉnh núi (Ảnh – cungphuot.info)

Mất thêm khoảng 15 phút nữa từ đây, băng qua một sườn núi nhỏ là tới được đỉnh Lùng Cúng. Đoạn đường nhìn có vẻ dốc và dài nhưng leo lại khá đơn giản.

Đỉnh núi Lùng Cúng trong mây

Đỉnh núi Lùng Cúng trong mây (Ảnh – dungpt3c)

Tại độ cao 2913 m, chóp inox đánh dấu đỉnh Lùng Cúng hiện ra trong mây mù. Tùy vào thời tiết và thời điểm  leo núi mà các bạn có thể gặp được biển mây.

Chỗ ngủ

ngủ trong lán

Trừ những dịp đi quá đông, còn lại về cơ bản số lượng chỗ ngủ trong các lán đủ cho hàng trăm người cùng 1 lúc (Ảnh – dang.thephi)

Ngủ trong lán

Nếu đi theo các tour được tổ chức từ Hà Nội hoặc nếu đã thuê porter lo toàn bộ chuyến đi các bạn sẽ không cần phải lo về chỗ ngủ. Trên khu vực lán nghỉ ở độ cao khoảng 2400m hiện tại có khoảng gần chục lán nghỉ với sức chứa lên tới vài trăm người.

Ngủ lều

Trong trường hợp đi tự do các bạn có thể chủ động mang theo lều và túi ngủ để sử dụng qua đêm. Trên này cũng tương đối nhiều bãi đất trống bằng phẳng có thể dựng được lều, chỉ cần các bạn có đầy đủ dụng cụ thì có thể thoải mái.

Chuẩn bị đồ đạc

Ba lô

ba lô khi leo lùng cúng

Nên mang theo những chiếc ba lô có quai hỗ trợ cả trên và dưới sẽ giúp cho các bạn khi leo nhàn hơn khá nhiều (Ảnh – quang_long92)

Nên sử dụng các loại ba lô chuyên dụng, loại có quai giữ cả ở ngực và ở bụng. Những loại quai này sẽ giúp bạn siết chặt ba lô vào người làm quá trình di chuyển dễ dàng hơn. Với hành trình ngắn, các bạn chỉ cần mang theo một cái ba lô khoảng 20-30 lít là thoải mái cho việc đựng đồ.

Trang phục cá nhân

trang phục khi leo lùng cúng

Nên chọn các loại trang phục nhẹ và gọn gàng khi leo (Ảnh – nguyencanh.toan)

Với hành trình leo trong 2 ngày, các bạn nên mang theo ít nhất 2 bộ quần áo dự phòng (ngoài bộ mặc sẵn trên người). Khi leo núi, nên lựa chọn các loại áo phông nhẹ nhàng, quần loại chuyên dùng cho các hoạt động outdoor. Việc mang theo 2 bộ để đề phòng các bạn sẽ gặp mưa hay bị ướt trong cả hành trình leo lên và đi xuống, đảm bảo lúc nào cũng có bộ khô để mặc.

Mang theo 1 áo khoác gió loại có mũ liền, 1 áo giữ nhiệt và 1 áo phao loại siêu nhẹ có thể gấp gọn. Những trang phục này sẽ giúp các bạn giữ ấm khi dừng lại nghỉ ngơi.

Mang theo 1 chiếc khăn (có thể dùng loại khăn rằn Nam Bộ), nếu đi vào lúc trời nóng có thể dùng để thấm mồ hôi, nếu đi vào lúc trời lạnh có thể dùng để quấn cổ.

Túi ngủ

Nhiệt độ trên núi vào buổi đêm thường xuống khá thấp, tuy vậy trên lán luôn có đầy đủ chăn và đệm ấm để các bạn ngủ. Với những bạn không quen với việc sử dụng chăn gối lạ có thể mang theo 1 chiếc túi ngủ mỏng để chui vào đó rồi mới dùng chăn bông đắp lên.

Giầy dép

Mang theo 1 đôi giầy loại chuyên dùng leo núi, có đế bám đường tốt. Nếu không muốn đầu tư quá nhiều, các bạn có thể mua các đôi giầy bộ đội để sử dụng. Ngoài ra, mang theo 1 đôi dép tổ ong hoặc dép xốp nhẹ để sử dụng trong lúc dừng nghỉ trên lán.

Gậy leo núi

Một chiếc gậy sẽ giúp cho bạn khá nhiều trong quá trình leo lên hoặc xuống, nhất là những đoạn đường trơn mà không có chỗ để bám. Nếu có điều kiện có thể mua các loại gậy leo núi chuyên dụng loại gấp gọn để mang theo, nếu không lên đến chân núi porter cũng sẽ chuẩn bị cho bạn.

