Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo

Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo tự túc A-Z (Cập nhật 12/2024)

✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 21 tháng 12 năm 2024

Cùng Phượt – Nằm cách xa đất liền tới hàng trăm km nhưng với nhiều ưu đãi từ thiên nhiên cũng như mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, du lịch Côn Đảo hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tới tham quan và nghỉ dưỡng. Từ một nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, Côn Đảo đã chuyển mình trở thành một điểm đến hấp dẫn, thân thiện với du khách trong và ngoài nước. Du khách có thể đến Côn Đảo vì cảnh quan đẹp, cũng có thể đến Côn Đảo bởi nhiều mong muốn tâm linh, nhưng dù bất cứ lý do nào, ai đã từng đến Côn Đảo cũng không thể quên được mảnh đất này.

Côn Đảo là một điểm đến vô cùng hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam (Ảnh – jonmesic)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả jonmesic, thaolee1911, thuycomet, votamgo, gucci318, bytazdang, tripswithkitty, ngoc.thao.le, kimmy9373, Thèm VT, sophie_j095, condao.vn, Luong Vo Tran Thanh, dinhchibang23,  Mr Tea, tuldge, hanshan17, honggt2006, tuanluxu, lytrang152, hanatran2014, meo.kem, cucai09, pham.nguyen.hong.phuc.1992, beamish00, nguyenfoodalic, phuongvan.pham, Thụy Nhiên, keiko_pham nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Côn Đảo

Mục lục

Toàn bộ quần đảo Côn Đảo (Ảnh -cungphuot.info)

Côn Đảo là một quần đảo gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng gần 100 hải lý, tuy vậy nơi gần nhất trong đất liền với Côn Đảo lại là vùng đất thuộc thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng với khoảng cách chỉ khoảng 40 hải lý.

Côn Đảo hay Côn Sơn cũng hay dùng cho tên của hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này. Sách sử Việt Nam trước thế kỷ XX thường gọi đảo Côn Sơn là đảo Côn Lôn. Theo các nhà nghiên cứu, tên gọi Côn Lôn có nguồn gốc từ tiếng Mã Lai, là “Pulau Kundur” (tạm dịch là “hòn Bí”). Người châu Âu phiên âm thành Poulo Condor

Ngoài là một địa điểm tâm linh nổi tiếng, Côn Đảo còn có những bãi biển vô cùng đẹp (Ảnh – cungphuot.info)

Côn Đảo là một trong 21 khu du lịch quốc gia của Việt Nam. Nơi đây được nhiều du khách đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên (rừng và biển). Côn Đảo được xem là hòn đảo du lịch với biển dài 200km cùng nhiều bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, làn nước trong xanh mát lạnh, bãi cát dài phẳng mịn. Không khí trên đảo thật trong lành, được ví như thiên đường nghỉ dưỡng. Sở hữu rừng nguyên sinh và biển được bảo tồn đa dạng sinh học, Côn Đảo không chỉ là nơi nghiên cứu của các nhà khoa học mà còn là nơi để du khách đến du lịch khám phá, với các chương trình du lịch sinh thái.

Du lịch Côn Đảo vào thời gian nào?

Nếu muốn thả mình trong những làn nước trong xanh của Côn Đảo, các bạn hãy đến đây trong những ngày nắng ấm (Ảnh – thaolee1911)

Khí hậu của Côn Đảo được chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, cũng khá giống với khí hậu của vùng biển miền Nam Trung Bộ. Mùa khô kéo dài khoảng cuối năm đến tháng 4 năm sau, từ tháng 5 trở đi thường là mùa mưa. Một vài gợi ý với các bạn khi có kế hoạch đến Côn Đảo

  • Khoảng thời tiết tháng 3-5, lúc này biển vẫn tương đối êm, việc đi tàu cao tốc ra Côn Đảo sẽ tương đối thuận lợi. Thời tiết tháng 5 cũng tương đối nắng nóng, có những thời điểm lên tới 34ºC, thời tiết này quá tuyệt để tắm biển.
  • Từ tháng 5-9, tuy mùa mưa nhưng biển vẫn khá êm, vẫn phù hợp cho các hoạt động vui chơi trên biển, mưa nếu có thường không kéo dài.
  • Thời điểm cuối năm, thường từ khoảng tháng 8-12, các cơn bão trên biển Đông bắt đầu hướng dần vào dải biển miền Trung, khi bão xuất hiện thì vùng biển từ Vũng Tàu tới Côn Đảo cũng bị ảnh hưởng, lúc này nếu có kế hoạch ra Côn Đảo bằng tàu cao tốc các bạn cần theo dõi bởi các chuyến tàu có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết và không được phép xuất bến.
  • Do đường bay không nhiều nên vé máy bay Côn Đảo tương đối cao, số lượng vé cũng ít, nhất là vào các thời điểm cuối tuần.  Nếu có kế hoạch tới Côn Đảo du lịch tâm linh, ngoài việc đi vào bất kỳ khoảng thời gian nào phù hợp với kế hoạch cá nhân, các bạn cũng nên sắp xếp đi trong tuần cho thoải mái.

Hướng dẫn đi tới Côn Đảo

Một trong những trở ngại lớn nhất của du lịch Côn Đảo chính là chuyện đi lại, bởi để tới đây du khách chỉ có thể lựa chọn đường không hoặc đường thủy.

Máy bay

Sân bay Côn Sơn hay còn có tên sân bay Cỏ Ống với đường băng khá ngắn, trong tương lai có thể sẽ được nâng cấp (Ảnh – cungphuot.info)

Do hạ tầng cũ nên sân bay Cỏ Ống ở Côn Đảo không thể tiếp nhận các máy bay chở khách cỡ lớn, chỉ có thể sử dụng các loại máy bay nhỏ. Chính bởi vậy số lượng khách vận chuyển trên mỗi chuyến bay không nhiều, chi phí cho mỗi vé luôn cao hơn so với các địa điểm khác. Các bạn nếu định đi Côn Đảo bằng máy bay có thể đi vào ngày thường cho tiết kiệm chi phí.

Từ sân bay về trung tâm khoảng 13km, các bạn nếu đi riêng lẻ có thể sử dụng các loại xe buýt trung chuyển với giá thấp, hoặc gộp nhóm lại đi taxi với giá cao hơn chút (nhưng thoải mái hơn).

Hà Nội – Côn Đảo

Trước kia có Mekong Air khai thác đường bay Hà Nội – Côn Đảo, nhưng sau đó đã dừng hoạt động từ năm 2012. Trong khoảng thời gian sau này, du khách từ miền Bắc muốn đi Côn Đảo bằng máy bay chỉ có thể nối chuyến ở Sài Gòn. Thật may mắn, từ 09/2020 Bamboo đã được phép mở thêm các đường bay từ Hà Nội – Hải Phòng và Vinh tới Côn Đảo.

Cập nhật: Hiện các đường bay đi Côn Đảo của Bamboo đã ngừng hoạt động, các bạn chỉ có thể lựa chọn bay bằng Vietnam Airlines

Sài Gòn – Côn Đảo

Mỗi ngày từ sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Cần Thơ có vài chục chuyến bay tới Côn Đảo nhưng máy bay sử dụng là loại máy bay khá nhỏ (ATR 72), chỉ chuyên chở được số lượng rất ít khách nên giá vé thường sẽ cao hơn so với các chặng khác.

