Kinh nghiệm du lịch Vĩnh Phúc

Kinh nghiệm du lịch Vĩnh Phúc tự túc A-Z (Cập nhật 12/2024)

✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 14 tháng 12 năm 2024

Cùng Phượt – Vĩnh Phúc nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng Sông Hồng với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, địa hình như vậy giúp cho Vĩnh Phúc có nhiều cảnh quan tươi đẹp, hấp dẫn. Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, Vĩnh Phúc cũng chú trọng phát triển loại hình du lịch nghệ thuật dân gian, các lễ hội truyền thống tại các khu du lịch, đền, chùa và  xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp, thích ứng với nhiều đối tượng. Không chỉ là một điểm đến lý tưởng cho những người muốn tìm kiếm sự bình yên và thư giãn, du lịch Vĩnh Phúc còn là một hành trình để du khách có thể đến và khám phá, trải nghiệm văn hóa độc đáo của miền Bắc.

Vĩnh Phúc là địa phương gần Hà Nội, có nhiều điểm đến phù hợp cho du lịch ngắn ngày (Ảnh – cungphuot.info)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Bùi Hải Giang, clover13sweet, MinhTu Luu, Son Nguyen, Nguyen Lành, Quân Nguyễn Hữu, Ly Nguyen, Lâm Ngọc Việt, Phi Hoàng, Phan Anh Hung, Nguyễn Hoàng Cường, Chùa Tích Sơn, Cuong Hoang, Hiếu SS, Độc Hành Nhân, minh pham, Dang Tran Hoang, Tung Mai_S, Giang Hoàng, 권기운, NP Vlog, Tuy Nguyen, Dinh Tuan, Giang Vo Minh, Minh Nghĩa Đỗ, Dũng Phạm, Nguyễn Vượng, Đào Anh Phúc, Diện Nguyễn, Hà Phương, Anna Lee, Loan Kim, Kim Ly, Trà Hương, Trần Ngọc Đông, yenhoang2388, Thu Thủy, Nguyễn Lượng, Mai Liên, Thế Hùng nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu chung về Vĩnh Phúc

Mục lục

Một góc Vĩnh Phúc ngày nay (Ảnh – Bùi Hải Giang)

Vĩnh Phúc là một tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, nằm ở chính giữa trung tâm hình học trên bản đồ miền Bắc. Đây là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích không lớn, song có địa hình đa dạng phong phú, vừa có vùng đồng bằng phì nhiêu bao quanh các dòng sông Hồng, sông Lô, sông Đáy, sông Phan, sông Cà Lồ kéo dài từ đỉnh tam giác sông Hồng xuống gần thủ đô Hà Nội, vừa có vùng trung du đồi gò bát úp kéo dài từ Lập Thạch qua Vĩnh Yên xuống tận Bình Xuyên, nam Phúc Yên và có cả dãy núi Tam Đảo với ba ngọn Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa.

Vĩnh Phúc có nhiều cảnh quan và danh thắng kỳ thú như khu danh thắng Tây Thiên với Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên (là một trong 3 thiền viện lớn nhất Việt Nam cùng với Yên TửĐà Lạt), khu nghỉ mát Tam Đảo, tháp Bình Sơn, đền Gia Loan – chùa Biện Sơn,… là nơi để phát triển các loại hình du lịch như tham quan, nghỉ mát,… Ngoài ra còn có trên 500 di tích lịch sử, văn hoá với 170 di tích được xếp hạng, trong đó 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Vĩnh Phúc còn có nhiều đầm hồ ở những địa thế đẹp có thể phát triển thành điểm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn.

Nên tới Vĩnh Phúc thời gian nào?

Ngoài các địa điểm tâm linh, các điểm đến của Vĩnh Phúc sẽ thích hợp hơn khi đi vào mùa hè (Ảnh – clover13sweet)

Ngoại trừ vùng núi Tam Đảo do ở độ cao trên 1000m nên quanh năm luôn mát mẻ, khí hậu Vĩnh Phúc cũng khá tương đồng và không có sự khác biệt nhiều với thủ đô Hà Nội. Các bạn có thể lưu ý một vài thông tin để lên kế hoạch du lịch Vĩnh Phúc

  • Lễ hội Tây Thiên khai mạc vào 15/2 âm lịch hàng năm, đây là một lễ hội khá lớn của miền Bắc mà nếu là người yêu thích du lịch tâm linh có lẽ các bạn không nên bỏ lỡ.
  • Khoảng từ tháng 6-8, miền Bắc bắt đầu bước vào thời kỳ nóng cao điểm, nhiệt độ trung bình lúc này khá cao. Các bạn có thể tranh thủ những dịp này để tới Tam Đảo hay Đại Lải nghỉ mát, tránh cái oi nóng của thủ đô.

Hướng dẫn đi tới Vĩnh Phúc

Phương tiện cá nhân

Ô tô
Đi ô tô các bạn có thể sử dụng 1 đoạn cao tốc Hà Nội – Lào Cai (Ảnh – MinhTu Luu)

Từ Hà Nội để di chuyển tới Vĩnh Phúc khá đơn giản, nếu đi ô tô các bạn chỉ cần lựa chọn 1 trong 2 con đường qua hướng cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long. Đến đoạn qua sân bay Nội Bài là gần đi vào địa phận Phúc Yên của Vĩnh Phúc. Nếu đi Tam Đảo và Tây Thiên thì các bạn đi lên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thoát ra ở nút IC4 là gần tới chân núi Tam Đảo rồi.

Xe máy
Đi xe máy, các bạn nhớ đi ở tầng dưới của cầu Thăng Long (Ảnh – Son Nguyen)

Nếu đi chuyển bằng xe máy, các bạn đi theo hướng cầu Thăng Long, đi dưới tầng 1 của cầu chứ không phải đi lên tầng 2 là đường dành riêng cho ô tô đâu. Qua cầu, cứ đi theo đường Võ Nguyên Giáp đến ngã 3 Nội Bài thì rẽ đi Phúc Yên hoặc các bạn có thể rẽ đoạn Mê Linh cũng oke.