Găng tay

Mang theo một chiếc găng tay (loại găng tay lao động hoặc găng tay hạt nhựa) để sử dụng trong toàn bộ quá trình leo. Có găng tay bạn sẽ dễ dàng cầm nắm và túm vào các loại cây cối ven đường leo mà không ngại việc tay sẽ bị trày xước.

Đèn pin

đèn pin khi leo Lùng Cúng

Dù leo lên đỉnh để đón hoàng hôn hay bình minh, khả năng cũng sẽ có lúc các bạn phải đi trong khi trời đã khá tối, vì vậy hãy luôn chuẩn bị đủ đèn để dùng (Ảnh – cungphuot.info)

Nên mang theo 1 chiếc đèn pin đội đầu vì dù leo lên đỉnh vào chiều tối hay sáng sớm cũng sẽ có lúc trời khá tối, nếu không mang theo đèn sẽ rất bất tiện khi đi trên đường.

Đồ ăn

đồ ăn khi leo lùng cúng

Tùy vào số lượng người mà porter sẽ chuẩn bị số lượng đồ ăn sao cho phù hợp (Ảnh – cungphuot.info)

Đồ ăn chính porter sẽ lo, các bạn chỉ cần mang theo các loại đồ ăn nhẹ nhàng như chocolate, thanh năng lượng, lương khô… để bổ sung năng lượng trong quá trình leo. Nên mua loại được chia thành các gói nhỏ để có thể dễ dàng bỏ gọn vào túi quần áo, ba lô…

Nước uống

Nước sử dụng chính thường porter sẽ mang cho toàn bộ đoàn, tuy vậy các bạn nên giữ cho mình tối thiểu 2 chai 500ml để đảm bảo bổ sung kịp thời, nhất là khi bạn đi trước hoặc đi sau đoàn.

Đồ y tế

Các bạn nên mang theo một vài loại trang thiết bị y tế dùng cho nhu cầu cá nhân như băng gạc, bông, urgo, thuốc sát trùng… để sử dụng cho các vết thương hở cần băng bó. Mang theo một ít salonpas để sử dụng nếu bị mỏi cơ, mang theo một vài loại thuốc cơ bản như hạ sốt, thuốc đau bụng, oregon….

Lịch trình đi Lùng Cúng

lịch trình leo Lùng Cúng

Lùng Cúng là một địa điểm có thể leo được trong 2 ngày, bao gồm cả thời gian di chuyển (Ảnh – sasha_arefieva)

Tùy vào thời gian rảnh rỗi mà các bạn có thể lên kế hoạch để khám phá Lùng Cúng trong khoảng 2 ngày hoặc kết hợp thêm các địa điểm gần đó để có 1 hành trình dài hơn.

Lùng Cúng 2 ngày 1 đêm

Lịch trình này dành cho các bạn sử dụng phương tiện ô tô cá nhân và không có nhiều thời gian rảnh. Với sức khỏe ở mức tương đối, các bạn có thể chinh phục Lùng Cúng trọn vẹn trong 2 ngày. Với lịch trình này, trong team nên có nhiều người biết lái xe để chia nhau cho đỡ mệt.

Ngày 1: Hà Nội – Nghĩa Lộ – Lùng Cúng

Xuất phát từ Hà Nội thật sớm, với quãng đường tới Tú Lệ chừng 250km, nếu đi nhanh các bạn sẽ mất khoảng 6 tiếng.

Từ Hà Nội các bạn xuất phát lúc 5h sáng teo tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai rồi đi Nghĩa Lộ. Đi vào quãng này đường tương đối vắng nên chắc chỉ khoảng 9h hơn sẽ tới được Nghĩa Lộ. Từ đây chạy xe tiếp tới Tú Lệ, rẽ vào đường đi Nậm Có thêm chừng 5 km sẽ đến điểm phải chuyển sang đi xe ôm. Nếu không đi xe gầm cao hoặc nếu lười, các bạn có thể gửi luôn xe ở ngoài Tú Lệ và đi xe ôm vào chân núi.

Khoảng 11h30 có thể bắt đầu leo, nên mang theo các loại đồ ăn gọn nhẹ để ăn nghỉ kết hợp trên đường cho tiết kiệm thời gian. Với tốc độ trung bình, kết hợp cả leo và nghỉ ngơi ăn uống, chụp ảnh thì chỉ khoảng 5 tiếng các bạn sẽ có mặt tại lán nghỉ.