Tới Côn Đảo bằng tàu

Nếu không thể đặt vé máy bay, các bạn có thể tới Côn Đảo bằng tàu cao tốc. Thời gian đi sẽ lâu hơn nhưng cũng là một trải nghiệm thú vị, có điều nếu say sóng các bạn không nên đi vào những mùa biển động.

Xem thêm bài viết: Tàu cao tốc đi Côn Đảo (Cập nhật 12/2024)

Từ Vũng Tàu

Trước đây từ Vũng Tàu chỉ có tàu chậm, hiện giờ cũng đã có tàu cao tốc (Ảnh – thuycomet)

Đi tới Vũng Tàu

Để đi tới Vũng Tàu, các bạn có thể sử dụng các tuyến xe khách từ Sài Gòn, thường các xe xuất phát liên tục từ bến xe miền Đông. Ngoài ra, các bạn có thể sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển tới đây bởi khoảng cách khá gần (khoảng 100km), gửi xe cá nhân tại cảng rồi đi ra đảo.

Vũng Tàu – Côn Đảo

Tàu  đi Côn Đảo từ Vũng Tàu xuất phát từ cảng Cầu Đá, tàu chậm thời gian có thể lên tới 12 tiếng, với tàu cao tốc thời gian chỉ khoảng 3 tiếng. Tàu có sức chứa khoảng 600 khách, tức gấp 10 lần 1 chiếc máy bay ATR đưa khách ra Côn Đảo.

Từ Sóc Trăng

Tàu cao tốc đi từ Sóc Trăng nhanh và rẻ hơn (Ảnh – votamgo)

Đi tới Sóc Trăng

Để tới Sóc Trăng các bạn có thể bắt các chuyến xe từ bến xe Miền Tây, khá nhiều xe và giờ nhưng các bạn nên đi các chuyến đêm để tới Sóc Trăng vào sáng sớm, kịp giờ đi tàu chuyến sớm luôn. Khi đặt vé tàu cao tốc, các bạn nên đặt luôn vé xe mini buýt, xe này sẽ đưa các bạn từ phòng vé của tàu Superdong từ Sóc Trăng tới cảng Trần Đề.

Nếu định tự lái xe tới cảng, các bạn nên đi từ trưa ngày hôm trước vì khoảng cách cũng vào khoảng hơn 200km. Sau khi tới cảng Trần Đề có thể gửi xe và nghỉ đêm tại đấy, hoặc ngủ tại Tp Sóc Trăng rồi hôm sau đi ra cảng sớm.

Trần Đề – Côn Đảo

Do lợi thế về khoảng cách gần nên thời gian đi từ cảng Trần Đề ra Côn Đảo sẽ gần hơn từ Vũng Tàu, thời gian đi chỉ mất khoảng hơn 2 tiếng, giá vé cũng rẻ hơn khoảng 1 nửa so với xuất phát từ Vũng Tàu. Các bạn nếu định tới Côn Đảo bằng tàu nên lựa chọn cảng này, kết hợp thêm khoảng 1-2 ngày du lịch Sóc Trăng nữa là đẹp.

Đi lại ở Côn Đảo

Thuê xe máy

Bạn có thể dễ dàng thuê một chiếc xe máy trên đảo (Ảnh – cungphuot.info)

Tự mình lái xe trên những con đường ven biển của Côn Đảo khá tuyệt, về cơ bản đảo cũng khá nhỏ nên nếu thích tự do khám phá các bạn nên thuê xe để chủ động về thời gian và lịch trình. Xe máy sẽ phù hợp với các bạn trẻ, đối với gia đình (nhất là có trẻ em và người già) các bạn có thể cân nhắc sử dụng xe điện hoặc taxi.

Xem thêm bài viết: Thuê xe máy ở Côn Đảo (Cập nhật 12/2024)

Xe điện

Trên đảo hiện có rất nhiều xe điện phục vụ du khách (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu vừa muốn ngắm cảnh vừa muốn tận hưởng không khí trong lành, mát lạnh của đảo, các bạn có thể sử dụng xe điện để dạo quanh đảo. Ngồi xe điện vừa thoáng, ngắm cảnh lại thoải mái hơn, rất phù hợp với nhóm đông người.

Taxi

Taxi trên đảo thường đón khách ở cảng và sân bay, di chuyển trong thị trấn thường xe điện sẽ nhiều hơn (Ảnh – cungphuot.info)

Xe điện thường chỉ hoạt động ở các điểm du lịch, với các nhu cầu tới các địa điểm khác các bạn có thể sử dụng taxi. Việc gọi taxi cũng đơn giản và dễ dàng hơn, một số hãng taxi đang hoạt động ở Côn Đảo như:

  • Mai Linh: 0254 3850850
  • Côn Sơn: 0254 3908908
  • Sài Gòn – Côn Đảo: 0254 36363636
Ca nô

Để tới các hòn đảo xung quanh Côn Sơn, các bạn có thể thuê cano trên đảo (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu muốn đến các đảo xung quanh như hòn Bảy Cạnh, các bạn cần thuê ca nô hoặc thuyền của người dân để di chuyển. Giá thường do khách thỏa thuận với chủ nhưng thường dao động khoảng 2000-3000k.

Lưu trú ở Côn Đảo

Khách sạn/Resort

Nếu có điều kiện, các bạn có thể trải nghiệm ở những khu nghỉ dưỡng tương đối sang trọng (Ảnh – cungphuot.info)

Là một điểm du lịch rất nổi tiếng nhưng số lượng cơ sở lưu trú ở Côn Đảo không quá nhiều, tổng số chỉ khoảng dưới 100 cơ sở lưu trú với khoảng 1600 phòng, có thể đáp ứng được đồng thời khoảng hơn 3000 khách. Các khách sạn chủ yếu tập trung ở khu vực đảo Côn Sơn, chỉ một vài cơ sở lưu trú được xếp hạng cao cấp, còn lại đa phần là những khách sạn bình thường.

Một số khách sạn tốt ở Côn Đảo

Khách sạn ở giảm giá trong tháng 12

KHÁCH SẠN The Secret Con Dao
Địa chỉ: Số 08 Đường Tôn Đức Thắng, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0254 3837888
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn The Mystery
Địa chỉ: Lê Thanh Nghị, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0918010206
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN ⭑⭑⭑⭑⭑ Six Senses Côn Đảo
Địa chỉ: Bãi Đất Dốc, đường Cỏ Ống, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0254 3630768
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Hotel De Condor
Địa chỉ: Đường Phan Chu Trinh, Khu 2, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0941903908
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Hương Đào
Địa chỉ: Đường Trần Phú, Côn Đảo, Côn Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: Đang cập nhật
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ ở Côn Đảo (Cập nhật 12/2024)

Homestay

Homestay ở Côn Đảo có, nhưng số lượng không nhiều (Ảnh – gucci318)

Theo xu hướng chung ở Việt Nam, cứ nơi nào đông du khách thì số lượng homestay sẽ dần dần tăng trưởng mạnh. Tuy vậy, có lẽ do ở Côn Đảo việc đi lại không thuận lợi nên số lượng homestay cũng không quá nhiều, hầu hết của chính người dân trên đảo kinh doanh. Kiểu homestay thường sẽ phù hợp với các nhóm bạn trẻ, thích trải nghiệm hơn.

Một số homestay tốt ở Côn Đảo

Khách sạn ở giảm giá trong tháng 12

HOMESTAY Pun Corner
Địa chỉ: Phan Chu Trinh, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0347060395
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Lan Anh's Home
Địa chỉ: 7 Đường Phạm Văn Đồng, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0988 823 138
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Loco Home
Địa chỉ: Huỳnh Thúc Kháng, khu 3, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0979964089
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với booking

HOMESTAY Mai Homestay
Địa chỉ: Huỳnh Thúc Kháng, Côn Đảo, island, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0968620290
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Little Home
Địa chỉ: Khu 7 Đường Hồ Thanh Tòng, Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: 0915639907
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Homestay ở Côn Đảo (Cập nhật 12/2024)

Ngủ lều

Ngủ lều tại một nơi còn khoang sơ như Côn Đảo khá thoải mái và an toàn (Ảnh – bytazdang)

Với nhiều bãi biển đẹp và có bờ cát, nếu có đủ đồ như lều và túi ngủ, các bạn hoàn toàn có thể tổ chức camping ngay trên bãi biển. Cái cảm giác thức giấc đón bình minh, nhâm nhi ly cà phê trong tiếng sóng biển rì rào sẽ thật tuyệt.

Địa điểm du lịch Côn Đảo

Chơi gì ở Côn Đảo

Lặn biển

Đến đúng mùa đẹp, không thể bỏ qua các chuyến lặn biển ngắm san hô nhé (Ảnh – tripswithkitty)

Côn Đảo là một trong những nơi lặn biển tốt nhất Việt Nam, nhất là từ tháng 3 đến tháng 6 khi sóng biển êm, nước trong, tầm nhìn tốt. Hiện nay, Vườn Quốc gia Côn Đảo đang khai thác dịch vụ lặn ngắm san hô tại khu vực Hòn Tài. Sau 30 phút đi tàu/cano xuất phát từ trung tâm Côn Đảo, du khách sẽ đến khu vực bãi trước Hòn Tài. Tại đây, du khách được hướng dẫn bơi xem san hô và các loại sinh vật biển như: hải sâm, trai tai tượng, sò ốc các loại… đầy màu sắc.

Xem rùa đẻ trứng

Các tour xem rùa đẻ trứng rất phù hợp với các bạn nhỏ (Ảnh – ngoc.thao.le)

Biển Côn Đảo có số lượng cá thể rùa biển về đẻ trứng nhiều nhất trong tất cả các bãi biển tại Việt Nam. Mỗi đêm có từ 10 đến 40 con lên bãi đẻ trứng, với số lượng vài ngàn trứng. 4 địa điểm rùa thường lên đẻ trứng gồm: Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tre Lớn, Hòn Tài và Hòn Cau. Mùa sinh sản của rùa thường bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến tháng 11. Mỗi con rùa thường đẻ 3 lần trong 1 mùa, mỗi lần cách nhau từ 11 đến 15 ngày, sau 5 năm mới đẻ tiếp. Rùa biển đẻ vào ban đêm nhưng không cố định giờ giấc. Vào mùa rùa đẻ, nhân viên Vườn quốc gia Côn Đảo làm việc thâu đêm để cứu hộ rùa từ khi lên bãi đẻ, bảo quản, di dời trứng đến khu vực khô ráo, cho ấp nở rồi khi thả rùa con về biển vào buổi sáng sớm.

Đi bộ xuyên rừng

Các con đường đi bộ xuyên rừng trong Vườn Quốc gia Côn Đảo (Ảnh – cungphuot.info)

Từ trung tâm Vườn Quốc gia Côn Đảo du khách đi bộ khoảng một giờ trên đường mòn xuyên qua khu rừng sẽ đến Bãi Ông Đụng. Các bạn cũng có thể nghiên cứu các chặng đường khác nếu thích các hoạt động trekking.

Di tích lịch sử

Bảo tàng Côn Đảo

Bảo tàng Côn Đảo là nơi còn lưu giũ nhiều thông tin hình ảnh về hòn đảo này (Ảnh – cungphuot.info)

Bảo tàng Côn Đảo là nơi lưu giữ, trưng bày, bảo quản và giới thiệu các hiện vật lịch sử, văn hóa của mảnh đất con người Côn Đảo qua các thời kỳ lịch sử với 2000 tư liệu, hiện vật trưng bày. Đến với Bảo tàng Côn Đảo, các bạn sẽ hiểu sâu sắc hơn về thiên nhiên, con người Côn Đảo tìm hiểu về lịch sử đấu tranh nhà tù Côn Đảo trong 113 năm “ Địa ngục trần gian”.

Dinh Chúa Đảo

Khu dinh thự của các chúa đảo (Ảnh – cungphuot.info)

Dinh thự là nơi ở và làm việc của 53 đời chúa đảo, trải qua 113 năm (1862 – 1975), nay còn lưu giữ nhiều hiện vật của cuộc sống xa hoa của các chúa đảo người Pháp, Mỹ, Việt, Trung Quốc.

Hệ thống nhà tù

Nhà tù Côn Đảo nằm trong danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. “Địa ngục trần gian” này là điểm hẹn về nguồn của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Trại Phú Tường

Trại Phú Tường (Ảnh – cungphuot.info)

Cũng giống như các trại giam khác được Pháp xây dựng tại Côn Đảo, trại Phú Tường (chuồng cọp kiểu Pháp) có tường cao, dày làm bằng đá, bên trên cuộn thép gai, cổng sắt cao đóng kín, gồm 2 dãy nhà với 8 khám nối tiếp vào góc phía Nam của trại Phú Sơn. Trại khởi công từ năm 1940, hoàn thành vào năm 1944 khi các trại Phú Thọ, Phú Hải, Phú Sơn được xây dựng trước đó không còn đủ chỗ để giam tù nhân.

Trại Phú Bình

Trại Phú Bình còn được gọi là Chuồng cọp kiểu Mỹ (Ảnh – cungphuot.info)

Trại giam Phú Bình hay còn có tên gọi khác là “Chuồng cọp kiểu Mỹ” tọa lạc ở đường Nguyễn Văn Cừ, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trại giam này được Mỹ – Ngụy xây dựng, ban đầu có tên là trại 7 và nổi tiếng với các hình thức tra tấn tinh thần.

Trại Phú Hải

Trại giam Phú Hải (Ảnh – cungphuot.info)

Trại Phú Hải nằm  trên đường Lê Văn Việt, cách bờ biển 50m. Đây là trại giam cổ nhất, được Pháp lập từ năm 1862 và xây dựng kiên cố từ năm 1889 đến năm 1896 thì hoàn chỉnh. Thời Pháp trại có tên là Bange 1. Sau đó được đổi thành Lao 2, trại 2 và trại Phú Hải sau Hiệp định Paris năm 1973. Trại rộng hơn 12.000m² với 10 phòng giam tập thể,  20 hầm đá biệt giam, 2 hầm xay lúa đồng thời là phòng trừng giới và 1 khu đập đá. Trong khuôn viên trại có đầy đủ các công trình phục vụ đời sống tinh thần cho tù nhân như: câu lạc bộ, nhà bếp, nhà ăn, nhà hớt tóc, giếng nước, nhà kho, văn phòng, giảng đường, bệnh xá, nhà thờ.

Trại Phú Sơn

Trại giam Phú Sơn (Ảnh – cungphuot.info)

Trại Phú Sơn nằm sát bên Trại Phú Hải, có cùng kiểu xây dựng, nhưng đồ sộ và kiên cố hơn, lại có thêm nhiều phòng giam cá nhân hơn. Bên trên phòng giam có lối đi để cai ngục đi kiểm tra người tù.

Trại Phú An

Trại Phú An (Ảnh – cungphuot.info)

Trại 6 sau này được gọi là trại Phú An gồm 20 phòng giam, chia làm 02 khu: A và B, mỗi khu có 10 phòng được bố trí thành hai dãy đối diện nhau và có một khu biệt lập gồm 4 xà lim.

Sở Cò

Di tích Sở Cò hiện cũng là nhà lưu niệm Võ Thị Sáu (Ảnh – cungphuot.info)

Cùng với việc xây dựng trại giam, trạm gác, thực dân Pháp còn xây dựng những công sở và các cơ sở phục vụ khác. Sở Cò đi vào họat động từ những năm đầu thế kỷ 20, sang thời Mỹ ngụy ngôi nhà này là trụ sở Quân cảnh. Khuôn viên Sở Cò có tổng diện tích là 1.516,2 m², bao gồm: 1 nhà Chính, 1 nhà phụ thuộc, 2 Xà lim và sân vườn. Đặc biệt, Sở cò là nơi lưu lại những giờ phút cuối đời của nữ anh hùng Võ Thị Sáu.

Di tích tâm linh

Nghĩa trang Hàng Keo

Di tích lịch sử Nghĩa trang Hàng Keo (Ảnh – cungphuot.info)

Khi tới Côn Đảo, du khách nên đến thắp hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt này để tỏ lòng biết ơn đến những chiến sĩ đã ngã xuống.

Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là nghĩa trang lớn nhất tại Côn Đảo, có diện tích khoảng 20 ha, là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày kéo dài 113 năm (từ 1862 đến 1975)

Cầu tàu 914

Cầu tàu 914 (Ảnh – cungphuot.info)

Là chứng nhân lịch sử về sự lao động khổ sai và hi sinh xương máu của rất nhiều chiến sĩ. Nay du khách đến cầu tàu 914 để thắp hương, tham quan, câu cá, ngắm cảnh, chụp hình mặt trời mọc.

Miếu An Sơn

Miếu An Sơn (Ảnh – kimmy9373)

Là miếu thờ thứ phi của Chúa Nguyễn Ánh, do người dân địa phương trân quý đức hạnh của bà đã lập nên và tổ chức giỗ chay quy mô toàn đảo vào ngày 17 và 18/10 âm lịch hàng năm.

Chùa Núi Một

Chùa Núi Một là ngôi chùa duy nhất trên đảo (Ảnh – cungphuot.info)

Chùa Núi Một hay còn gọi là Vân Sơn Tự, tọa lạc giữa lưng chừng núi Một, cách trung tâm Côn Đảo khoảng 1.6km. Chùa được xây dựng năm 1964, nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình những người làm việc trong bộ máy hành chính, các quan chức binh sỹ sinh sống trên đảo.

Chùa có kiến trúc đậm nét Phật giáo Á Đông, chủ yếu thờ Phật và các chư vị bồ tát. Tuy không gian chùa không lớn, nhưng vị trí tọa lạc được xem vào hàng đẹp nhất ở Việt Nam. Với lưng dựa vững chắc vào núi Một, các mặt còn lại đều có view ngắm cảnh, thưởng ngoạn rất tuyệt vời. Từ đỉnh chùa phóng tầm mắt ra bốn phương, đâu đâu cũng tạo cho du khách một cảm nhận khác lạ. Nếu hướng nam ngắm núi rừng xanh bạt ngàn, hướng đông vịnh Côn Sơn trong xanh, thị trấn bình yên vương mình phát triển thì hướng bắc một cánh đồng sen An Hải bát ngát đang tỏa hương từng giờ, từng giây.

Phố cổ Côn Sơn

Nét đẹp cổ kính với những bờ rào cổ, hàng cây bàng di sản có từ thời Pháp nay vẫn còn nguyên vẹn (Ảnh – cungphuot)

Côn Đảo hiện có hơn 50 công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp trong đó nhiều công trình kiến trúc cổ được bảo tồn nguyên vẹn nhưng đã thay đổi công năng. Ngoài ra, trên đoạn đường Lê Duẩn chỉ dài khoảng tầm 500m, hai bên đường có nhiều ngôi nhà cổ với kiến trúc Pháp. Bố cục của các ngôi nhà ở phố Lê Duẩn chủ yếu là hình chữ nhật, hành lang rộng chạy quanh, được tạo hình với các đường cong hình cung. Nhà được xây 1-2 tầng, với mái dốc, lợp ngói tạo sự mát mẻ.

Tất cả đã được các nhà kiến trúc và quy hoạch Pháp kiến tạo một cách hoàn hảo. Những con đường với 2 hàng cây, khu phố cổ, hệ thống nhà ở của các chức sắc, những dãy nhà trệt nền cao, với bậc thềm duyên dáng và dãy hành lang phía trước, mái ngói dốc, mang vẻ đẹp tinh tế của kiến trúc Pháp. Thời kỳ này, kiến trúc Pháp chủ yếu áp dụng cho những ngôi nhà để ở hoặc nơi làm việc của các sĩ quan, binh lính Pháp. Song với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như ở Việt Nam, người Pháp đã bắt buộc phải nghĩ ra cách để khắc phục. Theo đó, các hành lang thường được xây dựng khá rộng để chắn nắng, hút gió và tạo không khí mát mẻ. Mặc dù các công trình nhà ở, kiến trúc này có tuổi đời hàng trăm năm nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn.

Quán cà phê Ba Lê

Quán có thiết kế lạ, đồ uống được (Ảnh – cungphuot.info)

Quán cà phê này mang phong cách ấm cúng, nhẹ nhàng bởi xung quanh quán được bao phủ bởi gam màu vàng trầm ấm, nội thất nhẹ nhàng, đơn giản mang phong cách vintage. Tại đây phục vụ rất nhiều loại đồ uống và các loại bánh thơm ngon. Chủ quán rất hiếu khách, niềm nở và thân thiện.

Hồ An Hải

Vào mùa sen nở, khung cảnh hồ An Hải vô cùng đẹp (Ảnh – Thèm VT)

Nằm ở trung tâm đảo, hồ An Hải là hồ nước ngọt lớn thứ hai trên đảo. Vào mùa hè, hoa sen trong hồ nở hồng rực, xen kẽ với mảng màu xanh của bèo lá và núi rừng.

Mũi Chân Chim

Mũi Châm Chim (Ảnh – cungphuot.info)

Mũi Chân Chim là một mỏm đá nhô ra biển, nằm trên đường Cỏ Ống, cách sân bay Cỏ Ống khoảng 6,5km. Đầu mũi là hệ thống đá tảng muôn hình khối xếp chồng lên nhau, đá ở đây màu sáng bạc chứ không đen như ở nơi khác. Phía dưới mũi là làn nước xanh ngọc, trong vắt, tạo nên khung cảnh hùng vĩ, tuyệt mỹ.

Các bãi biển

Bãi An Hải

Bãi tắm An Hải ngay gần trung tâm, là nơi người dân địa phương thường tắm biển (Ảnh – cungphuot.info)

Bãi An Hải nằm ngay trung tâm đảo lớn, có cát trắng mịn, biển lặng sóng, là nơi tắm biển thường ngày của người địa phương. Cầu tàu du lịch nằm cuối bãi tắm là nơi tàu thuyền, cano đón trả khách đi khám phá các đảo và lặn ngắm san hô. Đường vào bãi nằm cạnh khu nghỉ dưỡng Tân Sơn Nhất – Côn Đảo resort.

Bãi Lò Vôi

Bãi Lò Vôi (Ảnh – cungphuot.info)

Cũng nằm ngay trung tâm, đối diện phía bên kia cầu tàu 914 so với bãi An Hải. Bãi này có nước trong, sóng êm, bờ cát trắng rất sạch có hàng dương cổ thụ trải dài. Bãi này chỉ có thể ngắm cảnh chứ không thể tắm.

Bãi Đầm Trầu

Thú vị nhất là xem máy bay cất hạ cánh khi đến bãi biển này (Ảnh – cungphuot.info)

Cách trung tâm khoảng hơn chục km, bãi Đầm Trầu có cảnh quan đẹp và tương đối hoang sơ. Nơi đây cũng là một địa điểm rất độc đáo khi nằm ngay cạnh sân bay Cỏ Ống, các bạn có thể chụp được những bức ảnh trên bãi biển với máy bay ngay trong khung hình của mình.

Bãi Ông Đụng

Thiên nhiên như một bức tranh ở Bãi Ông Đụng (Ảnh – sophie_j095)

Bãi Ông Đụng có hệ sinh thái đa dạng với đầy đủ núi, rừng, biển và dải san hô hầu như được bảo tồn nguyên vẹn. Trên Bãi Ông Đụng là hàng vạn viên đá cuội muôn hình nằm dọc theo bãi biển và những gốc cây to lớn với bộ rễ ngoằn ngoèo, cổ quái. Khi thủy triều xuống, bãi biển còn để lộ ra dải đá ngầm rộng lớn, hình thù độc đáo cùng nhiều loài sinh vật biển như cua, ốc và sên biển… Để đến đây, các bạn cần đi xuyên qua Vườn Quốc gia Côn Đảo

Bãi Nhát

Hoàng hôn Bãi Nhát (Ảnh – cungphuot.info)

Bãi biển ngay dưới khu vực mũi Cá Mập là Bãi Nhát, nơi đây nước trong xanh và lặng sóng, các bạn có thể đi bộ theo lối mòn để xuống đây. Bãi cát ở đây phụ thuộc nhiều vào thuỷ triều, nhưng thường sẽ xuất hiện trong khoảng từ 10-13h hàng ngày.

Mũi Cá Mập

Từ mũi Cá Mập nhìn ra biển (Ảnh – cungphuot.info)

Cách trung tâm khoảng 6km, nơi đây là địa điểm rất đẹp để có thể ngắm hoàng hôn ở Côn Đảo. Với 1 bên là vách núi, 1 bên là biển cả mênh mông cùng những cơn gió với cảm giác bay người, mũi Cá Mập là địa điểm rất tuyệt để có những bức ảnh đẹp.

Vịnh Đầm Tre

Vịnh Đầm Tre (Ảnh – condao.vn)

Vịnh Đầm Tre nằm ở phía Bắc đảo Côn Sơn và cách sân bay Côn Đảo 3 km. Đây là vịnh kín gió, ăn sâu vào trong đất liền, sự kết hợp hài hòa giữa biển và núi bao bọc xung quanh, tạo cho vịnh có nhiều cảnh quan thơ mộng, huyền bí, phong cảnh hữu tình và môi trường trong lành.

Đoạn đường rừng đi Vịnh Đầm Tre ở cuối Bãi Dong (Ảnh – Luong Vo Tran Thanh)

Để tới được Vịnh Đầm Tre các bạn cần đi men theo khoảng 2km đường bờ biển của Bãi Dong (phía gần sân bay Cỏ Ống). Nếu thủy triều cao quá sẽ không thể qua được, sau khi qua được đoạn bờ biển này sẽ có đường rừng dài khoảng 3km tiếp theo nữa mà các bạn phải chinh phục.

Các đảo xung quanh

Hòn Bảy Cạnh

Hệ sinh thái rừng ngập mặt ở hòn Bảy Cạnh (Ảnh – dinhchibang23)

Cách trung tâm khoảng 20 phút đi bằng cano, hòn Bảy Cạnh vẫn còn hoang sơ và không có các dịch vụ lưu trú, ăn uống. Nét đặc trưng của Hòn Bảy Cạnh chính là hệ sinh thái rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn Côn Đảo phân bố chủ yếu trên nền thổ n hưỡng san hô chết, cát, sét mềm. Điểm khác biệt này giúp du khách có thể đi lại dễ dàng trong rừng khi thủy triều rút chứ không bị sình lầy như các nơi khác.

Hòn Bà

Đỉnh núi Tình Yêu trên đảo Hòn Bà nhìn từ Côn Sơn (Ảnh – cungphuot.info)

Hòn Bà có diện tích tự nhiên là 576 ha, là đảo lớn thứ ba trong quần đảo Côn Sơn. Hòn Bà nối liền với hòn Côn Sơn bằng Cửa Tử, tạo thành vịnh Bến Đầm. Đây là vịnh kín gió, rộng là nơi neo đậu trú bão của tàu thuyền ngư dân trên biển.

Tài nguyên rừng trên Hòn Bà đa dạng và phong phú có nhiều cây gỗ quý, hiếm và nhiều loài động vật quý, hiếm đặc hữu như Khỉ đuôi dài, Sóc đen Côn Đảo, Heo rừng, Kỳ đà, chim rừng… Khi đến Trạm kiểm lâm Hòn Bà, du khách đi bộ xuyên rừng khoảng 20 phút về phía Tây sẽ đến được bãi Đầm Quốc để khám phá rừng ngập mặn nguyên sinh, tắm biển, bơi lội có kiếng lặn và ống thở xem san hô và sinh vật biển; hoặc du khách có thể leo núi chinh phục Đỉnh Tình Yêu, với độ cao 352m và các đỉnh núi lân cận quan sát toàn bộ vịnh Bến Đầm và các đảo xung quanh.

Hòn Cau

Bãi biển Hòn Cau với dải cát trắng dài khá đẹp (Ảnh – Mr Tea)

Hòn Cau khá nổi tiếng bởi trước đây là một làng cổ thời vua Gia Long với tên “Xóm Bà Thiết”. Hòn Cau là một trong hai đảo thuộc quần đảo Côn Sơn có nguồn nước ngầm. Phía trước Hòn Cau có bãi Cát trắng trải dài dọc theo dãy núi hình cánh cung, xen lẫn hàng dừa và cây Phong Ba sừng sững chắn gió xanh bất tận, sâu lắng tiếng sóng vỗ rì rào, từng làn sóng tung bọt trắng xóa, kéo du khách hòa vào không gian tuyệt vời của đất, trời và biển.

Hòn Tre Lớn

Trên đảo Hòn Tre Lớn (Ảnh – tuldge)

Hòn Tre Lớn có diện tích tự nhiên 77 ha, nằm về phía Tây của đảo Côn Sơn, cách cảng Bến Đầm 5km. Hòn Tre Lớn có bãi cát nhỏ, trắng, mịn, là bãi có nhiều rùa biển lên đẻ trứng xếp thứ hai (sau bãi Cát Lớn, Hòn Bảy Cạnh) của rùa biển Côn Đảo. Mỗi năm có hàng trăm cá thể rùa mẹ lên bãi làm tổ và đẻ trứng. Để đến được Hòn Tre Lớn, du khách có thể đi tàu hoặc ca nô từ cảng Bến Đầm hoặc từ bãi Ông Đụng.

Hòn Tre Nhỏ

Hòn Tre Nhỏ (Ảnh – hanshan17)

Nằm về phía Tây đảo Côn Sơn, cách bãi Ông Đụng 2 km, có diện tích 11 ha. Thực vật phân bố trên đảo chủ yếu là cây tre nên gọi là Hòn Tre Nhỏ. Hòn Tre Nhỏ là sân chim trên biển, hàng năm từ tháng 5 – 9 có hàng ngàn lượt chim di cư từ phương Bắc về đây làm tổ và đẻ trứng như: Nhàn mào, Hải âu, các loài Nhạn biển…

Các món ăn ngon ở Côn Đảo

Hải sản

Các loại ốc

Ốc vú nàng Côn Đảo (Ảnh – honggt2006)

Nói đến ốc ở Côn Đảo, người ta nghĩ ngay đến loại ốc mới nghe tên gọi thôi đã khiến người nghe không khỏi tò mò: ốc vú nàng. Trước đây, những món ăn từ ốc vú nàng chỉ để dành dâng lên vua chúa, sau này, nó trở thành món ăn thường ngày của người dân trên đảo và trở thành món ăn ngon, lạ với khách du lịch.

Ngoài ốc vú nàng, ốc đá thì các loại khác như: ốc len, ốc hương ở Côn Đảo cũng có hương vị rất riêng so với những nơi khác. Những món ăn mang hương vị từ biển được chế biến rất phong phú như: xào dưa, nướng, trộn gỏi, nấu cháo, lẩu… Do đặc điểm riêng về địa lý vùng biển, dòng nước nên những món ốc Côn Đảo có độ tươi, ngon dễ hút hồn thực khách.

Tôm hùm đỏ

Tôm hùm đỏ (Ảnh – tuanluxu)

Tôm hùm đỏ, còn gọi là tôm hùm lửa, tên khoa học là Panulirus longipes, là loài hải sản quý hiếm, hàm lượng dinh dưỡng cao, được mệnh danh là “vua” hải sản ở Côn Đảo. Tôm hùm đỏ Côn Đảo sinh trưởng chậm, không to bằng các loài tôm hùm khác. Đặc biệt, tôm hùm đỏ không nuôi được tại các lồng bè mà chỉ có thể đánh bắt trong môi trường tự nhiên. Do vậy, thịt tôm rất dai và săn chắc, có vị ngọt tự nhiên pha chút mặn mòi của biển.

Tôm mũ ni

Tôm mũ ni ở Côn Đảo (Ảnh – lytrang152)

Tôm mũ ni xuất hiện rải rác ở nhiều vùng biển Việt Nam nhưng Côn Đảo được đánh giá là một trong những nơi có loài tôm mũ ni ngon nhất. Lý giải về cái tên lạ này, nhiều ngư dân giải thích rằng phần đầu của loại tôm này có hình dạng to và bè ra giống như chiếc mũ ni thường dùng để che tai nên nó được đặt tên là tôm mũ ni. Ngoài ra, loại tôm này còn được gọi bằng một cái tên khác là tôm vỗ, bởi khi bắt lên phần đuôi của con tôm thường xòe, đập vào thân rất mạnh như tiếng vỗ tay làm người cầm giật mình.

Cua mặt trăng

Cua mặt trăng (Ảnh – hanatran2014)

Thịt cua mặt trăng thơm, ngọt, săn chắc, giàu chất khoáng, chứa lượng lớn khoáng chất cần thiết cho cơ thể như kẽm, đồng, kali, sắt. Ngoài ra, thịt cua mặt trăng còn chứa chất béo, omega 3, canxi, là những dưỡng chất rất tốt cho tim mạch. Đặc biệt, lượng đạm trong thịt cua mặt trăng ở Côn Đảo vô cùng lớn, cao hơn hẳn các loại cua thông thường, có thể sánh ngang với cua huỳnh đế.

Cua mặt trăng thường được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như luộc, hấp, nướng, xào me, xào chua ngọt… Nhưng cách chế biến truyền thống mà ngư dân vùng biển Côn Đảo thường làm là hấp hoặc nướng với gia vị chấm là muối tiêu, chanh, ớt. Cách chế biến này đơn giản và dân dã, nhưng ai đã thưởng thức món ăn này một lần thì nhớ mãi không quên.

Gỏi cá nhám

Gỏi cá nhám (Ảnh – meo.kem)

Cá nhám hay còn có tên gọi khác là Cá mập cáo. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì loài cá này có ngoại hình rất giống với cá mập, nhưng nhỏ hơn và nhanh nhẹn hơn. Thịt cá nhám nhiều nạc, ngọt và chắc hơn thịt cá mập.

Cái làm nên vị đặc biệt của gỏi cá nhám Côn Đảo là nước phỗng. Nước phỗng có vị chua, cay, ngọt rất hài hòa và được đun nóng lên sau đó ăn kèm với gỏi cá nhám. Ngoài ra vị ngon, độ thanh mát của món ăn còn được quyết định bởi các loại rau ăn kèm như: mơ, ngổ, chuối xanh, dứa, khế.

Sá sùng

Sá Sùng ngoài ở Côn Đảo còn rất phổ biến ở Quảng Ninh, Hải Phòng (Ảnh – cucai09)

Sá sùng là một trong những hải sản cực kỳ quý hiếm, từ xa xưa đã được sử dụng làm cống vật tiến vua. Ở Việt Nam, sá sùng được khai thác tại vùng biển Đông Bắc và một vài nơi thuộc vùng biển phía Nam, trong đó có vùng biển Côn Đảo. Tại đây, hàng năm sá sùng chỉ xuất hiện tại những bãi cát ven biển trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 7.

Cơm tấm

Cơm tấm ở Côn Đảo (Ảnh – cungphuot.info)

Nếu không thưởng thức được hải sản, các bạn có thể tìm món này để sử dụng. Điểm hấp dẫn của món cơm là miếng sườn được tẩm ướp khéo, nướng chín tới vừa ăn. Ngoài ra, còn có sợi bì heo thơm, mềm; trứng ốp lết; cùng chả trứng khiến du khách không khỏi xuýt xoa. Ăn kèm cơm tấm không thể thiếu chén nước mắm chua chua, ngọt ngọt, cay cay cùng với những miếng dưa cải chua được xào rất vừa miệng.

Bánh xèo

Bánh xèo Côn Đảo (Ảnh – pham.nguyen.hong.phuc.1992)

Món ăn phổ biến ở các tỉnh miền Trung, bánh được tráng từ bột cùng nhân tôm thịt, ăn kèm cùng các loại rau sống. Nếu muốn đổi vị sau những bữa hải sản nhiều đạm, các bạn có thể ăn món này.

Bún riêu

Bún riêu Hai Khiêm là quán ăn nổi tiếng ở Côn Đảo (Ảnh – beamish00)

Bát riêu được lọc nấu từ hai loại cua, rạm ở Côn Đảo và được nấu theo công thức riêng. Do vậy, hương vị của bát bún có nét đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được bởi vị ngọt từ nước lèo, vị béo từ riêu cua, vị thanh thanh của cà chua chín, dai dai của miếng chả cá, đậu phụ, tóp mỡ và mắm tôm. Tô bún được ăn kèm với chanh tươi, ngò gai, mắm ruốc và đĩa rau sống tươi ngon

Bánh canh giò heo

Bánh canh giò heo ở Côn Đảo (Ảnh – nguyenfoodalic)

Bánh canh giò heo là món ăn quen thuộc của người dân miền Nam, món ăn với sợi bánh dai mềm, nước dùng thanh ngọt, thơm ngon. Nguyên liệu ăn kèm món bánh canh là thịt heo với các thành phần như giò, thịt nạc hoặc que nạc (phần xương thanh mảnh gần xương ống với nhiều thịt bao quanh). Tùy sở thích mà người dùng có thể lựa chọn một bát bánh canh giò heo, thịt nạc hay que nạc… hoặc có thể gọi tổng hợp cả 3 món để ăn cùng nếu thích.

Kem dừa đất Côn Đảo

Kem dừa đất ở Côn Đảo (Ảnh – cungphuot.info)

Sở dĩ có tên gọi này là vì kem được làm từ những trái dừa đất ở Côn Ðảo nên có hương vị rất riêng. Loại kem này vừa dẻo vừa mềm, thớ mịn chứ không có dăm đá. Từng viên kem bốc khói lạnh thơm lừng, béo ngậy khiến du khách nóng lòng thưởng thức. Khi ăn, kem ngọt ngào tan chảy nơi đầu lưỡi, hòa quyện cùng vị dừa đất Côn Ðảo, kèm thêm sữa, đậu phộng béo ngậy.

Đặc sản Côn Đảo làm quà

Mực một nắng

Mực một nắng chỉ cần nướng qua trên lửa hồng là ăn rất ngọt (Ảnh – phuongvan.pham)

Mực lá Côn Đảo nổi tiếng thịt dày, rất ngọt. Mực chỉ được phơi qua đúng một lượt nắng giòn, đảm bảo bên ngoài mực đã ráo nước nhưng bên trong vẫn còn tươi nguyên.

Cá thu một nắng

Cá thu một nắng Côn Đảo (Ảnh – Thụy Nhiên)

Cá thu một nắng ở Côn Đảo rất đặc biệt, những lát cá tươi ngon do ngư dân đánh bắt được phơi nắng, giữ nguyên được hương vị đậm đà của biển cả.

Mắm hàu

Mắm hàu (Ảnh – keiko_pham)

Mắm hàu (mắm hào) là thứ nước chấm được chế biến từ con hàu biển, sống rất nhiều ở bãi đá quanh các hòn của Côn Đảo. Từ những đồ nghề cầm tay như: chiếc búa mỏ nhọn, chiếc nhíp gắp và một cái ca đựng, người tìm hàu dùng búa gõ nhẹ vào miệng con hàu sữa nhỏ bằng ngón tay cái, sau đó lật nhẹ lớp vỏ, lấy nhíp gắp miếng thịt hàu bên trong bỏ vào ca.

Ruột hàu khi mang về nhà, sẽ đãi rửa sạch và để cho ráo nước. Sau đó, trộn đều với muối, ớt bột, rượu, tỏi, bột ngọt sao cho vừa khẩu vị chung rồi đóng chai. Khoảng hai mươi ngày sau, chai mắm hàu đổi màu, lúc phần thịt nổi lên trên còn phần nước lắng phía dưới có màu đỏ tươi là ăn được. Tuy nhiên thời gian ủ càng lâu thì mắm càng dậy mùi thơm nồng và ăn càng ngon.

Mứt hạt bàng

Mứt hạt bàng (Ảnh – cungphuot.info)

Để có thể chế biến được một món ăn này, người dân trên đảo thường hái những quả bàng chín, mang về phơi khô rồi tách lấy nhân bên trong. Nhân hạt bàng thường được làm sạch, rang lên cho vừa chín, rồi đem chế biến thành mứt hạt bàng. Có hai loại mứt hạt bàng là: ngọt và mặn. Gọi là mứt nhưng thật sự đó là hạt bàng rang với muối hoặc với đường như đậu phộng rang muối, đường ở đất liền.

Lịch trình du lịch Côn Đảo

Sài Gòn – Sóc Trăng – Côn Đảo

Lịch trình này đi bằng tàu cao tốc từ cảng Trần Đề, nếu các bạn đi từ Sài Gòn mà không muốn đi bằng tàu có thể đặt vé máy bay từ Sài Gòn đi Côn Đảo. Kết hợp khám phá Sóc Trăng nếu bạn chưa từng đến đây, nếu không muốn các bạn có thể bỏ qua để đi thẳng ra Côn Đảo.

Ngày 1: Sài Gòn – Sóc Trăng

Từ Sài Gòn các bạn có thể lái xe tới Tp Sóc Trăng, với khoảng cách khoảng hơn 200km các bạn sẽ mất khoảng 4 tiếng di chuyển. Nếu nhiều thời gian có thể đi theo đường QL60 qua Bến Tre và Trà Vinh, hạn chế của tuyến đường này là tuy gần hơn nhưng phải vượt qua 2 tuyến phà nối Trà Vinh với Sóc Trăng, có những ngày sẽ phải đợi vài tiếng mới qua được đây.

Tuyến đường qua Tp Cần Thơ xa hơn nhưng lại không phải chờ phà, nói chung tùy sở thích mà các bạn lựa chọn phương án đi.

Lưu ý: Chờ phà chỉ lâu với ô tô, nếu đi xe máy thì thoải mái vì số lượng xe máy chở trong 1 chuyến phà luôn được nhiều hơn.

Nếu di chuyển từ sáng sớm thì khoảng trưa là các bạn tới Tp Sóc Trăng, thuê phòng khách sạn và dành 1 buổi chiều tối để khám phá Sóc Trăng.

Ngày 2: Sóc Trăng – Trần Đề – Côn Đảo

Từ Tp Sóc Trăng các bạn di chuyển tới cảng Trần Đề

Nếu mang theo xe cá nhân thì các bạn lái thẳng tới cảng và gửi lại đây. Nếu đi xe khách tới Sóc Trăng, có thể sử dụng bus trung chuyển của bên tàu cao tốc (cần đặt vé trước), buýt nội tỉnh Sóc Trăng hoặc taxi để di chuyển tới cảng. Từ cảng lên chuyến tàu buổi sáng, khoảng gần trưa sẽ ra tới Côn Đảo. Di chuyển về khách sạn, nhận phòng và bắt đầu hành trình.

Trước hết hãy kiếm một chiếc xe máy để làm phương tiện di chuyển trong những ngày ở đảo đã nhé.