Phương tiện công cộng

Bến xe Vĩnh Yên là nơi trung chuyển, kết nối nhiều tuyến xe đi các tỉnh (Ảnh – Nguyen Lành)

Nếu muốn đi tới Phúc Yên hay Vĩnh Yên, các bạn có thể lựa chọn các tuyến xe buýt của Hà Nội để tới Mê Linh rồi từ đây chuyển sang hệ thống xe buýt nội tỉnh Vĩnh Phúc để di chuyển. Với xe khách, từ bến Mỹ Đình hiện đều có các chuyến xe đi Tam Đảo và các huyện trong tỉnh. Tùy vào lịch trình và kế hoạch định đi mà các bạn lựa chọn cho phù hợp.

Xem thêm bài viết: Xe khách đi Vĩnh Phúc (Cập nhật 12/2024)

Đi lại ở Vĩnh Phúc

Thuê xe máy

Thực tế chỉ khi đến Tam Đảo bằng phương tiện công cộng, các bạn mới cần thuê xe máy để di chuyển quanh 1 số điểm và đa phần các dịch vụ thuê xe máy ở Vĩnh Phúc hiện nay cũng chỉ xuất hiện ở quanh thị trấn Tam Đảo.

Xem thêm bài viết: Thuê xe máy ở Tam Đảo (Cập nhật 12/2024)

Xe buýt
Mạng lưới xe buýt nội tỉnh Vĩnh Phúc khá ổn (Ảnh – Quân Nguyễn Hữu)

Là một tỉnh nhỏ nhưng mạng lưới xe buýt ở Vĩnh Phúc lại khá ổn, tỉnh có hệ thống xe buýt chạy đến hầu hết các địa phương trong tỉnh cùng với 1 số tuyến buýt kế cận kết nối với thủ đô Hà Nội. Các bạn hoàn toàn có thể sử dụng xe buýt để tới các địa điểm du lịch nổi tiếng trong tỉnh như Tam Đảo, Tây Thiên hay Đại Lải

Taxi

Nếu có nhu cầu sử dụng taxi để đi từ trung tâm Vĩnh Yên tới các địa điểm khác, các bạn có thể tham khảo một số hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như:

  • Mai Linh: 0211 6 262626
  • Vĩnh Yên: 0211 3 656565
  • Nhật Linh: 0211 3 686868

Lưu trú ở Vĩnh Phúc

Khách sạn

Vĩnh Phúc hiện giờ cũng có một vài khách sạn và cơ sở nghỉ dưỡng khá cao cấp (Ảnh – Ly Nguyen)

Tuy tiềm năng du lịch Vĩnh Phúc khá lớn nhưng hạ tầng lưu trú của tỉnh lại chỉ ở mức trung bình. Trên toàn tỉnh chỉ có một vài khu nghỉ dưỡng cao cấp, còn lại đa phần chủ yếu là các khách sạn nhỏ, nhà nghỉ bình dân, và trong một vài năm gần đây có thêm các homestay phục vụ các bạn trẻ.

Một số khách sạn tốt ở Vĩnh Yên

Khách sạn ở giảm giá trong tháng 12

KHÁCH SẠN Mạnh Quân Luxury Hotel
Địa chỉ: Đường Nguyễn Tất Thành, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 02113887777
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN iRest Cosmopolis Vinh Yen
Địa chỉ: Ng. Gia Tự, Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0865060960
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY An Homestay
Địa chỉ: 9 Ngõ 3 Đường, Lương Văn Can, Liên Bảo, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0987625625
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN ⭑⭑⭑⭑⭑ Crowne Plaza Vinh Yen
Địa chỉ: 396 Mê Linh, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 02113778899
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

RESORT Dicstar Hotel & Resort Vinh Phuc
Địa chỉ: Đường Đinh Tiên Hoàng, Phường Khai Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0974549798
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Xem thêm bài viết: Khách sạn nhà nghỉ tại Vĩnh Yên (Cập nhật 12/2024)

Homestay

Hiện giờ, homestay được định nghĩa theo kiểu những ngôi nhà xinh xinh, trang trí đẹp, phù hợp với giới trẻ (Ảnh – Lâm Ngọc Việt)

Loại hình lưu trú này bản chất vốn được tận dụng từ nhà của người dân địa phương để cho du khách cùng ở và sinh hoạt với chủ nhà. Tuy vậy, hiện nay ở nhiều nơi thì homestay được định nghĩa là những điểm lưu trú nhỏ, được trang trí đẹp và có giá thành vừa phải. Homestay chủ yếu nhắm vào nhóm đối tượng các bạn trẻ thích những trải nghiệm mà ở khách sạn truyền thống không có.

Một số Homestay tốt ở Tam Đảo

Khách sạn ở giảm giá trong tháng 12

KHÁCH SẠN Hùng Trang Hotel
Địa chỉ: Tổ dân phố 1, Thị trấn Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0977669992
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

HOMESTAY Le Vent Homestay
Địa chỉ: Thị trấn Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0964510808
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Rosalia Tam Đảo
Địa chỉ: TT. Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0353961442
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Anh Minh
Địa chỉ: TT. Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 02113824279
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn LOTUS Tam Đảo
Địa chỉ: Thị trấn Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0353961442
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Cắm trại

Vĩnh Phúc không thiếu các điểm mà các bạn có thể dựng lều ngủ qua đêm để trải nghiệm (Ảnh – Phi Hoàng)

Có khá nhiều điểm cắm trại đẹp ở Vĩnh Phúc mà nếu các bạn có đầy đủ lều và các dụng cụ hỗ trợ, các bạn hoàn toàn có thể ngủ qua đêm. Phương án này sẽ phù hợp với các đoàn đông, nhiều xe để tiện bề hỗ trợ và giúp đỡ nhau khi cần thiết.

Các địa điểm du lịch Vĩnh Phúc

Vĩnh Yên

Bảo tàng Vĩnh Phúc

Bảo tàng Vĩnh Phúc (Ảnh – Bùi Hải Giang)

Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày hơn 20.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có 01 bảo vật quốc gia, 03 bộ sưu tập. Hệ thống trưng bày gồm trưng bày nội thất và trưng bày ngoài trời. Trưng bày nội thất có diện tích 1800m², trưng bày ngoài trời có diện tích 3000m².