Tắm rửa, nghỉ ngơi và chuẩn bị đồ ăn tối. Tối ngủ tại lán

Ngày 2: Lùng Cúng – Hà Nội

Sáng dậy sớm để lên đỉnh ngắm bình minh. Nếu xuất phát khoảng lúc 4h thì chỉ khoảng 8h sáng sẽ có mặt lại ở lán.

Nghỉ ngơi dọn dẹp, nấu đồ ăn trưa luôn rồi sau đó khoảng 9h30 từ lán trở lại xuống Tú Lệ. Do quãng đường xuống nhàn hơn so với quãng lên, các bạn sẽ mất khoảng 2,5 tiếng. Khoảng 13h sẽ có mặt tại chân núi, di chuyển ngược ra Tú Lệ lấy xe là 13h30.

Tranh thủ tắm rửa, nghỉ ngơi rồi khoảng 2h từ Tú Lệ chạy về lại Hà Nội. Kể cả đi chậm thì cũng chỉ khoáng 8h tối sẽ có mặt ở nhà kết thúc hành trình.

Nghĩa Lộ – Lùng Cúng – Mù Cang Chải

Ngày 1: Hà Nội – Nghĩa Lộ

Di chuyển từ Hà Nội đi Nghĩa Lộ, với khoảng cách chừng 200 km thời gian di chuyển sẽ mất khoảng 5 tiếng. Các bạn có thể xuất phát từ trưa thứ 6.

Khoảng chiều tối thứ 6 có mặt tại Nghĩa Lộ, ăn uống nghỉ ngơi ở 1 homestay nào đó để sáng hôm sau xuất phát sớm.

Khách sạn ở giảm giá trong tháng 12

HOMESTAY Binh Nga Homestay
Địa chỉ: Tân An, Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái
Điện thoại: 098 117 12 88
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Nhà Nghỉ Phương Thảo
Địa chỉ: Đường Vành Đai, Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái
Điện thoại: 094 125 56 78
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với booking

Ngày 2: Nghĩa Lộ – Tú Lệ – Lùng Cúng

Sáng 6h xuất phát từ Nghĩa Lộ đi Tú Lệ, quãng đường chừng 50km nên sẽ mất khoảng hơn 1 tiếng đến nơi.

Các bạn có thể lựa chọn gửi xe ngay ngoài Tú Lệ hoặc đi thêm chừng 5km vào Nậm Có sẽ có nhà dân trên đường để gửi.

Từ đây đi xe ôm vào chân núi và bắt đầu leo lúc khoảng 9h. Nếu đi với tốc độ bình thường, vừa đi vừa nghỉ ngơi chụp ảnh thì cũng chỉ khoảng 14h các bạn sẽ tới được lán nghỉ. Cất đồ đạc tại đây, nghỉ ngơi một chút rồi tiếp tục leo lên đỉnh ngắm hoàng hôn.

Từ lán nghỉ lên đỉnh đường khá dễ đi và không quá dốc, leo chừng hơn 1 tiếng là sẽ đến nơi. Chơi bời chụp ảnh đến khoảng 17h thì di chuyển lại về lán tắm rửa, nghỉ ngơi.

Ngày 3: Lùng Cúng – Mù Cang Chải

Sáng hôm sau, tùy vào tình hình sức khỏe các bạn có thể tiếp tục lên đỉnh 1 lần nữa để ngắm bình minh hoặc ở lại lán nghỉ ngơi. Khoảng 9h di chuyển lại xuống chân núi, nếu đi theo đường cũ là Tu San thì sẽ chỉ mất khoảng hơn 2 tiếng là về tới điểm tập kết.

Lấy xe di chuyển tiếp đi Mù Cang Chải, từ Tú Lệ qua đèo Khau Phạ đi chừng 1,5 tiếng đến thị trấn. Nhận phòng khách sạn nghỉ ngơi.

Ngày 4++: Khám phá Mù Cang Chải

Tùy thời gian rảnh các bạn có thể ở lại Mù Cang Chải thêm khoảng 2 ngày để khám phá hết vùng đất này. Ngày thứ 5 hoặc thứ 6 kết thúc hành trình trở lại Hà Nội.

Tìm trên Google:

  • hướng dẫn leo lùng cúng 2024
  • nên leo lùng cúng tháng mấy
  • kinh nghiệm đi lùng cúng
  • leo lùng cúng tháng 12
  • tháng 12 có nên trekking lùng cúng không
  • lùng cúng có lán ngủ không
  • số điện thoại porter leo lùng cúng
  • lùng cúng ở đâu
  • lùng cúng mùa nào đẹp
  • săn mây lùng cúng
  • mùa hoa lùng cúng
  • lùng cúng cao bao nhiêu m

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 52 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào