Kinh nghiệm du lịch Ninh Bình

Kinh nghiệm du lịch Ninh Bình (Cập nhật 12/2024)

✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 9 tháng 12 năm 2024

Cùng Phượt – Ninh Bình nằm ở vùng cực Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của tổ quốc. Đến với du lịch Ninh Bình du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của cố đô Hoa Lư, hay vẻ uy nghiêm của nhà thờ đá Phát Diệm, Du khách có thể tự do khám phá những bất ngờ thiên tạo ở khu hang động sinh thái Tràng An, khu Tam Cốc – Bích Động…Đó là chưa kể đến thế giới thiên nhiên nguyên vẹn được bảo tồn trong rừng nguyên sinh Cúc Phương, hay sự độc đáo, kỳ thú, hệ động thực vật phong phú, đa dạng của khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, hay tắm mình ở suối nước khoáng nóng Kênh Gà…

Ninh Bình hiện là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất miền Bắc (Ảnh – – FMD -)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả – FMD -, Kien1980v, Maren 86, VEC, Tran Quang Thuy, jenny_woltz, einskink, lien_bop, Vinny Wu, Minh Tâm Phạm Hà, Khánh Dương, George Wemyss, Thieu Quang Minh, Phuong Thao Bui, Phương Nguyễn, Đình Thảo, Thao Phan, Nguyễn Thị Thanh Tâm, collect.moments.of.happiness, Nicola e Pina, Đức Tiệp, katsu_pham, marischkaprue, Lê Hồng Hà, wroughllen, hachi print, justinle8x, Ngọc Sơn, Beer Photo, Đỗ Trang, Lan Linh, Nguyễn Mạnh Hà, Trung Trần, FB Bảo tàng Ninh Bình, dihimi, Mai Đại Linh, jessjamesjo, Lê Văn Cửu, phuong.thao183, Đàm Lê, Anh Ngoc, Hà Anh Nguyễn, habe0809, Boo Lee, Nguyễn Lê Huyền Trang, carrot101, Đới Công Lại, FB Mắm tép Gia Viễn, leho.94, Thu Phương, Phùng Trang, sengjueh và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về Ninh Bình

Mục lục

Với cảnh sắc thiên nhiên vô cùng đẹp, Ninh Bình đã từng được chọn làm bối cảnh cho nhiều bộ phim nước ngoài (Ảnh – – FMD -)

Ninh Bình nằm ở vị trí ranh giới 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Tỉnh này cũng nằm giữa 3 vùng kinh tế: vùng Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng duyên hải miền Trung. Ninh Bình nằm ở trọng tâm của nửa phía Bắc Việt Nam, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra.

Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú với nhiều danh hiệu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận. Địa danh này nằm ở vị trí cửa ngõ cực nam của tam giác châu thổ sông Hồng và miền Bắc, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh gắn với vùng đất là kinh đô của Việt Nam thế kỷ X, sở hữu 1.500 di tích các loại.

Qua các tài liệu của Viện sử học và của các nhà nghiên cứu đã tìm được từ trong sử sách – địa danh và danh xưng Ninh Bình chính thức có từ năm 1822 (năm Minh mạng thứ ba). Trước khi có danh xưng và địa danh Ninh Bình, nơi đây là một vùng đất cổ có con người cư trú rất sớm từ thời đại đồ đá cũ mà dấu tích còn lưu lại ở các di chỉ Thung Lang (Tam Điệp) có niên đại 3 vạn năm; ở hang Đăng Đắng (Cúc Phương) cách ngày nay 7000 – 8000 năm. Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong 12 xứ quân, thống nhất đất nước lập nên triều Đinh (968-980) đóng đô ở Hoa Lư thì đất này gọi là châu Đại Hoàng của nước Đại Cồ Việt.

Cố đô Hoa Lư với 3 triều đại, 6 vị vua (Ảnh – Kien1980v)

Trải qua nhiều chặng đường lịch sử, tới thời Nguyễn vùng đất này chính thức mang tên Ninh Bình. Trong suốt hành trình gần hai thế kỷ qua, Ninh Bình ít nhất đã có trên 20 lần thay đổi về đơn vị hành chính, địa giới và tên gọi khác nhau, song về cơ bản địa giới và danh xưng tên gọi vẫn được giữ nguyên như hiện nay (trừ 16 năm hợp nhất trong tỉnh Hà Nam Ninh, nhưng thị xã vẫn mang tên Ninh Bình).

Do nằm ở vùng giao thoa giữa 3 khu vực nên đã tạo ra một nền văn hóa Ninh Bình tương đối năng động, phát triển trên nền tảng văn minh châu thổ sông Hồng. Đây là vùng đất phù sa cổ ven chân núi có con người cư trú từ rất sớm. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện trầm tích có xương răng đười ươi và các động vật trên cạn ở núi Ba (Tam Điệp) và một số hang động khác của kỳ đồ đá cũ thuộc nền Văn hóa Tràng An; động Người Xưa (Cúc Phương) và một số hang động ở Tam Điệp, Nho Quan có di chỉ cư trú của con người thời văn hoá Hoà Bình. Sau thời kỳ văn hoá Hoà Bình, vùng đồng bằng ven biển Ninh Bình là nơi định cư của con người thời đại đồ đá mới Việt Nam. Di chỉ Đồng Vườn (Yên Mô) đã được định niên đại muộn hơn di chỉ Gò Trũng. Cư dân cổ di chỉ Đồng Vườn đã phát triển lên cư dân cổ di chỉ Mán Bạc (Yên Thành, Yên Mô) ở giai đoạn văn hoá đồ đồng từ cuối Phùng Nguyên đến đầu Đồng Đậu. Ninh Bình là địa bàn có nhiều di tích khảo cổ học thuộc các thời kỳ văn hóa Tràng An, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đa Bút và Đông Sơn.

Vùng đất Ninh Bình xưa là kinh đô của Việt Nam giai đoạn 968 – 1010 với 3 triều đại Đinh, Tiền Lê, Tiền Lý và cũng là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử. Hiện nay, với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình, lịch sử văn hóa đồng thời sở hữu 2 khu vực là di sản thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới, Ninh Bình hiện là một địa điểm du lịch có tiềm năng phong phú và đa dạng.

Nên đi du lịch Ninh Bình vào mùa nào?

Khoảng thời gian tháng 4-5 hàng năm là quãng thời gian du lịch Ninh Bình thích hợp nhất (Ảnh – Maren 86)

Ninh Bình nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm: mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều từ tháng 5 đến tháng 9; mùa đông khô lạnh từ tháng 11 năm trước đến tháng 3-4, tháng 10 là mùa xuân và mùa thu. Một số thời gian hợp lý để các bạn có thể du lịch Ninh Bình là:

  • Có thể đi du lịch Ninh Bình vào khoảng tháng 4, thời tiết lúc này đã tương đối khô, không còn cái nóng ẩm khó chịu đầu năm của miền Bắc.
  • Khoảng từ tháng 1-3 âm lịch hàng năm là lễ hội chùa Bái Đính, các bạn có thể kết hợp đi lễ và khám phá Ninh Bình vào dịp này.
  • Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư (hay còn gọi là hội Trường Yên hay hội Cờ Lau) diễn ra vào 8-10 tháng 3 âm lịch hàng năm.
  • Cuối tháng 5, đầu tháng 6 là mùa lúa chín của Ninh Bình.

Hướng dẫn đi tới Ninh Bình

Đường bộ

Với đường cao tốc, từ Hà Nội đi Ninh Bình giờ chỉ mất khoảng 1h đồng hồ (Ảnh – VEC)

Ninh Bình là một điểm nút giao thông quan trọng, có 9 quốc lộ (trong đó có 6 quốc lộ khởi đầu và 3 quốc lộ đi qua) dàn đều trên tất cả các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh nên phương tiện thuận lợi nhất để đến với Ninh Bình chính là thông qua hệ thống giao thông đường bộ.