Văn Miếu Vĩnh Phúc

Văn miếu Vĩnh Phúc (Ảnh – Phan Anh Hung)

Công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc hiện nay được khởi công xây dựng ngày 16/6/2012 tại khu gò Cháo, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, với diện tích 42,41 ha, là công trình văn hóa trọng điểm – biểu tượng cho truyền thống văn hiến, truyền thống hiếu học của tỉnh.

Chùa Hà Tiên

Chùa Hà Tiên (Ảnh – Nguyễn Hoàng Cường)

Chùa Hà Tiên được xây dựng từ năm Quý Mùi (1703), niên hiệu Chính Hòa thứ 24, đời vua Lê Hy Tông Duy Hiệp. Ngôi chùa trải qua nhiều thăng trầm lịch sử với những câu chuyện cổ xưa được lưu truyền đến mãi về sau. Không gian chùa hiện nay đã được trùng tu xây dựng lại với quy mô lớn, Qua Tam quan từ phía Đông Nam tới tả hữu môn, vòng quanh hành lang tới Tam Bảo, kiến trúc không gian mô phỏng tòa Bảo tháp 3 tầng. Từ sân lên đến chùa, phải bước qua 9 bậc thềm, gọi là “Cửu trùng”. Mái chùa uốn cong 4 góc, trên nóc có “Lưỡng Long Triều Nguyệt”. Phía sau là nhà thờ tổ, đối xứng hai bên có nhà tiếp khách và phòng trưng bày. Phật đường và nhà Mẫu cao lồng lộng, uy nghi, thể hiện sự vĩnh cửu, thanh tịnh và thiêng liêng. Mặt tiền sảnh là bộ cánh cửa bằng gỗ tứ thiết, chạm trổ công phu, phía trên đặt chấn song con tiện, bên dưới tạc phù điêu tứ quý cách điệu.

Đầm Vạc

Đầm Vạc (Ảnh – Son Nguyen)

Là một đầm tự nhiên tồn tại hàng nghìn năm nay, nơi đây là một phần phình to của ngòi Vĩnh Yên hay còn gọi là sông Cánh. Đầm có diện tích lên đến gần 500 ha, chu vi gần 14 km, lan tỏa ra 23 nhánh. Từ trên cao nhìn xuống xen kẽ giữa đầm nước và các cồn đất nổi như một con bạch buộc với các chiếc vòi đan xen lẫn nhau, có chiều nông sâu mỗi chỗ mỗi khác, nơi sâu nhất có thể đạt 4,5 m. Từ xưa đến nay, đầm Vạc được biết tới như là một nơi có không gian mây nước hữu tình và được người dân ở đây xem là nơi hội tụ của cái đẹp và thơ mộng trong vùng.

Phúc Yên

Hồ Đại Lải

Hồ Đại Lải (Ảnh – cungphuot.info)

Khu du lịch Đại Lải nằm ở Thành phố Phúc Yên, chỉ cách Hà Nội khoảng 40km, nằm gần chân dãy núi Tam Đảo. Toàn bộ khu vực này với trung tâm là hồ Đại Lải cùng những quần đảo nhỏ nằm trong lòng hồ, kết hợp với các quần thể rừng tự nhiên xung quanh biến Đại Lải thành một nơi vô cùng thích hợp cho các hoạt động nghỉ dưỡng.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Đại Lải (Cập nhật 12/2024

Chùa Báo Ân

Chùa Báo Ân thuộc phường Trưng Nhị, được xây dựng ở thế kỷ 12 đời vua Lý Cao Tông (1176 – 1210). Đây là một trong số ít ngôi chùa thời Lý còn lại đến ngày nay. Chùa làm trên một quả đồi cao, xưa gọi là rừng Cấm, cây cối xum xuê, bốn bề lộng gió, phong cảnh đẹp, tĩnh tại, đậm chất vi vu, u tịnh của chốn thiền tôn.

Chùa Tích Sơn

Ảnh – Chùa Tích Sơn

Tích Sơn vốn là một ngôi chùa cổ, là điểm đến tâm linh của người dân Vĩnh Phúc và nhiều du khách thập phương tìm về. Về thời gian xây dựng chùa Tích Sơn không có tài liệu nào ghi rõ, tuy nhiên thông qua kiến trúc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chùa được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê, đầu thời nhà Nguyễn và trải qua nhiều lần trùng tu. Chùa Tích Sơn có quy mô đồ sồ với nhiều kiến trúc nối liền nhau tất cả tạo nên một hệ thống chùa Tích Sơn thiêng liêng, bề thế. Đặc biệt phải kể đến bức tượng Phật A Di Đà bằng đồng nguyên khối cao 1 mét, ở tư thế ngồi thiền, trên tòa sen toát lên vẻ cân đối, hài hòa, thể hiện sự tinh xảo. Bên cạnh đó ở chùa Tích Sơn còn có một chuông đồng được đúc từ năm 1832 và một khánh đồng cổ với nhiều giá trị cao.

Bình Xuyên

Làng gốm Hương Canh

Làng gốm Hương Canh (Ảnh – Cuong Hoang)

Làng gốm Hương Canh nằm ngay bên đường quốc lộ 2, đã tồn tại cách ngày nay chừng 300 năm. Tương truyền, sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình Lê – Trịnh đã phái quan Nội Hầu Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng. Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phiêu bạt, những người hồi cư không kế sinh nhai. Ông Biền đã giúp dân phục hồi sản xuất và đem người đến đây làm nghề cang chĩnh. Khi mới ra đời, những sản phẩm của làng nghề còn khá đơn giản, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống hàng ngày như: chum đựng thóc, ngô, gạo, đỗ; chum đựng nước, nồi đất, ấm pha trà, vại làm tương, muối cà. Trải quan bao bước thăng trầm, những sản phẩm thô sơ của làng nghề này không còn được ưa dùng vì không còn phù hợp với thị hiếu của cuộc sống hiện đại và chưa tìm được nơi tiêu thụ.

Đình Hương Canh

Đình Hương Canh (Ảnh – Hiếu SS)

Đình Hương Canh làm thời Hậu Lê thế kỷ 17. Đây là ngôi đình có kiến trúc đồ sộ, chạm trổ tinh vi điêu luyện. Là một trong các ngôi đình độc đáo về mỹ thuật kiến trúc gỗ cổ dân gian, rất quý hiếm của tỉnh Vĩnh Phúc, của xứ Đoài và vùng đồng bằng – trung du Bắc bộ và đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian.

Đền thờ Trần Nguyên Hãn

Đền thờ Trần Nguyên Hãn (Ảnh – Độc Hành Nhân)

Đền thờ Trần Nguyên Hãn Tả Tướng Quốc, phò Lê Lợi diệt giặc Minh giải phóng đất nước thế kỷ 15. Đền được xây dựng trên một thế đất bằng phẳng, rộng cao, tương truyền chính là nơi đặt Phủ đệ cũ của Trần Nguyên Hãn. Đền được cấu trúc theo kiểu chữ “Đinh”, xung quanh có tường bao bọc tạo thành khuôn viên chữ “điền” vuông vắn.

Sông Lô

Tháp Bình Sơn

Tháp Bình Sơn (Ảnh – minh pham)

Tháp Bình Sơn, còn gọi là Tháp chùa Vĩnh Khánh hay Tháp Then, là một ngôi tháp cổ, tương truyền nguyên thủy có 13 tầng tuy hiện nay chỉ còn lại 11 tầng. Tháp được xây dựng từ thời Trần, nằm ở trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh. Là ngọn tháp tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý – Trần ở Việt Nam và là ngọn tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay, tháp Bình Sơn với hình khối thanh thoát, đường nét mềm mại, trang trí phong phú điêu luyện, là di tích lịch sử và di tích nghệ thuật có giá trị cao trên lãnh thổ Việt Nam.

Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức

Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức (Ảnh – Dang Tran Hoang)

Trúc lâm Tuệ Đức thuộc dòng thiền viện chính tông được được sáng lập bởi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức được xây dựng trên một địa thế đẹp tựa núi nhìn sông, xung quanh ngôi chính điện của Thiền viện được 03 quả núi bao quanh giống như chiếc ngai vàng bao bọc, từ ngôi chính điện này ta có thể nhìn thẳng ra Sông lô, và một chiếc Hồ lớn hình một ông Rùa đang cõng cả quả núi trên lưng.

Tam Đảo

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên

Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên là một trong những thiền viện lớn trong hệ thống Thiền phái Trúc Lâm (Ảnh – Tung Mai_S)

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam.

Chùa Tây Thiên

Chùa Tây Thiên trong quần thể danh thắng Tây Thiên (Ảnh – cungphuot.info)

Tây Thiên trước hết gắn với cửa Phật, ngay từ chính tên gọi địa danh. Phật đến núi Thạch Bàn từ tế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, lấy nơi ấy làm nơi trụ trì, từ đó núi mang tên Tây Thiên, là nơi các vị thiền sư đã xây thành Nê Lê và dựng tháp A Dục. Ngoài ra cái tên còn mang ý nghĩa là “nơi các nhà sư Tây Thiên (Ấn Độ) tu hành”, được đặt để ghi nhớ giáo đoàn đầu tiên từ Ấn Độ vào Việt Nam truyền đạo, được coi là một trong những nơi phát tích của Phật giáo Việt Nam và là nơi thờ tự chính Quốc Mẫu Tây Thiên, một trong hai vị Quốc Mẫu được sắc phong từ thời Hùng Vương dựng nước.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Tây Thiên (Cập nhật 12/2024)

Khu du lịch Tam Đảo

Thị trấn Tam Đảo là nơi có khí hậu mát mẻ, thoáng đãng (Ảnh – cungphuot.info)

Nằm ở phía Bắc huyện Tam Đảo, Tam Đảo được bao bọc bởi rừng nguyên sinh Quốc gia Tam Đảo, có khí hậu trong sạch, mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 18°C. Là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… Từ lâu đây đã là khu nghỉ mát nổi tiếng trong nước, mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng.

Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Tam Đảo (Cập nhật 12/2024)

Hồ Xạ Hương

Hồ Xạ Hương (Ảnh – Giang Hoàng)

Hồ Xạ Hương là một hồ nước ngọt, nhân tạo đặc biệt, hồ trên lưng núi tọa lạc tại thung lũng núi Con Trâu, thuộc làng Xạ Hương, xã Minh Quang. . Từ trên đỉnh núi Tam Đảo nhìn xuống mặt nước hồ Xạ Hương, hồ như một con chim phượng hoàng khổng lồ quyến rũ, xinh xắn, đang sải cánh chuyên chở màu xanh của nước, của rừng xuống miền xuôi vùng hạ lưu. Với lưu vực 24 km2 gồm bốn con suối lớn và hàng trăm khe nhỏ chảy vào lòng hồ quanh năm, giữ cho hồ Xạ Hương không bao giờ hết nước. Đây cũng là một trong những địa điểm cắm trại yêu thích của nhiều bạn khi tới Vĩnh Phúc.

Hồ Vĩnh Thành

Hồ chứa nước Vĩnh Thành (Ảnh – 권기운)

Hồ nằm dưới thung lũng thuộc dãy núi Con Voi, lòng hồ có diện tích khoảng 6 ha và độ sâu từ 15 – 20m. Từ trên đỉnh núi Con Voi nhìn xuống Hồ Vĩnh Thành có hình tam giác và được bao quanh bởi 1,5 km bờ đập. Hồ Vĩnh Thành có mặt nước trong xanh quanh năm, mặt hồ phẳng lặng như một chiếc gương khổng lồ soi chiếu cho những dãy núi cao và thảm thực vật xung quanh, tạo nên một khung cảnh nên thơ, trữ tình. Nơi đầu nguồn, trong thung lũng, lác đác những ngôi nhà mang đậm nét riêng của cảnh núi rừng.

Thác Vĩnh Ninh

Thác Vĩnh Ninh (Ảnh – NP Vlog)

Từ hồ nước Vĩnh Thành đi sâu vào trong lòng núi khoảng 1 km nữa các bạn sẽ tới đường vào thác Vĩnh Ninh, ở đầu đường vào có nhà dân để các bạn gửi xe. Thác phù hợp cho các hoạt động picnic, cắm trại nhất là trong những ngày nóng nực của mùa hè.

Thác Thậm Thình

Thác Thậm Thình (Ảnh – Tuy Nguyen)

Thác Thậm Thình nằm ở phía bên hồ Bản Long (đối diện bên kia dãy núi so với hồ Xạ Hương). Thác cao chừng 100m chia ra làm hai tầng rõ rệt, thác nước ầm ầm đổ xuống tung bọt trắng xóa như con rồng đang vươn mình trong núi rừng Tam Đảo.

Vĩnh Tường

Đình Thổ Tang

Đình Thổ Tang (Ảnh – Dinh Tuan)

Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất của tỉnh Vĩnh Phúc, đình được xây dựng từ thế kỷ 17, là nơi thờ cúng Lân Hổ Hầu đô thống Đại Vương – một vị tướng có công giúp vua Trần Nhân Tông đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược Việt Nam vào thế kỷ 12. Đình Thổ Tang hiện còn 21 bức chạm khắc gỗ, được thể hiện trên các thành phần kiến trúc: thân kẻ, thân bẩy, thân rường, nội dung phong phú, khái quát về quá trình lao động, làm ăn, hưởng thụ của cư dân nông nghiệp, của nhân dân thời Lê Trung hưng. Các bức chạm ở đây được sắp xếp theo thứ tự quá trình đó.

Chùa Tùng Vân

Chùa Tùng Vân (Ảnh – Giang Vo Minh)

Đây là ngôi chùa lớn với lịch sử hơn 320 năm tuổi được xây dựng từ đời vua Lê Huy Tông vào năm Chính Hòa thứ 7 (1686) để phục vụ đời sống tôn giáo của người dân địa phương và cả một vùng rộng lớn. Chùa được xếp hạng di tích Văn hóa quốc gia năm 1964 và nhận bằng di tích văn hóa quốc gia năm 1992. Trải qua những thăng trầm biến cố chùa được nhiều lần trùng tu và lần gần đây nhất là vào năm 2008. Chùa được xây dựng trên địa thế đẹp, bố cục theo kiểu chữ “quốc” có cây cối bao bọc xum xuê, với các hạng mục: Tam quan, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, nhà tổ, hành lang. Chùa Tùng Vân không bề thế, nhưng có kiến trúc đẹp, gồm 7 gian 2 dĩ, với hệ thống kết cấu hàng trăm cột gỗ và đá. Đây là kiểu kiến trúc hình chuôi vồ, 3 gian hậu cung, 7 gian tiền đường; là một trong những kiến trúc phật giáo tiêu biểu của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Đền Phú Đa

Đền Phú Đa (Ảnh – Minh Nghĩa Đỗ)

Với tuổi đời hơn 300 năm, đền đá Phú Đa là một trong những di tích lịch sử lâu đời nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Trải qua nhiều giai đoạn dài và có nhiều biến cố, nhưng ngôi đền vẫn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, giữ được những nét kiến trúc độc đáo, đậm chất văn hóa Việt cổ. Đền Phú Đa theo tư liệu hồi cố của các bậc cao niên được ghi chép lại trong hồ sơ di tích, được khởi dựng vào triều vua Lê Hiển Tông (1740-1786) niên hiệu Cảnh Hưng, trên diện tích mặt bằng 3 mẫu đất. Đền tọa hướng đông nam, với 3 tòa kiến trúc (Cổng đền, Đại bái và Từ đường), làm hình chữ tam (tính từ cổng vào) bằng vật liệu đá xanh và gỗ lim.

Đình Cam Giá

Đình Cam Giá xây năm 1811, thờ 2 vị thành hoàng là Cao Sơn đại vương và Cự Hải đại vương. Theo truyền thuyết, hai ông là Bộ tướng của Tản Viên Sơn Thánh có công đánh giặc Thục thời Hùng Vương và có công mở đất, âm phù, bảo hộ cho vùng đất Cam Giá. Hiện nay Đình Cam Giá đã mở cửa và đón nhiều du khách thập phương về chiêm bái, khi đến đây du khách có thể tham quan thêm mô hình sản xuất, các sản phẩm của làng mộc Bích Chu (An Tường). Đây là một ngôi làng nổi tiếng về kỹ thuật làm đồ gỗ với những nét chạm trổ, đục đẽo tinh xảo.

Đền Đuông

Đền Đuông (Ảnh – Dũng Phạm)

Đền Đuông được xây dựng trên một gò đất cao thuộc xã Bồ Sao, thờ Đông Hải Long Vương, con thứ 25 của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Nằm hài hoà với thiên nhiên, giữa những cánh đồng, đền Đuông có kiến trúc hình chữ Công. Hai toà tiền đường và hậu cung được nối với nhau bằng ống muống. Toàn bộ công trình có 48 cột, hình chum, phình ở giữa và thuôn hai đầu. Các cột đều kê trên đá tảng, chia làm 4 hàng vững chắc. Các kèo làm lối kẻ chuyền, bào trơn đóng bén. Thượng lương đặt trên giá chiêng. ống muống có cấu trúc hai tầng mái kiểu chồng diềm mỗi cạnh 6m nổi lên thành lầu chuông, lầu trống.

Du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng 10 pho tượng cổ còn lưu giữ được: Đông Hải Long Vương, Thụy Minh Thái phu nhân, Mục Trinh công chúa, quan văn, quan võ, lưỡng sư Đồ đồng có đỉnh và 4 cây đèn to cao, màu đen bóng. Đặc biệt, đền Đuông còn bảo tồn được 14 đạo sắc phong từ thời Cảnh Hưng (1745) đến đời vua Khải Định (1925) và cuốn ngọc phả ghi rõ về thần tích, lịch sử Đền.

Yên Lạc

Đền Gia Loan – Chùa Biện Sơn

Bảo tháp trong chùa Biện Sơn (Ảnh – Nguyễn Vượng)

Khu di tích đền Gia Loan – chùa Biện Sơn là quần thể di tích lịch sử văn hóa gắn liền với lễ hội sông Loan – núi Biện được tổ chức đầu xuân hàng năm nằm trên địa bàn thị trấn Yên Lạc. Đền Gia Loan nhìn xuống dòng sông Loan, là nơi phụng thờ sứ quân Nguyễn Khoan, vị tướng đã có công chiếm đóng và cai quản tại địa phương thời kỳ 12 sứ quân tranh hùng. Gò Đồng Đậu là nơi đặt tiền đồn canh gác cho thủ phủ sứ quân trên núi Biện. Chùa Biện Sơn nằm cách Đền Gia Loan khoảng 200m về phía Bắc do Nguyễn Khoan xây dựng tại thủ phủ. Đây là công trình kiến trúc Phật giáo đặc sắc với nhiều pho tượng Phật cổ, có tòa bảo tháp bằng đồng nguyên chất lớn nhất Việt Nam và lưu giữ nhiều xá lợi. Trong chùa có nhiều công trình kiến trúc có giá trị, mang đậm nét truyền thống kết hợp với hiện đại tạo thành hệ thống “thánh đường Phật giáo” khang trang và tôn nghiêm.

Di chỉ Đồng Dậu

Di tích khảo cổ học ở Đồng Dậu (Ảnh – Đào Anh Phúc)

Di chỉ Đồng Đậu là một khu di chỉ khảo cổ học ở gò Đậu, thôn Đông, thị trấn Yên Lạc. Tại đây, vào tháng 2 năm 1962, những di chỉ khảo cổ đầu tiên đã được phát hiện. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã tiến hành 6 đợt khai quật và phát hiện ra hàng ngàn hiện vật của 4 tầng văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn nằm chồng lên nhau lần lượt. Phát hiện này cho phép các nhà nghiên cứu khẳng định văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc bản địa.

Đền Thính

Đền Bắc Cung (Ảnh – Diện Nguyễn)

Đền Thính (hay còn gọi là đền Bắc Cung) nằm ở xã Tam Hồng. Đền thờ đức thánh Tản Viên (một trong tứ bất tử của tâm thức người Việt Nam). Theo truyền thuyết dân gian, Tản Viên Sơn Thánh là Sơn Tinh – con rể vua Hùng đã có công giúp vua cha chiến thắng thủy thần, đánh đuổi giặc ngoại bang xâm lấn bờ cõi, giữ vững ổn định biên cương Văn Lang.

Các món ăn ngon ở Vĩnh Phúc

Cháo se bánh hòn

Bánh hòn (Ảnh – Hà Phương)

Cháo se, bánh hòn có ở nhiều địa phương nhưng ngon nhất có lẽ là ở thị trấn Hương Canh. Để làm món này, người ta chia bột gạo thành 2 phần, một phần đem thổi xôi, một phần để sống và nhào cho đến khi không dính tay mới đem se cháo và nặn bánh. Nấu cháo se phải chọn loại thịt sao cho khi ăn vừa ngọt, vừa béo và không bị ngấy. Thông thường khi ăn, người ta cắn đôi miếng bánh rồi nhúng vào bát cháo để bánh có độ dẻo, dai hoặc thưởng thức món này cùng nước chấm.

Tép dầu

Tép dầu Đầm Vạc là món ăn chỉ có ở Vĩnh Yên (Ảnh – Anna Lee)

Tép dầu là sản vật ở đầm Vạc (thành phố Vĩnh Yên). Do sống trong đầm nước tự nhiên rộng nên thịt tép dầu đầm Vạc luôn có vị ngọt thanh, mặn mòi lẫn vị bùi bùi, hăng hăng hấp dẫn. Tép dầu đầm Vạc có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, nhưng hấp dẫn hơn cả vẫn là món tép dầu kho và tép dầu nấu canh.

Cá thính

Cá thính Lập Thạch (Ảnh – Loan Kim)

Cá thính là đặc sản của vùng ven sông Lô, đoạn chảy qua địa bàn huyện Lập Thạch và huyện Sông Lô. Cá thính được làm từ các loài cá nước ngọt (cá quả, cá diếc, cá mè, cá trôi…) ướp với thính để lên men chua và làm chín một cách tự nhiên. Khi chín, thịt cá có màu nâu sẫm. Người ta thường thưởng thức cá thính với các loại rau thơm, gia vị hoặc rán ăn cùng cơm.

Đậu rùa Tuân Chính

Nghề làm đậu rùa ở Tuân Chính được công nhận là làng nghề năm 2021 (Ảnh – Kim Ly)

Đậu rùa là đặc sản của làng Rùa (xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường). Đậu rùa có 2 loại: Đậu trắng và đậu nướng. Nguyên liệu làm đậu rùa là loại đỗ tương hảo hạng, hạt tròn, mẩy. Đây là món dễ ăn, đặc biệt là vào mùa hè, khi chấm với tương, nước mắm hoặc mắm tôm. Ngoài ra, món canh óc đậu, sữa đậu cũng vô cùng hấp dẫn và là những món không thể thiếu trong bữa cơm của người dân Vĩnh Phúc.

Bánh trùng mật mía

Bánh trùng mật mía (Ảnh – Trà Hương)

Đến nay, nhiều cụ già ở Vĩnh Tường cũng không còn nhớ bánh trùng mật mía có từ bao giờ mà chỉ nhớ là đã có từ rất lâu. Thứ bánh này được gọi là “anh em họ hàng” với bánh trôi, bánh chay mà chúng ta thường thấy vì có nguyên liệu, cách làm khá giống nhau. Chỉ khác nhau về phần kích cỡ và một số nguyên liệu khác để tạo nên hương vị riêng biệt cho bánh trùng mật mía. Trước kia, món bánh này chỉ dành cho những gia đình khá giả. Ngày nay món bánh trùng đã trở nên phổ biến hơn. Du khách ghé thăm vùng đất Vĩnh Tường có thể dễ dàng tìm kiếm và thưởng thức.

Vó cần Hương Canh

Món vó cần Hương Canh (Ảnh – Trần Ngọc Đông)

Rau cần Hương Canh giòn và thơm hơn các vùng khác rất nhiều nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp ở Bình Xuyên. Rau cần có thể xào, xấu canh vô cùng ngon, nhưng món ngon nổi tiếng của Hương Canh là nộm rau cần (hay còn gọi là vó cần).

Bánh nẳng

Bánh nẳng (Ảnh – yenhoang2388)

Báng Nẳng làm bằng gạo nếp cái hoa vàng. Gạo đãi sạch ngâm trong nước Nẳng một đêm. Để có nước Nẳng, người ta phải lấy các cành xoan tươi, cành bưởi tươi (cả lá), trã vừng, lá dáng, lá si, không thể thiếu tầm gửi cây dọc. Các loại cành lá trên đem đốt lấy tro. Hoà tro vào chậu nước, lọc lấy nước trong bỏ bã. Múc một bát nước để thử. Nhá dập miếng trầu dồi thả vào bát nước Nẳng. Nếu màu nước chưa đỏ tươi, phải hoà thêm tro vào. Nếu nước Nẳng đỏ thậm thì phải hoà thêm nước lã cho đỏ bớt để có đỏ tươi màu cờ. Dùng nước Nẳng để ngâm gạo, ngâm qua đêm, vớt gạo ra để dóc nước cho khô rồi gói bằng lá chít đã luộc và rửa sạch. Luộc bánh trong dăm sau tiếng đồng hồ vớt ra bóc thấy hạt gạo nhừ trong suốt dính vào nhau vàng như sáp ong là được.

Bánh gạo rang

Bánh gạo rang Tiên Lữ (Ảnh – Thu Thủy)

Bánh gạo rang cũng làm bằng gạo nếp hoa vàng. Gạo ngâm trong nước quả vàng dành cùng ruột cỏ bấc đèn, cây dáy và tro cây vừng đốt ra. Ngâm trong ba ngày, vớt gạo để khô cho vào chõ xôi lên. Xôi chín đem trộn đều với mỡ lợn, rải ra nia rồi dùng vồ nhẵn bôi mỡ đập đi đập lại trong vài giờ cho hạt xôi bẹt ra. Sau đó lại phơi khô, đem vào trong bóng dâm để nguội rồi lại trộn mỡ lợn đổ vào chảo rang cho nổ bung ra. Đun sôi mật, nhúng đũa kéo lên thấy mật đỏ mới đổ gạo rang vào đun, quấy đều rồi đổ ra, dàn mỏng trong mâm hoặc thớt, ván nhẵn. Dùng đoạn cây tròn nhẵn lăn đi lăn lại cho bánh lèn chặt. Dùng thước và dao sắc cắt thành từng cái bánh to, nhỏ theo ý muốn rồi đem gói trong giấy bóng kính.

Bánh chưng Diệm Xuân

Bánh chưng Diệm Xuân (Ảnh – Nguyễn Lượng)

Nghề gói bánh chưng xuất hiện ở làng Diệm Xuân (Vĩnh Tường) vào khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Khi ấy, người dân thường gói những chiếc bánh chưng nhỏ để bán cho khách đi tàu nghỉ ở ga Bạch Hạc. Nhiều khách hàng còn mua thêm bánh về để làm quà, lượng hàng bán được nhiều thành thử người gói bánh cũng đông dần lên. Dần dần, người dân không chỉ gói bánh bán ở ga tàu nữa mà còn tỏa đi các chợ để bán, lấy đó làm nghề kiếm kế sinh nhai. Trải qua nhiều thế hệ đúc kết, tích lũy, người làng Diệm Xuân có bề dày kinh nghiệm gói bánh chưng. Bánh chưng của làng Diệm Xuân rất xanh, dền, thơm, ăn có vị bùi, béo nhưng không ngậy, rất hấp dẫn.

Su su Tam Đảo

Ngọn su su (Ảnh – cungphuot.info)

Tam Đảo không chỉ có khí hậu mát mẻ, nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn mà thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp với trồng rau Su Su. Một điều đặc biệt là Su Su trồng ở thị trấn Tam Đảo sau khi chế biến vẫn giữ được màu xanh tự nhiên, độ giòn, vị ngọt và hương thơm đặc trưng, không giống với bất kỳ vùng, miền trồng Su Su nào khác, quả Su Su cũng vậy. Rau, quả Su Su luộc chấm với muối vừng, muối lạc là món khai vị ưa thích trong tất các các mâm cỗ dù là người bình dân hay khách hàng sang trọng. Trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Tam Đảo không thể không có món rau Su Su xào hoặc luộc.

Cá bống suối Tam Đảo

Cá bống kho Tam Đảo (Ảnh – cungphuot.info)

Dân Tam Đảo sử dụng phương pháp đắp đập chăn nuôi để phát triển cá bống suối tự nhiên. Cá bống được lựa chọn để chế biến món ăn là cá bống cát, to bằng món tay, mình tròn lẳn, chắc mẩy, màu vàng nhạt hoặc vàng ươm. Ngày nay, không phải nơi nào cũng tìm được cá bống cát, do đó được thưởng thức loại cá này ở Tam Đảo là một trải nghiệm nên có của thực khách tứ phương. Cá bống cát có thể chế biến thành rất nhiều món khác nhau, món nào cũng hấp dẫn nhờ vị thơm ngọt của thịt cá.

Đặc sản Vĩnh Phúc làm quà

Trà hoa vàng

Trà hoa vàng Tam Đảo (Ảnh – Mai Liên)

Trà hoa vàng (kim hoa trà) là loài cây cảnh đẹp với sắc vàng kiều diễm đồng thời là cây thuốc quý. Nếu như ở Việt Nam có 24 loại trà hoa vàng thì riêng Vườn quốc gia Tam Đảo đã có tới 8 loại. Các hợp chất của trà hoa vàng giúp kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u, giảm lượng cholesterol trong máu, giảm xơ vữa động mạch, điều hòa huyết áp và các bệnh tim mạch, tiểu đường… Nhờ được trồng, chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt và sản xuất trên dây chuyền hiện đại bằng công nghệ sấy khô nhiệt lạnh nên trà hoa vàng luôn giữ được hương vị tự nhiên và dưỡng chất.

Thanh long Lập Thạch

Giống thanh long ruột đỏ được trồng ở Lập Thạch (Ảnh – Thế Hùng)

Được trồng và phát triển hơn 10 năm nay trên vùng đất đồi Lập Thạch, thanh long ruột đỏ được ví như cây vàng cho trái ngọt, giúp những người nông dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế gia đình ngay tại quê nhà. Với vị ngọt đậm, thơm mát hơn một số loại thanh long được trồng ở các nơi khác, thanh long ruột đỏ Lập Thạch không chỉ được người dân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh biết đến mà nó được xuất khẩu sang cả thị trường nước ngoài.

Gạo Long Trì

Gạo Long Trì được bắt nguồn từ thôn Long Trì, thị trấn Hợp Hòa, Tam Dương. Đây là khu vực có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng và riêng biệt, bởi vậy đã tạo nên những hạt gạo trắng trong, thơm ngon và có mùi vị khác biệt so với các loại gạo khác. Giống lúa được trồng trên cánh đồng Long Trì có ưu điểm là gạo đều, ít tấm, khi xay xát không gãy, hạt gạo trắng trong, nhỏ, bóng, có mùi thơm. Gạo được nấu thành cơm không dính, hạt cơm rất dẻo, dai, vị đậm, thơm nhẹ đặc trưng.

Dứa Tam Dương

Tam Dương là huyện trồng nhiều dứa nhất Vĩnh Phúc. Các loại dứa ở đây đều có đặc trưng riêng như dứa mật nhiều nước và rất ngọt. Dứa mỡ gà ruột màu vàng nhạt, vị chua. “Dứa Hướng Đạo” quả nhỏ, ruột dòn, vị ngọt mà dốt dốt chua, ăn ngon nhất.

Lịch trình khám phá Vĩnh Phúc

Trong các điểm du lịch hấp dẫn của Vĩnh Phúc, Tam Đảo là nơi nổi tiếng nhất bởi khí hậu mát mẻ (Ảnh – cungphuot.info)

Hà Nội – Tây Thiên – Tam Đảo

Ngày 1: Hà Nội – Tây Thiên – Tam Đảo

Từ Hà Nội các bạn xuất phát sớm đi Tây Thiên, khu vực này sẽ có chùa Tây Thiên và Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên.Khoảng 2 tiếng kể từ thời gian xuất phát sẽ lên tới chùa Tây Thiên, mua vé cáp treo để lên trên đỉnh cho nhanh. Nếu có nhiều thời gian, các bạn có thể leo núi để lên chùa, mang theo đồ ăn đi để ăn luôn dọc đường cho tiện.

Chiều xuống núi, từ chùa Tây Thiên quay ngược lại đi lên thăm Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên. Thời gian ở đây khoảng 1 tiếng là tương đối thoải mái với những bạn chỉ ghé tham quan, nếu quan tâm tới Phật Giáo và Thiền Tông, các bạn có thể dành thêm thời gian để tìm hiểu.Từ Tây Thiên, chạy thẳng lên Tam Đảo nhận phòng nghỉ ngơiTối lang thang quanh thị trấn thưởng thức đồ nướng trong tiết trời se lạnh của Tam Đảo.

Ngày 2 : Tam Đảo – Hà Nội

Sáng dậy ăn sáng, làm ly cafe giữa tiết trời lạnh. Tiếp tục ghé Thác Bạc, Nhà thờ, nếu thích vận động có thể leo Tháp truyền hình, đền Bà Chúa Thượng Ngàn. Trưa ăn trưa, trả phòng khách sạn rồi khởi hành về lại Hà Nội.

Hà Nội – Đại Lải 1 ngày

Sáng xuất phát từ Hà Nội, khoảng 1 tiếng di chuyển các bạn sẽ lên tới khu vực hồ Đại Lải. Các bạn đi theo nhóm đông có thể mang theo lều trại, bàn ghế các kiểu để tổ chức camping bên lòng hồ, nhớ tìm các vị trí có nhiều cây cối cho mát mẻ.

Nếu thích tham quan Flamingo các bạn có thể mua vé vào đây, thường vé cũng sẽ bao gồm bữa trưa đi kèm, dịch vụ xe điện đi lại trong khu resort, tham quan một vài địa điểm trong đây luôn.

Tương tự như vậy với Đảo Ngọc, các bạn cũng có thể mua vé thuyền + vé tham quan để vui chơi trên đảo. Trên đảo cũng có một khu công viên nước, khá phù hợp với nhóm gia đình có nhiều trẻ em đi cùng.

Nếu không thích vào các địa điểm này để tham quan, các bạn có thể tự do bơi lội trên lòng hồ (trong các khu vực đã được quy định an toàn), kiếm một chiếc xe đạp dạo quanh hồ hay chèo thuyền kayak.

Chiều tối từ Đại Lải thu dọn đồ đạc, về lại Hà Nội kết thúc chuyến đi.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Vĩnh Phúc 2024
  • du lịch Vĩnh Phúc tháng 12
  • tháng 12 Vĩnh Phúc có gì đẹp
  • review Vĩnh Phúc
  • hướng dẫn đi Vĩnh Phúc tự túc
  • ăn gì ở Vĩnh Phúc
  • phượt Vĩnh Phúc bằng xe máy
  • Vĩnh Phúc ở đâu
  • đường đi tới Vĩnh Phúc
  • chơi gì ở Vĩnh Phúc
  • đi Vĩnh Phúc mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Vĩnh Phúc
  • homestay giá rẻ Vĩnh Phúc

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 47 bình chọn và điểm trung bình là 4.9

Chưa có đánh giá nào