Điểm đến đầu tiên có lẽ các bạn nên ghé nghĩa trang Hàng Keo rồi tiếp tục tham quan khu di tích nhà tù Côn Đảo với các điểm đến trong cùng 1 vé tham quan là di tích nhà chúa đảo, trại Phú Hải, khu chuồng cọp Mỹ, chuồng cọp Pháp.

Tiếp đến hãy chạy dọc theo tuyến đường về cảng Bến Đầm, nếu đi vào mùa sen nở hãy chạy dọc con đường xuyên qua hồ An Hải nhé. Ngay gần hồ An Hải là miếu An Sơn và Vân Sơn Tự, ngôi chùa với vị trí vô cùng đẹp mà các bạn không nên bỏ qua.

Tiếp tục con đường ra cảng, các bạn sẽ tới mũi Cá Mập và Bãi Nhát, tới đây có thể dừng lại chụp ảnh chơi bời, đón hoàng hôn.

Tối quay lại lang thang thưởng thức hải sản ở các tuyến đường ven biển.

Đến đêm muộn các bạn có thể chuẩn bị đồ lễ, ghé nghĩa trang Hàng Dương thăm mộ các liệt sỹ an nghỉ tại đây. Bạn nào quan tâm tới các điểm đến tâm linh chắc không thể bỏ qua nơi này.

Ngày 3: Khám phá Côn Đảo

Nếu ở ngày 2 các bạn đã đi theo hướng về cảng Bến Đầm thì ở ngày 3 này các bạn hãy chạy theo chiều ngược lại, về phía sân bay Cỏ Ống.

Trên hành trình này các bạn có thể dừng chơi ở các điểm bãi biển Đất Dốc, mũi Chim Chim, bãi Suối Ớt. Đến Bãi Biển Dong nếu muốn có một hành trình trekking dọc biển, xuyên rừng, các bạn có thể đi khám phá Vịnh Đầm Tre.

Nếu không hãy rẽ về phía đường đi sân bay Cỏ Ống, ghé miếu hoàng tử Cải và đến bãi Đầm Trầu. Khu vực này có đầy đủ các dịch vụ ăn nghỉ cho các bạn. Nhớ mang theo đồ bơi nhé vì chỗ này hoàn toàn có thể nhảy xuống bơi lội bình thường.

Ăn trưa nghỉ ngơi xong thì các bạn quay lại khu vực trung tâm Côn Đảo, đi vào Vườn Quốc gia Côn Đảo để đến được bãi Ông Đụng. Bãi này có cảnh đẹp nhưng không sử dụng để tắm nhưng lại có thể thuê đồ để lặn ngắm san hô.

Tối về lại khách sạn nghỉ ngơi.

Ngày 4: Côn Đảo – Sài Gòn

Sáng dậy trả phòng, ăn sáng rồi lên tàu trở lại về đất liền. Sau khi về lại cảng Trần Đề, tiếp tục di chuyển về Sóc Trăng để rồi về lại Sài Gòn. Ngày này hầu như chỉ để di chuyển các bạn nhé.

Hà Nội – Côn Đảo

Ngày 1: Hà Nội – Côn Đảo

Bay Hà Nội – Côn Đảo, hàng ngày từ đầu Hà Nội có khoảng vài chuyến bay thẳng Côn Đảo. Các bạn có thể chọn các chuyến bay trưa, đầu giờ chiều tới nơi sẽ khớp với giờ nhận phòng khách sạn luôn.

Sau khi máy bay hạ cánh, các bạn di chuyển thẳng về trung tâm, nhận phòng cất đồ rồi bắt đầu hành trình của mình.

Tiếp đến hãy chạy dọc theo tuyến đường về cảng Bến Đầm, nếu đi vào mùa sen nở hãy chạy dọc con đường xuyên qua hồ An Hải nhé. Ngay gần hồ An Hải là miếu An Sơn và Vân Sơn Tự, ngôi chùa với vị trí vô cùng đẹp mà các bạn không nên bỏ qua.

Tiếp tục con đường ra cảng, các bạn sẽ tới mũi Cá Mập và Bãi Nhát, tới đây có thể dừng lại chụp ảnh chơi bời, đón hoàng hôn.

Tối không thể bỏ qua màn hải sản rồi.

Ăn uống xong xuôi, các bạn sắp lễ ghé nghĩa trang liệt sỹ Hàng Dương, với những bạn đi lễ thì đây là điểm không thể bỏ qua rồi. Với những bạn không đi (nhất là khi có trẻ nhỏ) các bạn có thể về khách sạn nghỉ ngơi.

Ngày 2: Khám phá bãi biển

Buổi sáng dậy ăn sáng, nghỉ ngơi rồi sẽ bắt đầu đi. Ngày 2 này các bạn hãy đi về phía sân bay Cỏ Ống, nếu đi theo nhóm bạn có thể lựa chọn cung đường trekking khám phá Vịnh Đầm Tre. Tiếp đến ghé bãi Đầm Trầu, chỗ này có nhiều dịch vụ, bãi biển cũng tắm oke. Nhưng điều đặc biệt của bãi này là nó nằm ngay dưới khu vực tiếp cận đường băng hạ cánh của các chuyến bay tới Côn Đảo. Nếu may mắn cùng với một chút khéo léo, các bạn sẽ có thể chộp được những bức ảnh hạ cánh của máy bay khá đẹp.

Chiều quay lại khu vực trung tâm đảo, nếu đi theo nhóm đông các bạn có thể thuê cano sang hòn Bảy Cạnh khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, một vài hòn quanh đảo chính khác cũng khá đẹp như Hòn Cau, Hòn Bà….

Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện có cung cấp một số tour du lịch khám phá, đi bộ trong rừng cũng như tour xem rùa đẻ trứng. Nếu hứng thú các bạn có thể đặt các tour này, nghỉ đêm trên đảo, xem rùa đẻ trứng và thả rùa về đại dương. Mấy hoạt động này mà có trẻ con đi thì hợp lý này.

Ngày 3: Di tích lịch sử

Buổi sáng ngày 3, các bạn có thể dành thời gian để khám phá các di tích lịch sử như hệ thống nhà tù Côn Đảo (khá nhiều nhưng chắc sẽ chỉ đi được một vài cái như Phú Bình, Phú Tường, Phú Hải), ghé bảo tàng Côn Đảo cũng sẽ mang lại cho bạn khá nhiều thông tin thú vị về hòn đảo này. Loanh quanh mấy khu phố chính tham quan những công trình kiến trúc cổ từ thời Pháp, ngồi nhâm nhi thưởng thức cafe.

Trưa trả phòng rồi ra sân bay về lại Hà Nội, kết thúc hành trình

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Côn Đảo 2024
  • du lịch Côn Đảo tháng 12
  • tháng 12 Côn Đảo có gì đẹp
  • review Côn Đảo
  • hướng dẫn đi Côn Đảo tự túc
  • ăn gì ở Côn Đảo
  • phượt Côn Đảo bằng xe máy
  • Côn Đảo ở đâu
  • đường đi tới Côn Đảo
  • chơi gì ở Côn Đảo
  • đi Côn Đảo mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Côn Đảo
  • homestay giá rẻ Côn Đảo

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 16 bình chọn và điểm trung bình là 4.9

Chưa có đánh giá nào