Phương tiện công cộng

Các tuyến xe đi Ninh Bình từ Hà Nội đều xuất phát từ bến xe Giáp Bát và kết thúc ở bến xe trung tâm Ninh Bình. Do Tp Ninh Bình cũng nằm ngay sát trên trục QL1A nên ngoài các tuyến xe này, các bạn có thể sử dụng bất cứ một tuyến xe nào khác từ Hà Nội đi vào các tỉnh miền Trung hay miền Nam (hãy lựa chọn các tuyến xe Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh… vì các tuyến này số lượng nhiều, chạy khá liên tục)

Xem thêm bài viết: Các tuyến xe khách đi Ninh Bình (Cập nhật 12/2024)

Phương tiện cá nhân

Nếu sử dụng phương tiện ô tô, từ Hà Nội các bạn có thể đi theo đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, với khoảng cách khoảng 90km chỉ mất khoảng 1 tiếng các bạn sẽ tới được trung tâm Tp Ninh Bình, từ đây đi tới các địa điểm du lịch trong tỉnh hầu như không quá 30km.

Nếu sử dụng phương tiện xe máy, từ Hà Nội các bạn đi theo đường QL1A cũ qua Hà Nam rồi đi theo hướng Ninh Bình Thanh Hóa. Chú ý là tránh không đi nhầm sang phía hướng Nam Định – Thái Bình để đỡ vòng vèo.

Đường sắt

Ga Ninh Bình hiện tại cũng đã được nâng cấp khá nhiều (Ảnh – Tran Quang Thuy)

Ninh Bình có trục đô thị Tam Điệp – Ninh Bình nằm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Trên địa bàn tỉnh có các ga Ninh Bình, ga Cầu Yên, ga Ghềnh và ga Đồng Giao. Chính vì vậy, các bạn dù ở trong Nam hay ngoài Bắc đều có thể dễ dàng đến với Ninh Bình bằng các chuyến tàu Thống Nhất.

Từ Hà Nội có các chuyến tàu SE1 (19h30) đến Ninh Bình lúc 21h46, tàu SE3 (22h00) đến Ninh Bình lúc 0h10, tàu SE5 (9h00) đến Ninh Bình lúc 11h21, tàu SE7 (6h00) đến Ninh Bình lúc 8h22 và tàu SE19 (20h05) đến Ninh Bình lúc khoảng 23h.

Nếu xuất phát từ Sài Gòn, các chuyến tàu đều đến Ninh Bình hầu hết vào giờ khá muộn, chuyến tàu duy nhất phù hợp mà các bạn nên đi là SE8 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 6h00 và đến Ninh Bình lúc 13h15 ngày hôm sau.

Đi lại ở Ninh Bình

Taxi

Đây là phương tiện đi lại phổ biến và dễ tìm, nhất là với những nhóm bạn đi đông người hoặc gia đình có trẻ em và người cao tuổi. Các bạn có thể thống nhất giá cả đi từng chặng với lái xe taxi.  Một số hãng taxi phổ biến ở Ninh Bình

  • Taxi Ninh Bình 0229 3633788
  • Taxi Mai Linh 0229 6252525 – 0229 6251888
  • Taxi Minh Long 0229 3881122
  • Taxi Xuân Thành 0229 3686868
  • Taxi Thùy Dương 0229 3727272
  • Taxi Hoa Lư 0229 2211444
Xe buýt

Hiện tại ở Ninh Bình cũng có một số tuyến xe buýt được mở ra để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương (và một phần du khách), tuy nhiên không tiện lắm vì các tuyết buýt này không mấy tuyến đi qua các địa điểm du lịch trong tỉnh, nếu các bạn với hành lý gọn nhẹ và rảnh rỗi thì có thể thử khám phá Ninh Bình bằng loại hình phương tiện này.

Thuê xe máy ở Ninh Bình

Do các địa điểm du lịch nằm trong cùng một quần thể di tích nên nếu có thể thì xe máy sẽ là phương tiện rất tuyệt để khám phá Ninh Bình (Ảnh – jenny_woltz)

Loại phương tiện phù hợp với các bạn trẻ bởi tính chủ động và sự thoải mái. Hiện ở Ninh Bình có một số địa điểm cho thuê xe máy mà các bạn có thể lựa chọn, với loại phương tiện này các bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc lập lịch trình và di chuyển tới các địa điểm du lịch trong tỉnh.

Xem thêm bài viết: Thuê xe máy ở Ninh Bình (Cập nhật 12/2024)

Lưu trú tại Ninh Bình

Với thiên nhiên hiền hòa và tươi đẹp, Ninh Bình là một điạ điểm nghỉ dưỡng vô cùng lý thú và hấp dẫn (Ảnh – einskink)

Ninh Bình có hệ thống khách sạn, nhà nghỉ rất đa dạng từ khách sạn hạng sang, tiêu chuẩn quốc tế, các khu resort nghỉ dưỡng đến các cơ sở cho nhóm, cá nhân, các homestay gần với thiên nhiên.

Khu nghỉ dưỡng

Sau những ngày dài mệt mỏi bởi hành trình du lịch Ninh Bình dường như dài bất tận, nếu thực sự muốn nghỉ ngơi và tận hưởng hoặc đơn giản các bạn đơn giản chỉ muốn tìm một nơi để thư giãn cuối tuần cùng gia đình, đừng bỏ qua những resort ở Ninh Bình nhé. Với sự ưu ái đặc biệt từ thiên nhiên, Ninh Bình có rất nhiều khu nghỉ dưỡng tuyệt vời.

Một số khách sạn tốt ở Ninh Bình

Khách sạn ở giảm giá trong tháng 12

KHÁCH SẠN The Vancouver Hotel Ninh Binh
Địa chỉ: Ngõ 75 Lương Văn Tụy, Tân Thành, Tp Ninh Bình, Ninh Bình
Điện thoại: 0229 3893 270
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY An Phu Homestay
Địa chỉ: Tràng An, Ninh Nhật, Tp Ninh Bình, Ninh Bình
Điện thoại: 0166 722 3668
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Ngọc Anh
Địa chỉ: 30 Phố Tân Quý Lương Văn Tụy, Tân Thành, Tp Ninh Bình, Ninh Bình
Điện thoại: 0229 3883768
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Kinh Đô
Địa chỉ: 99 Phan Đình Phùng, Tp Ninh Bình, Ninh Bình
Điện thoại: 0229 3885823
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Thu Guest House
Địa chỉ: 02 Kim Đồng, phố Phúc Lộc, Tp Ninh Bình, Ninh Bình
Điện thoại: 094 938 25 90
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Top các resort tuyệt vời ở Ninh Bình (Cập nhật 12/2024)

Khách sạn nhà nghỉ

Hình thức lưu trú phổ biến nhất ở Ninh Bình, ở bất cứ địa điểm du lịch nào các bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy một khách sạn hoặc nhà nghỉ với giá phòng đa dạng, phù hợp cho nhu cầu của riêng bạn.

Xem thêm bài viết: Các khách sạn tốt giá rẻ ở Ninh Bình (Cập nhật 12/2024)

Homestay ở Ninh Bình

Từ năm 2005, Ninh Bình đã bắt đầu đưa mô hình du lịch dựa vào cộng đồng để khai thác, du khách khi đến tham quan các thắng cảnh trên địa bàn tỉnh còn được trải nghiệm các sinh hoạt hàng ngày cùng người dân bản địa như đi chợ, nấu ăn, xay lúa, giã gạo, ngủ trong các nhà cổ …Cùng với sự phát triển lớn mạnh về quy mô du lịch, các homestay ở Ninh Bình cũng được đầu tư xây dựng để thúc đẩy thêm sự đa dạng về lưu trú khi du lịch Ninh Bình.

Một số homestay tốt ở Ninh Bình

Khách sạn ở giảm giá trong tháng 12

HOMESTAY Tam Coc Westlake Homestay
Địa chỉ: Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình
Điện thoại: 098 365 33 86
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Ninh Binh Valley Homestay
Địa chỉ: Đồng Cùng, Khê Hạ, Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình
Điện thoại: 097 536 86 65
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Ninh Bình Panorama Homestay
Địa chỉ: Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình
Điện thoại: 094 844 36 16
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Tam Coc Mountain Lake Homestay
Địa chỉ: Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình
Điện thoại: 0167 839 2682
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với booking

HOMESTAY Ham Rong Homestay
Địa chỉ: Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình
Điện thoại: 094 330 74 48
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Những homestay tốt ở Ninh Bình (Cập nhật 12/2024)

Các địa điểm du lịch ở Ninh Bình

Vườn Quốc gia Cúc Phương

Nếu chọn đúng thời điểm, bạn có thể đến Cúc Phương giữa mùa bướm trắng (Ảnh – lien_bop)

Vườn Quốc gia Cúc Phương (hay rừng Cúc Phương) là một khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa phận ranh giới 3 khu vực Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ thuộc ba tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa. Vườn quốc gia này có hệ động thực vật phong phú đa dạng mang đặc trưng rừng mưa nhiệt đới. Nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao được phát hiện và bảo tồn tại đây. Đây cũng là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Cúc Phương (Cập nhật 12/2024)

Khu du lịch sinh thái Tràng An

Đền Trình

Đền Trình trong khu danh thắng Tràng An (Ảnh – Vinny Wu)

Đền Trình là nơi thờ 4 công thần nhà Đinh là 2 vị Tả Thanh Trù và 2 vị Hữu Thanh Trù. Đương triều họ là Giám sát Đại tướng quân cai quản kho vàng, két bạc của vua. Tương truyền, khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, triều đình rối ren, họ đã mang giấu Đinh Toàn tại đây để tránh sự truy bắt của Lê Hoàn. Khi Thái hậu Dương Vân Nga trao mũ áo long bào nhường ngôi vua cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, các ông đã không khuất phục và tuẫn tiết tại khu vực này, nhân dân đã xây dựng ngôi Phủ bên sườn núi để thờ các ông.

Đền Tứ Trụ

Tiểu sử 4 vị Tứ Trụ của vua Đinh Tiên Hoàng (Ảnh – Minh Tâm Phạm Hà)

Đền Tứ Trụ nằm cạnh đền Trình, là di tích thờ 4 vị đại thần nhà Đinh gồm Tể tướng Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Thái sư Lưu Cơ và Thượng thư Trịnh Tú.

Sách Đại Nam Quốc sử Diễn ca cũng như thơ ca dân gian thường nói đến Tứ trụ “Bặc, Điền, Cơ, Tú” tức là bốn người trụ cột của triều nhà Đinh. Tứ trụ là 4 vị quan thân cận, cùng quê hương và cùng tuổi với Đinh Tiên Hoàng Đế, từng giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Các vị đại thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ hiện được thờ ở rất nhiều nơi, đặc biệt là vùng Hà Nam – Nam Định – Ninh Bình.

Đền Trần Ninh Bình

Đền Trần thờ Quý Minh Đại Vương tại khu danh thắng Tràng An (Ảnh – Khánh Dương)

Đền Trần Ninh Bình do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này vua Trần Thái Tông về đây lập hành cung Vũ Lâm tiếp tục cải tạo bề thế hơn nên được gọi là đền Trần. Đền Trần là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư tứ trấn. Đền còn có tên là đền Nội Lâm (ngôi đền trong rừng). Đền Trần Nội Lâm cùng với Vũ Lâm, Văn Lâm hợp thành Tam Lâm dưới triều đại nhà Trần.

Phủ Khống

Phủ Khống (Ảnh – George Wemyss)

Phủ Khống nằm trên một dải đất hẹp, lưng tựa vào hang Khống, bên phải là dãy núi đá dựng đứng, trước mặt là thung lủng nước mênh mông. Phủ Khống là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị quan trong triều đình mang nhiều quan tài chôn theo các hướng rồi cùng tự sát để giữ kín những bí mật về ngôi mộ thật. Một vị tướng trấn giữ thành nam vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần liền lập bát nhang thờ cúng ở đây. Sau khi vị tướng này mất, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và trồng cây thị ngay trước cửa Phủ để tưởng nhớ các bậc trung thần. Cây thị nghìn năm tuổi mà quả có hai loại: 1 tròn và 1 dẹt.

Hành cung Vũ Lâm

Hành Cung Vũ Lâm nằm sâu trong vùng lõi của khu danh thắng Tràng An (Ảnh – Thieu Quang Minh)

Khu du lịch Hành cung Vũ Lâm nằm sâu trong khu vực rừng núi của Quần thể di sản thế giới Tràng An, trên đường đến đây, các bạn sẽ được ngồi trên các con thuyền truyền thống do người dân địa phương chèo lái, trải nghiệm sự gắn kết gần gũi với thiên nhiên, cảm nhận vẻ đẹp thuần khiết, lộng lẫy của hang kỳ, đá lạ và trở về nét vàng son của lịch sử dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Trung tâm hành cung Vũ Lâm thờ vua quan nhà Trần. Dưới triều của nhà Trần có danh thần Trương Hán Siêu, ông gốc là người Ninh Bình, là một danh sĩ nổi tiếng thời Trần, và là môn khách đắc lực của Trần Hưng Đạo. Trương Hán Siêu có tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba. Trong giai đoạn vua Trần Nhân Tông về vùng đất này để tu hành thì sau đó danh thần Trương Hán Siêu cũng đã lui về ẩn tu và lập am tu tập tại quê hương Ninh Bình. Chính vì vậy mà Trương Hán Siêu cũng được nhân dân thờ tại khu di tích này.

Đền Cao Sơn

Đền Cao Sơn thờ thần Cao Sơn trấn Tây Hoa Lư tứ trấn. Theo như thần phả các đền thờ Cao Sơn ở Ninh Bình thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm (tức vùng núi phía tây Ninh Bình ngày nay nên còn được gọi là vị thần tây trấn Hoa Lư tứ trấn), con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi vâng mệnh vua anh (Hùng Vương thứ nhất) đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập nhiều đền thờ

Đền Suối Tiên

Đền Suối Tiên thờ Minh Quý Vương (Ảnh – Phuong Thao Bui)

Đền Suối Tiên nằm ở thượng nguồn dòng sông Ngô Đồng, thực chất là điểm kéo dài của tuyến du lịch Tam Cốc nhưng lại được kết nối trong tuyến du lịch thứ 2 trong Khu du lịch sinh thái Tràng An. Đền thờ thần Quý Minh trấn Nam Hoa Lư tứ trấn.

Hang Địa Linh

[su_youtube_advanced url=”https://www.youtube.com/watch?v=at6xp5_oF_U&t=5s” width=”660″ height=”560″ fs=”no”  theme=”light”][/su_youtube_advanced]

Hang Địa Linh- Tràng An dài 1.500m, có chỗ bề ngang chỉ rộng 3m (Video: Phương Nguyễn)

Hang Địa Linh dài khoảng 1500m và là hang đầu tiên trong cuộc hành trình xuất phát từ bến thuyền sông Sào Khê thăm quan tuyến số 1. Hang còn có tên là hang Châu Báu vì khi vào đây du khách sẽ có cảm giác như lạc vào kho báu của những nhũ đá hóa thạch. Ra khỏi cửa hang là một khung cảnh sơn thủy hữu tình của mây trời, núi non và sông nước. Hang dài 260 m với nhiều nhũ đá rủ xuống kì ảo.

Hang Nấu Rượu

Hang Nấu Rượu (Ảnh – Đình Thảo)

Trong hang Nấu Rượu có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, tương truyền xưa kia các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua.

Hang Ba Giọt

Ngoài cửa Hang Ba Giọt (Ảnh – Thao Phan)

Hang Ba Giọt có nhiều nhũ đá với đủ màu sắc xuất hiện. Có loại gọi là cây bụt mọc xuyên từ trần ngược xuống. Điểm đặc biệt là các nhũ đá ở hang Ba Giọt không khô như những hang trước mà ướt đẫm và tiếp tục biến hình, hình thành nên những hình dáng, sắc thái mới…

Hang Sính, hang Si và hang Ba Giọt gắn liền với truyền thuyết một câu chuyện tình buồn. Xưa có chàng công tử yêu tha thiết một nàng công nương. Khi chàng gánh sính lễ đến hang Sính để cầu hôn thì nàng đã bị cống nạp cho nước láng giềng. Chàng sang hang Ba giọt tắm gội, sau đó ôm khối tình riêng trầm mình ở hang Si.

Tương truyền ai đi qua hang Ba Giọt mà đón được ba giọt nước từ nhũ đá nhỏ vào lòng bàn tay sẽ may mắn trong cuộc đời và hạnh phúc trong tình yêu.

Hang Bói

Vỏ ốc vùi lấp cửa hang Bói, thỉnh thoảng mưa rừng lại làm trôi vỏ ốc thành dòng (Ảnh – Nguyễn Thị Thanh Tâm)

Hang Bói là một di chỉ khảo cổ học có giá trị trong quần thể di sản thế giới Tràng An. Lối vào hang sâu thăm thẳm, rậm rạp với nhiều loài cây mọc ken dày, ánh nắng không thể chiếu xuống đất được nên con đường đầy rêu và thảm lá cây.

Hang Bói được phát hiện năm 2002. Lúc đó lòng hang có nhiều vỏ nhuyễn thể, xương động vật và một vài mảnh tước, bằng chứng cho thấy dấu ấn người tiền sử thuộc Văn hóa Hòa Bình sớm cách ngày nay khoảng một vạn năm. Các nhà nghiên cứu thống nhất đặt tên hang Bói vì nó ở trong khu thung Bói gắn với truyền thuyết vua quan nhà Trần từng gieo quẻ bói tại đây.

Phim trường ‘Kong: Skull Island’

Sau khi kết thúc bộ phim Kong, nơi đây được đoàn làm phim giữ lại nguyên vẹn để phục vụ các hoạt động du lịch (Ảnh – collect.moments.of.happiness)

Kong: Skull Island là bộ phim bom tấn của Mỹ được bấm máy vào năm 2016 với nhiều cảnh quay tại các danh thắng của Việt Nam như: Quần thể di sản thế giới Tràng An, Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long, Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình); Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình).

Phim trường làng thổ dân được phục đựng với diện tích khoảng 10 hecta, gồm 36 túp lều chóp nhọn cùng sự tham gia của hơn 50 người đóng vai thổ dân. Đây là mô hình do ban quản lý sinh thái Tràng An và Doanh nghiệp Xuân Trường thực hiện. Bối cảnh phim trường làng thổ dân trong phim Kong: Skull Island nằm tại khu du lịch Tràng An đã mở cửa cho du khách tham quan từ ngày 15/4/2017.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Tràng An (Cập nhật 12/2024)

Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam đồng thời là một trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận. Hệ thống di tích ở Hoa Lư liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong lịch sử. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống – dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô.

Đền thờ Vua Đinh

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại khu di tích Hoa Lư (Ảnh – Nicola e Pina)

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng là một di tích quan trọng thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của quần thể di sản cố đô Hoa Lư. Đền toạ lạc ở xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Vị trí của đền thuộc trung tâm thành Đông của kinh đô Hoa Lư xưa. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam thờ đồng thời Vua Đinh Tiên Hoàng, cha mẹ ông cùng các con trai và có bài vị thờ các tướng triều Đinh. Đền Vua Đinh cùng với đền Vua Lê được xếp hạng “Top 100 công trình 100 tuổi nổi tiếng ở Việt Nam”. Cũng như các di tích khác thuộc cố đô Hoa Lư, đền Vua Đinh nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận năm 2014.

Đền Vua Đinh được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, trục chính đạo hướng đông. Trước mặt đền là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa, trên núi có lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng. Đền vua Đinh được xây dựng trên nền cung điện kinh đô Hoa Lư xưa. Xung quanh khu vực này, các nhà khảo cổ đã đào được một mảng sân gạch có họa tiết hoa sen và đôi phượng vờn nhau. Trên mặt gạch có dòng chữ “Đại Việt Quốc quân thành chuyên” và “Giang tây quân”; chứng tỏ đây là những viên gạch thời Đinh – Lê.

Đền thờ Vua Lê

Trong khuôn viên đền thờ vua Lê (Ảnh – Đức Tiệp)

Đền Vua Lê Đại Hành là một di tích lịch sử văn hóa quốc gia thuộc khu di tích đặc biệt cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Đền thờ Vua Lê Đại Hành, thái hậu Dương Vân Nga, Lê Long Đĩnh, ngoài ra còn có bài vị thờ công chúa Lê Thị Phất Ngân và tướng Phạm Cự Lượng. Đền nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét, thuộc thành Đông kinh đô Hoa Lư xưa, nay là làng cổ Yên Thành, xã Trường Yên, Ninh Bình. Đền vua Lê quy mô nhỏ hơn đền vua Đinh nên không gian trong đền khá gần gũi và huyền ảo.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Hoa Lư (Cập nhật 12/2024)

Chùa Bái Đính

Bái Đính hiện đang là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam (Ảnh – katsu_pham)

Khu du lịch Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam, nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15 km, cách Hà Nội 95 km. Chùa Bái Đính nằm ở phía bắc của quần thể di sản thế giới Tràng An. Quần thể chùa Bái Đính hiện có diện tích 1700 ha bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới, các khu vực như: công viên văn hoá và học viện Phật giáo, khu đón tiếp và công viên cảnh quan, đường giao thông và bãi đố xe, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh…vẫn đang được tiếp tục xây dựng và mở rộng.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch chùa Bái Đính (Cập nhật 12/2024)

Khu du lịch Vân Long

Cũng giống như ở Tràng An, khi đến du lịch Vân Long các bạn sẽ được ngắm cảnh bởi những chiếc thuyền của người dân nơi đây (Ảnh – marischkaprue)

Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Khu bảo tồn này nằm ở phía đông bắc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Vân Long được đưa vào khai thác du lịch từ năm 1998 và hiện là một trọng điểm du lịch của Quốc gia Việt Nam, là nơi sở hữu 2 kỷ lục của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam năm 2010 đó là: “Nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất” và “Nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất”. Năm 1999, nơi đây trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, được ghi trong danh sách các khu bảo vệ đất ngập nước và danh mục hệ thống các khu rừng đặc dụng Việt Nam.

Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long còn là nơi có cảnh quan hấp dẫn. Vân Long được mệnh danh là “vịnh không sóng” vì khi đi trên thuyền trên đầm, du khách sẽ thấy mặt nước phẳng như một tấm gương khổng lồ. Bức tranh thuỷ mặc phản chiếu rõ từng nét tạc mạnh mẽ của những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiên, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên… Tuy nhiên, mặt nước ở đây nước không có màu xanh của biển, mà trong vắt hiện rõ nét những lớp rong rêu dưới đáy.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Vân Long (Cập nhật 12/2024)

Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động

Tam Cốc mùa lúa chín (Ảnh – Lê Hồng Hà)

Tam Cốc – Bích Động, còn được biết đến với những cái tên nổi tiếng như “vịnh Hạ Long trên cạn” hay “Nam thiên đệ nhị động” là một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam. Toàn khu vực bao gồm hệ thống các hang động núi đá vôi và các di tích lịch sử liên quan đến hành cung Vũ Lâm của triều đại nhà Trần nằm chủ yếu ở xã Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình. Quần thể danh thắng Tràng An – Tam Cốc được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt và đã được tổ chức UNESCO xếp hạng di sản thế giới.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Tam Cốc Bích Động (Cập nhật 12/2024)

Hang Múa

Con đường dẫn lên đỉnh núi Múa uốn lượn, quanh co (Ảnh – wroughllen)

Hang Múa nằm dưới chân núi Múa trong quần thể khu du lịch sinh thái thuộc địa phận thôn Khê Đầu Hạ, xã Ninh Xuân, Hoa Lư, Ninh Bình. Điểm nhấn của địa điểm du lịch này ngoài phong cảnh tuyệt đẹp chính là con đường dẫn lên đỉnh núi Múa được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc Vạn Lý Trường Thành với gần 500 bậc thang đá. Từ đỉnh núi Múa, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh đẹp của khu Tam Cốc, danh thắng nổi tiếng ở Ninh Bình. Theo truyền thuyết, vua Trần khi về vùng Hoa Lư lập Am Thái Vi thường tới đây để nghe các mỹ nữ, cung tần múa hát. Vì vậy, nơi đây được đặt tên là Hang Múa.

Khu du lịch sinh thái Thung Nham

Thung Nham thực chất là một khu du lịch sinh thái với nhiều địa điểm vui chơi và nghỉ dưỡng (Ảnh – hachi print)

Khu du lịch sinh thái Thung Nham là một trong những tuyến điểm du lịch thuộc vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An. Vùng du lịch này nằm trong thung đồi Hải Nham với điểm nhấn chính là vườn Chim tự nhiên và các điểm du lịch hang động tiêu biểu như: động Vái Giời, động Tiên Cá, động Thủy Cung, hang Bụt,…

Thạch Bích – Thung Nắng

Thuyền đưa khách đi dạo Thung Nắng (Ảnh – justinle8x)

Từ bến thuyền Thạch Bích vượt qua một quãng đường thuỷ dài 3km với hai bên là đồng lúa rì rào, núi non trùng điệp, bên dưới làn nước mát trong veo là hệ động thực vật phong phú, sinh động. Thung Nắng thuộc thôn Đam Khê, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Nơi đây đúng như tên gọi, nắng chiếu rọi khắp nơi, từ cành lá, những mái tranh mộc mạc ven bờ, xuống tận đáy nước tạo nên một khung cảnh rực rỡ và yên bình. Thung Nắng được chia làm Thung Nắng ngoài rộng 3 ha và Thung Nắng trong rộng hơn 5ha, thông với nhau bởi hệ thống hang động luồn trong núi, trần hang thấp, các nhũ đá rủ xuống với muôn hình muôn vẻ khác nhau.

Nhà thờ đá Phát Diệm

Nhà thờ đá Phát Diệm là một công trình kiến trúc khá độc đáo ở Ninh Bình (Ảnh – Ngọc Sơn)

Nhà thờ chính tòa Phát Diệm (thường gọi là Nhà thờ đá Phát Diệm) là một quần thể nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn. Đây là một công trình lớn, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Phát Diệm rộng lớn ở phía bắc Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng toàn bằng đá và gỗ. Nhà thờ Phát Diệm được khởi công vào năm 1875 và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ: mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam. Quần thể kiến trúc này được chủ trì xây dựng dần dần bởi linh mục Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu) – linh mục ở giáo phận Phát Diệm từ năm 1865) và các giáo dân Công giáo trong hơn 30 năm.

Khu du lịch Kênh Gà Vân Trình

Khu du lịch Kênh Gà – Vân Trình là một trong những khu du lịch lớn nhất ở Ninh Bình. Khu du lịch này nằm ở vùng phân lũ sông Hoàng Long, giáp ranh giới giữa 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan được hình thành trên cơ sở đầu tư và kết nối 2 điểm du lịch nổi tiếng là suối nước nóng Kênh Gà và động Vân Trình. Vùng sinh thái tự nhiên này có sự hòa quyện giữa cảnh quan thiên nhiên sông, núi, hồ đầm và cánh đồng nên rất thuận lợi để phát triển du lịch.

Suối khoáng nóng Kênh Gà

Suối nước nóng Kênh Gà thuộc thôn Kênh Gà, Gia Thịnh, Gia Viễn. Suối chảy ra từ lòng một quả núi nằm trên làng nổi Kênh Gà và đổ vào nhánh sông Hoàng Long. Đây là một suối nước khoáng nổi tiếng, có hàm lượng cao các muối natriclorua, kaliclorua, canxiclorua, magieclorua và muối bicacbonat. Nước trong suối không màu, không mùi, vị hơi chát, nhiệt độ ổn định là 53 °C.

Làng nổi Kênh Gà

Làng nổi Kênh Gà (Ảnh – Beer Photo)

Ngã ba Kênh Gà là nơi hợp lưu giữa sông Bôi và sông Lạng vào sông Hoàng Long, nơi đây được gọi là Vọng Ấm vì thời tiết luôn luôn ấm, nơi quần tụ của nhiều loài cá và sinh vật dưới nước. Tại đây đã hình thành một làng chài tên gọi Kênh Gà.

Để đến với suối Kênh Gà, du khách phải đi thuyền qua các nhánh sông Hoàng Long vào làng nổi Kênh Gà. Đây là một làng quê hẻo lánh trong khu vực đá vôi vùng chiêm trũng Gia Viễn, Ninh Bình. Làng được bao bọc bởi hệ thống sông Hoàng Long.

Nghề nông ở làng Kênh Gà cũng như các làng kế cận khác thuộc vùng đồng chiêm trũng chỉ có một vụ. Nhưng do ruộng đồng nằm ngoài đê sông Hoàng Long nên phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Khi mùa nước lũ về sớm thì toàn bộ vụ chiêm có thể bị mất trắng. Mùa mưa lũ về cũng là thời điểm sôi động mùa đánh bắt trên sông. Cư dân làng Kênh Gà trú ngụ nằm rải dưới dãy núi từ Đầu Cóc xuống ngã ba sông Kênh Gà. Làng Kênh Gà bao gồm các xóm: xóm Lò, xóm Đá Bia, xóm Vườn Dâu, xóm Kênh Gà và xóm Lỗ Sôi. Tổng dân số làng Kênh Gà gần 3000 người, do cuộc sống sinh nhai nên dân cư không ở thành cụm, mà các nhà dân nằm rải rác khắp trên bãi bồi sông Hoàng Long, có những nhà dân nằm ở vùng đất của địa phương khác như xóm Vườn Dâu đất thuộc xã Gia Phú; Xóm Lò, Đá Bia là vùng đất của xã Đức Long, huyện Nho Quan; cuối làng Kênh Gà là vùng đất xã Gia Minh. Làng Kênh Gà vẫn chỉ là dân ngụ cư ở các vùng các xã.

Làng Kênh Gà có lợi thế là trên bến dưới thuyền, dân làng rất thạo sông nước hoặc điều khiển những con thuyền nhỏ, rất phù hợp với du lịch sinh thái. Tương truyền tên gọi là Kênh Gà là do trên ngọn núi ở đây có hòn đá nhô lên cao hình con gà trống. Làng nổi Kênh Gà được bao bọc bởi các con sông uốn lượn tạo thành 2 ngã ba gần nhau cách nhau khoảng gần 300m là ngã 3 Vườn dâu và ngã 3 Kênh Gà. Vùng ngoài đê sông Hoàng Long là vùng sinh thái. Mùa mưa nơi đây giống như một vùng đầm nước mênh mông. Các dãy núi như ngập mình trong biển nước và bị cô lập thành các đảo nhỏ xanh. Làng nổi Kênh Gà trong tương lai có thể là điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nổi tiếng của Ninh Bình.

Động Vân Trình

Bên trong Động Vân Trình (Ảnh – Đỗ Trang)

Động Vân Trình là một động lớn có thể xếp vào loại đẹp nhất ở Ninh Bình. Động nằm trong núi Mõ thuộc xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan. Động nằm trong một quả núi cao hơn trăm mét. Cửa vào động ở lưng chừng núi, cao khoảng 40 m so với mặt đất. Du khách theo tour du lịch vào thăm động sẽ đi bằng thuyền từ bến sông Hoàng Long. Từ thành phố Ninh Bình có thể đi đến động theo trục đường đại lộ Tràng An từ hồ Kỳ Lân qua khu du lịch sinh thái Tràng An, chùa Bái Đính tới đê Hữu sông Hoàng Long kéo dài tới động.

Động Nham Hao

Động Nham Hao hay động Ngọc Cao là một hang động ướt có chiều dài kỷ lục ở Ninh Bình mới được phát hiện, được xem là một hang động thuộc loại đẹp nhất miền Bắc. Hang động có chiều dài khoảng 3 km nằm dưới lòng núi. Động Nham Hao là thạch động mới được người dân phát hiện cách đây không lâu, vẫn còn khá hoang sơ và kỳ bí. Hang có nhiều động lớn ước độ dài khoảng 3 km nằm sâu trong lòng núi và có nước do đó mà hàng trăm năm qua người dân ít ai biết đến sự bí ẩn của nó.

Hồ Đồng Chương

Hồ Đồng Chương (Ảnh – Lan Linh)

Hồ Đồng Chương là một hồ nước ngọt thiên nhiên nằm giáp ranh giữa hai xã Phú Lộc và Phú Long huyện Nho Quan. Hồ có diện tích mặt nước. Khung cảnh hồ khá hoang sơ và tĩnh lặng, xung quanh là những vạt đồi thông soi bóng tạo nên một không gian trong mát và thơ mộng giữa núi rừng đại ngàn. Gần hồ Đồng Chương có thác Ba Tua và dòng Chín Suối, ven hồ là đồi thông và ao Trời, một ao ở trên đồi cao có nước trong xanh nhưng không bao giờ cạn.

Từ năm 2008, ngành du lịch Ninh Bình đã khai trương khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương tại đây gồm nhiều công trình: khu du thuyền, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng nhà sàn, khu thể thao, cắm trại dã ngoại.

Hồ Yên Quang

Sớm bên hồ Yên Quang (Ảnh – Nguyễn Mạnh Hà)

Hồ Yên Quang là hệ thống gồm 4 hồ lớn có tên là hồ 1, hồ 2, hồ 3, hồ 4 nằm liền nhau được ngăn cách bằng hệ thống đập thủy lợi. 3 hồ lớn hơn nằm trên địa phận xã Yên Quang, riêng hồ 4 gần như nằm trong địa phận xã Văn Phương. Hồ Yên Quang là một thắng cảnh thuộc vùng đệm của vườn quốc gia Cúc Phương, giữa hồ có một đảo nhỏ, trên đó có một ngôi miếu thờ và mặt nước hồ là nơi hội tụ của nhiều đàn chim nước bơi lội. Trên mặt hồ nước trong xanh in bóng những vách núi, rừng cây và những chiếc thuyền câu nho nhỏ, cảnh sắc khá hoang sơ và tĩnh lặng. Hồ Yên Quang cũng là một hồ câu cá của người dân Ninh Bình và du khách.

Núi Non Nước

Núi và chùa Non Nước (Ảnh – Trung Trần)

Núi Non Nước (tên cổ là Dục Thúy Sơn), là một ngọn núi nằm ngay trên ngã ba sông Vân với sông Đáy, kẹp giữa 2 cây cầu Non Nước và cầu Ninh Bình. Núi là một tiền đồn nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố Ninh Bình. Lối lên đỉnh Non Nước qua 72 bậc gạch đá, chia làm 5 cấp. Đỉnh núi tương đối bằng phẳng, cây cối xanh mát, rất thuận tiện nghỉ ngơi, giải trí cho khách tham quan.

Ngay dưới chân núi Non Nước là chùa Non Nước – một ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông. Năm 2006, chùa đã được tu bổ khang trang hơn nhưng vẫn giữ được vẻ thiêng liêng trầm mặc.

Bảo tàng Ninh Bình

Ảnh – FB Bảo tàng Ninh Bình

Bảo tàng Ninh Bình nằm ở phía nam Công viên Văn hoá Thúy Sơn, được thiết kế 3 tầng như một đoá sen nổi lên giữa non xanh, nước biếc, bốn mặt đều trang trí biểu tượng trống đồng – biểu tượng của nền văn minh Việt cổ.

Bảo tàng trưng bày những hình ảnh, hiện vật về lịch sử tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và lịch sử Ninh Bình từ thời Tiền sơ sử. Sưu tập thú rất sinh động và đa dạng (gấu, báo, hổ, nai, hươu, lợn rừng trăn, rắn, sóc, bướm, chim…) và những hình ảnh về các thắng cảnh nổi tiếng ở Ninh Bình chứng minh Ninh Bình – một mảnh đất tươi đẹp, có sơn thanh thủy tú, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và những trung tâm bảo tồn thiên nhiên đặc biệt quý giá như Rừng quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long…

Động Thiên Hà

Nhũ đá trong lòng động Thiên Hà (Ảnh – dihimi)

Động Thiên Hà nằm trong dải núi Tướng với độ cao gần 200m là một phần của bức tường thành thiên nhiên vững chắc bao bọc, bảo vệ phía tây nam kinh đô Hoa Lư thế kỷ thứ X, gắn liền với những địa danh lịch sử, văn hoá như Bến thuyền Nhà Lê, Núi Phật Đầu Sơn, Thửa Ruộng Đấu Lính…

Từ bản Mường Thổ Hà, xã Sơn Hà, các bạn xuống thuyền trên dòng kênh nhỏ có chiều dài chừng 1 km xen giữa cánh đồng quê. Du khách tiếp tục bộ hành trên con đường đá dài 500m ven chân núi Tướng để tới cửa động. Động có chiều dài 700m bao gồm động khô dài 200m và động nước dài 500m. Những hình dáng do đá núi tạo ra được gọi tên như: đây là chú Cáo Lỗ đang chén mồi, kia là Voi phục, Hổ rình mồi, khỉ leo cây… cao hơn có khám thờ với hình ảnh Đức Phật, thầy Đường Tăng đang tụng kinh cầu an cho các đồ đệ… tất cả đều gợi trí tò mò, khám phá của du khách

Các món ăn ngon ở Ninh Bình

Cơm cháy Ninh Bình

Cơm cháy, đặc sản nổi tiếng cùng với thịt dê ở Ninh Bình (Ảnh – Mai Đại Linh)

Món cơm cháy không phải là món ăn cổ truyền của người Ninh Bình, nhưng do một người con cố đô sáng tạo ra và được lưu giữ, phát triển cho tới nay. Một món ăn mộc mạc, thể hiện sự khéo léo của bàn tay con người, đã được lưu truyền cả trăm năm nay, trở thành đặc sản của vùng đất cố đô,một trong những món ngon nổi tiếng của Ninh Bình.

Thịt dê núi Ninh Bình

Thịt dê núi tái chanh (Ảnh – jessjamesjo)

Thịt dê núi Ninh Bình có đặc trưng săn chắc, ít mỡ và có vị thơm. Người ta cho rằng sở dĩ như vậy vì ở Ninh Bình có nhiều núi đá, dê chạy nhảy nhiều nên cơ thịt săn chắc, ít mỡ hơn hẳn dê chăn thả trên đồi. Mặt khác, với địa hình đặc trưng của núi đá vôi ngập nước có rất nhiều các loại rau, cỏ, thảo dược thích hợp là thức ăn cho dê như giò gai, giò vàng, bách bộ, ô zô, lim xẹt, móng bò, dướng, bầu trích, mộc sông, mõm chuột, xoan dù, cà gai leo, tạo nên chất lượng và vị ngon của thịt dê. Một số nguyên liệu và đặc sản sở tại khác cũng góp phần làm nổi bật các món thịt dê Ninh Bình phải kể đến các loại rau ăn kèm đặc trưng địa hình núi đá, rượu Kim Sơn, rượu cần Nho Quan và cơm cháy Ninh Bình.

Gỏi cá nhệch Kim Sơn

Gỏi cá nhệch Kim Sơn (Ảnh – Lê Văn Cửu)

Cứ vào cữ mưa ngâu độ 2 tháng là mùa đi bắt cá nhệch. Cá nhệch cùng họ với lươn nhưng nhệch sống ở nơi nước hơi mặn (nhệch củ) và sống ở nước lợ (nhệch khét). Nhệch củ to ngang, nhệch khét dài. Cá nhệch giống lươn về độ dài, nhưng bề ngang lại giống cá chình. Cá nhệch có con dài hàng mét, con nhỏ 3 – 4 lạng, con to nặng tới cả kilôgam. Cá nhệch trơn và dữ tợn, nên đánh bắt không dễ dàng.

Gỏi nhệch ở đây được ăn kèm nhiều loại rau, gia vị như lá sung, lá ổi, lá đinh lăng, lá lộc vừng, lá mơ, khế chua, lá vọng cách. Người ta quấn các loại lá ấy thành một chiếc phễu, cho thịt nhệch vào, quết nước chẻo lên, thêm vài hạt muối trắng, vài lát hành khô và có thể thêm lát ớt tươi rồi gói lại.

Ốc núi Ninh Bình

Ốc núi Ninh Bình thơm ngon, thịt dai và ngọt (Ảnh – Trung Trần)

Loài ốc núi Ninh Bình này cực hiếm vì chúng chỉ sống trong các hang đá, phải đến mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8 ốc núi mới bò ra tìm kiếm thức ăn và sinh sản. Ốc núi có ở hầu hết các nơi tỉnh Ninh Bình nhưng tập trung nhiều là ở các dãy núi đá vôi Tam Điệp, Yên Mô và Nho Quan, Hoa Lư. Ốc núi rất khó phát hiện, người ta thường phải dậy từ sáng sớm khi ốc bò ra khỏi hang kiếm ăn mới tìm mà bắt được. Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt, thơm mùi thuốc bắc. Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món như nướng, xào me, hấp gừng, luộc xả hết, trộn gỏi hành tây…đều rất hấp dẫn.

Gà ri Cúc Phương

Gà ri nướng, ngay trong một số quán ăn dọc đường rừng (Ảnh – phuong.thao183)

Gà ri Cúc Phương từ lâu đã trở thành loài vật nuôi đặc sản của huyện Nho Quan (Ninh Bình), loài gà này được nuôi ở vùng rừng núi Cúc Phương, với khí hậu và điều kiện tự nhiên phù hợp nên thịt thơm và ngon, rất được ưa thích.

Gà ri Cúc Phương từ lâu đã trở thành loài vật nuôi đặc sản của huyện Nho Quan (Ninh Bình), loài gà này được nuôi ở vùng rừng núi Cúc Phương, với khí hậu và điều kiện tự nhiên phù hợp nên thịt thơm và ngon, rất được ưa thích.

Cá rô Tổng Trường

Cá rô tổng trường trong bữa ăn gia đình hàng ngày (Ảnh – Đàm Lê)

Cá rô Tổng Trường là loại cá rô sống ở môi trường hang động ngập nước vùng đất Hoa Lư, Ninh Bình. Gọi là cá rô Tổng Trường vì loài cá này được phát hiện thấy ở vùng hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên, nay là quần thể di sản thế giới Tràng An ở huyện Hoa Lư. Cá rô Tổng Trường có thịt rắn, vàng, thơm và có thể chế biến thành nhiều món ăn như: rang, rán, nấu canh chua cá rô hoặc kho khô.

Dứa Đồng Giao

Trái dứa Đồng Giao khi thu hoạch (Ảnh – Anh Ngoc)

Dứa Đồng Giao là thương hiệu nông sản của vùng đất Tam Điệp, Ninh Bình. Quả dứa Đồng Giao có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Dứa Đồng Giao cùng với cá rô Tổng Trường, dê núi và cơm cháy Ninh Bình được coi là những đặc sản ẩm thực tiêu biểu của Ninh Bình.

Bún mọc Tố Như

Mọc Kim Sơn khiến bát bún trở nên đặc biệt (Ảnh – Hà Anh Nguyễn)

Cũng như tên gọi, bún mọc Tố Như (bún mọc Kim Sơn) gồm có bún, mọc, nước dùng và thứ ăn kèm (rau sống) của nhà hàng Tố Như. Để có được bát bún ngon, người làm bún phải rất kỳ công từ khâu chọn gạo xay, sàng, lọc sao cho khi chế biến sợi bún trắng, dẻo, săn tròn. Việc làm mọc còn cầu kỳ hơn. Thịt phải là thịt bắp, lọc hết gân mỡ ra mới cho xay giã, ướ gia vị, viên thành từng viên nhỏ, thả vào nồi nước sôi, sau 7 đến 10 phút, viên mọc đã nổi lên trên mặt nước trắng hồng, trong suốt, một mùi thơm ngọt lan nhẹ xung quanh.

Xôi trứng kiến Nho Quan

Xôi trứng kiến (Ảnh – habe0809)

Xôi là một món ăn phổ biến với người Việt, nhưng không phải ai cũng biết đến đặc sản xôi trứng kiến quý hiếm, độc đáo của vùng Nho Quan (Ninh Bình).

Với địa hình núi đá vôi lởm chởm, Nho Quan thường có rất nhiều loại kiến nâu làm tổ trên ngọn cây (có nơi gọi là kiến ngạt, kiến cong trôn). Loài này cho các loại trứng béo ngậy và nhiều đạm. Người dân đã sử dụng nguyên liệu này một cách khéo léo để sáng tạo ra món xôi trứng kiến vừa ngon lạ, vừa rất giàu dinh dưỡng.

Trứng kiến sau khi mang về sẽ được cho vào nước ấm đãi thật sạch, để ráo, ướp bột canh rồi đem phi với hành khô và mỡ gà cho đến lúc vừa chín tới và dậy hương thơm béo ngậy. Sau đó, trứng kiến được gói vào trong lá chuối ngự đã hơ chín rồi đặt vào trong chõ xôi.

Khi thấy xôi dậy hương thơm thoang thoảng thì bắc ra, mở gói trứng kiến vàng óng màu hổ phách rắc đều lên trên, dùng đũa xới nhẹ cho thật đều và đơm lên đĩa ăn nóng.

Cá chuối nướng Vân Long

Cá chuối nướng trên than hồng (Ảnh – Boo Lee)

Là đặc sản quý của đầm Vân Long, được phát hiện đầu tiên ở hang Cá. Cá chuối Vân Long có thân hình to, tròn, sống trong các hang động ngập nước nên có hình dáng đặc trưng. Món cá chuối nướng Vân Long là một đặc sắc ẩm thực của vùng đất phía bắc Gia Viễn.

Miến lươn Ninh Bình

Miến lươn Ninh Bình (Ảnh – Nguyễn Lê Huyền Trang)

Cũng chỉ làm từ miến và lươn nhưng miến lươn gia truyền ở Ninh Bình lại ngon nổi bật, khác biệt với những vùng miền khác bởi nước dùng làm từ xương lươn nên khi ăn cảm nhận rõ vị đậm đà, nước dùng có màu đục là do hầm từ sương lươn rất kỹ nên có cả thịt lươn trong đó. Thịt lươn lại được rim theo công thức riêng nên khi ăn thấy lươn thơm, béo ngọt mà không hề có mùi tanh.

Bí quyết làm nên thương hiệu riêng cho miến lươn Ninh Bình lại nằm ở nồi nước dùng. Nước dùng muốn ngon phải được nấu từ chính xương lươn, sau khi lọc thịt, xương lươn không vứt bỏ mà cho vào nồi nước dùng, ninh cùng xương ống thật lâu, vớt bọt liên tục để nước giữ được độ trong cũng như vị béo tự nhiên. Cũng nhờ vậy, khi bát lươn được bưng ra thấy nước dùng màu nâu đậm, đặc sánh vô cùng ngon mắt, đậm miệng.

Cá kho gáo

Cá kho gáo (Ảnh – carrot101)

Cá kho gáo vốn là một trong những món ăn dân dã của người vùng đất Ninh Bình, đây cũng là món ăn ngon khó cưỡng khi tới vùng đất cố đô. Nghe qua cái tên cá kho gáo nhiều người lại lầm tưởng là cá kho bằng gáo, nhưng thực chất món cá kho gáo ở đây là kho cá với quả gáo. Gáo là một loại cây tầm nổi thường mọc ở khe suối hoặc chân đồi.

Quả gáo có vị chua, hơi ngọt mát và có mùi thơm nên thường được dùng để nấu các món canh chua thay me, sấu tuy nhiên ngon hơn cả là món cá kho gáo – món ăn trở thành đặc sản Ninh Bình mỗi khi nhắc tới món ngon đất cố đô Hoa Lư.

Đặc sản của Ninh Bình

Ngoài những món ăn ngon ở Ninh Bình mà các bạn có thể thưởng thức trong suốt hành trình khám phá mảnh đất cố đô, Ninh Bình còn có rất nhiều đặc sản mà các bạn có thể mua về làm quà cho gia đình và bạn bè.

Nem chua Yên Mạc

Nem chua Yên Mạc (Ảnh – Đới Công Lại)

Nem chua Yên Mạc là đặc sản của Ninh Bình, do con gái của quan Thượng thư Phạm Thận Duật là Phạm Thị Thư sáng tạo nên dựa trên món nem chua cung đình Huế triều Nguyễn. Ăn nem chua Yên Mạc ngon nhất là ăn kèm với các loại lá sung, lá mơ, lá đinh lăng. Tất cả tạo nên một vị tổng hòa thật đặc biệt, rất đắm thắm vị quê hương. Dù ăn ngay hay để lâu, khi gỡ nem ra vẫn rời, tơi, có màu hồng của thịt lợn.

Mắm tép Gia Viễn

Ảnh – FB Mắm tép Gia Viễn

Mắm tép Gia Viễn Ninh Bình cũng giống như mắm tép ở các vùng khác với nguyên liệu chủ yếu là làm từ những con tép riu còn tươi, có hình dáng nhỏ, thân tròn màu xanh lam hoặc màu đỏ và ngon nhất vẫn là tép ở sông Hoàng Long. Sản phẩm mắm tép Gia Viễn có màu đỏ tươi đẹp mắt, lại có mùi thơm và vị mặn ngọt đặc trưng mắm tép. Mắm tép Gia Viễn có độ sánh vừa phải, không quá lỏng, vị mặn ngọt hòa quyện vừa ăn, kích thích vị giác, đã thử một lần khó mà quên được.

Rượu cần Nho Quan

Ít người biết rằng món rượu cần cũng có ở ngay mảnh đất Ninh Bình (Ảnh – leho.94)

Rượu cần Nho Quan là loại rượu không qua chưng cất lửa. Người ta dùng gạo nếp xay (gạo lứt) nấu thành cơm trộn đều với men đem ủ vào trong ang hoặc vò sành từ 3 tháng trở lên mới đem ra uống.

Khi sắp uống, đem đổ nước vào ang. Nước đầu bao giờ cũng ngon và ngọt, đổ nước tiếp, rượu sẽ nhạt dần. Uống rượu cần không dùng chén, mà phải có các cần rượu làm bằng thân các cây trúc được thông rỗng bên trong cắm vào ang rượu.

Rượu cần ngon hay không là do men làm có chất lượng không. Men rượu phải là vỏ cây mun cùng với củ giềng, củ gừng, lá ổi xanh theo tỷ lệ nhất định, đem giã vắt lấy nước rồi trộn với bột gạo nếp. Sau đó nặn thành bánh tròn bằng quả ổi nhỏ ủ vào trấu cho phồng lên, để khô khoảng 10 ngày mới dùng được.

Rượu nếp Kim Sơn

Thấy bảo món gỏi cá nhệch phải uống kèm với rượu này mới đúng chất (Ảnh – Thu Phương)

Rượu Kim Sơn là rượu được chưng cất từ gạo nếp, men thuốc bắc, nguồn nước giếng khơi tự nhiên, sản xuất theo bí quyết của người dân các làng nghề tại Kim Sơn. Rượu thường có nồng độ cao, trong suốt, bọt tăm rượu càng to thì độ rượu càng cao. Trước đây, rượu được đựng trong các vò đất và nút lá chuối khô, khi uống vào cảm thấy rất thơm và êm dịu. Cùng với những người Kim Sơn di cư, rượu Kim Sơn đã đi đến nhiều vùng của Việt Nam. Ngày nay rượu Kim Sơn đã được đóng chai và bán trên thị trường.

Khoai Hoàng Long

Khoai Hoàng Long mềm ngọt và thơm (Ảnh – Phùng Trang)

Khoai lang Hoàng Long là loại cây đặc sản của tỉnh Ninh Bình nói chung và vùng Nho Quan – Gia Viễn vốn nằm bên sông Hoàng Long nói riêng. Khoai Hoàng Long có thịt củ bở, màu vàng nhạt, bùi, ngọt và có mùi thơm đặc trưng.

Lịch trình du lịch Ninh Bình

Với rất nhiều thắng cảnh đẹp, sẽ rất khó để có thể sắp xếp được việc khám phá Ninh Bình trong thời gian ngắn (Ảnh – sengjueh)

Hà Nội – Hoa Lư – Tam Cốc – Bích Động (1 ngày)

Sáng khoảng 8h xuất phát từ Hà Nội đi thẳng xuống Ninh Bình, từ đây đi đến Cố đô Hoa Lư, thăm đền vua Đinh và vua Lê. Ở đây dạo chơi, ngắm cảnh rồi đến trưa tìm một nhà hàng nào đấy để nghỉ ngơi ăn trưa, nhớ thưởng thức các đặc sản thịt dê cơm cháy nhé.

Nghỉ ngơi xong thì tiếp tục từ Hoa Lư đi Hang Múa. Ở đây chơi bời chụp ảnh các kiểu xong thì di chuyển sang khu Tam Cốc Bích Động gần đấy, làm một tour đi hết Tam Cốc Bích Động thì đến chiều là vừa. Kết thúc hành trình, quay trở lại Hà Nội.

Hà Nội – Tràng An – Bái Đính – Hoa Lư (1 ngày)

Sáng từ Hà Nội khởi hành đi Ninh Bình, nếu đi theo đường cao tốc thì chỉ chừng hơn 1 tiếng là bạn có mặt ở Tp Ninh Bình. Từ đây bắt đầu đi tới khu du lịch Tràng An.

Khoảng 9h bắt đầu đi khám phá Tràng An bằng thuyền, tùy thuộc lịch trình mà các bạn mất khoảng 2-3 tiếng để khám phá hết nơi này. Sau khi rời Tràng An, đến khu di tích Cố đô Hoa Lư, tham quan khu đền vua Đinh, vua Lê. Nghỉ ngơi ăn trưa tại một nhà hàng nào đó.

Chiều đi thăm chùa Bái Đính, đây là quần thể chùa rất nổi tiếng ở Việt Nam với nhiều kỷ lục được xác nhận. Kết thúc hành trình các bạn trở lại về Hà Nội.

Hà Nội – Cúc Phương – Bái Đính – Tràng An – Vân Long (3 ngày 2 đêm)

Ngày 1: Hà Nội – Ninh Bình – Cúc Phương

Sáng khởi hành từ Hà Nội, khoảng 3 tiếng sẽ xuống đến cổng vườn quốc gia Cúc Phương, ăn trưa tại Cúc Phương. Tham quan rừng Cúc Phương, Cây Trò ngàn năm, các địa danh dọc theo chặng đường từ cửa rừng vào trong.

Tối ngủ một đêm tại Cúc Phương

Ngày 2: Cúc Phương – Bái Đính – Hoa Lư – Tràng An

Buổi sáng trả phòng, ăn sáng rồi từ Cúc Phương khởi hành đi chùa Bái Đính, ngôi chùa có quy mô hoành tráng và lớn bậc nhất. Từ Bái Đính tiếp tục di chuyển đi đến cố đô Hoa Lư. Sau khi thăm đền vua Đinh, vua Lê và khám phá cố đô, các bạn nghỉ ngơi ăn trưa rồi tiếp tục di chuyển đến khu du lịch Tràng An. Lựa chọn một trong 2 tuyến di chuyển ở đây, chiều về Tp Ninh Bình Nghỉ Ngơi

Ăn tối và ngủ đêm tại Tp Ninh Bình

Ngày 3: Ninh Bình – Vân Long – Kênh Gà – Hà Nội

Buổi sáng dậy trả phòng, từ Tp Ninh Bình đi đầm Vân Long. Đây cũng là một trong những nơi thực hiện các cảnh quay của Kong : Skull Island. Trưa từ Vân Long về thẳng khu suối nướng nóng Kênh Gà ăn uống, nghỉ ngơi và tắm suối nước nóng.

Chiều khởi hành về Hà Nội.

Hà Nội – Nhà thờ Phát Diệm – Tràng An – Bái Đính (2 ngày 1 đêm)

Ngày 1: Hà Nội – Ninh Bình – Phát Diệm – Động Thiên Hà

Từ Hà Nội khởi hành đi thẳng nhà thờ đá Phát Diệm. Đây là một quần thể nhà thờ công giáo với kiến trúc độc đáo và đặc sắc, được xây dựng chủ yếu bằng đá và gỗ trong một thời gian dài từ 1875 đến 1899.

Nghỉ ngơi ăn trưa. Chiều từ Phát Diệm đi tham quan Động Thiên Hà. Tuy động không lớn nhưng do nằm ngay trong dải núi Tướng, vốn là một phần của bức tường thành thiên nhiên vững chắc bao bọc, bảo vệ kinh thành Hoa Lư thế kỷ 10, nên động Thiên Hà được nhiều du khách tìm đến để hiểu thêm về vùng đất cố đô.

Chiều tối quay lại Tp Ninh Bình, thuê khách sạn tại Tp Ninh Bình để nghỉ ngơi, tối nhớ thưởng thức các đặc sản của Ninh Bình

Ngày 2: Tràng An – Hoa Lư – Bái Đính – Hà Nội

Từ Tp Ninh Bình di chuyển tới khu du lịch Tràng An, chọn 1 trong 2 tuyến khám phá Tràng An để đi. Sau khi kết thúc hành trình ở đây thì tiếp tục đi tới cố đô Hoa Lư thăm đền vua Đinh, vua Lê

Trước khi trở lại Hà Nội, các bạn nhớ ghé thăm chùa Bái Đính, một ngôi chùa mới được xây dựng với rất nhiều kỷ lục Việt Nam được xác lập.

Tìm trên Google

  • kinh nghiệm du lịch Ninh Bình 2024
  • du lịch Ninh Bình tháng 12
  • tháng 12 Ninh Bình có gì đẹp
  • review Ninh Bình
  • hướng dẫn đi Ninh Bình tự túc
  • ăn gì ở Ninh Bình
  • phượt Ninh Bình bằng xe máy
  • Ninh Bình ở đâu
  • đường đi tới Ninh Bình
  • chơi gì ở Ninh Bình
  • đi Ninh Bình mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Ninh Bình
  • homestay giá rẻ Ninh Bình

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 35 bình chọn và điểm trung bình là 4.9

Chưa có đánh giá nào