13 món đặc sản ở đất Đền Hùng, Phú Thọ

13 món đặc sản ở đất Đền Hùng, Phú Thọ

Cùng Phượt – Khi đến Phú Thọ đi giỗ Tổ, bạn đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản ở đất Đền Hùng của vùng đất Phú Thọ nhé.

Ảnh: Vikvik68.

Thịt chua Thanh Sơn: Thịt chua sử dụng thịt lợn tươi sống ướp trong thính gạo cho thành phẩm chín tự nhiên. Đây vốn là đặc sản của người dân tộc Mường ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Món thịt chua có thể ăn kèm với lá ổi, đinh lăng, lá sung… là món nhậu rất được yêu thích.

Ảnh: Nothin2los.

Bánh tai: Bánh tai còn gọi là bánh hòn, có hình dáng giống cái tai, được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn, và một số nguyên liệu đặc biệt khác. Đa phần du khách khi tới Phú Thọ đều rất muốn ăn thử bánh tai bởi vị đặc biệt ăn nhiều cũng không ngán.

Ảnh: Dacsanthonque.

Trám om kho cá: Trám om kho cá là món đặc sản có mùi vị rất đặc biệt của Phú Thọ. Món ăn là sự kết hợp chua ngọt bùi chát đủ cả, nên khi ăn thử một lần đa số sẽ ấn tượng khó quên.

Ảnh: Dulich5chau.

Rêu đá: Rêu đá là món đặc sản độc đáo mà không phải ai cũng biết khi đến Phú Thọ. Rêu đá mọc ở nơi sông suối chảy xiết, là một loại rau sạch, ăn ngon nhất vào mùa xuân, có thể chế biến bằng nhiều cách như luộc, xào me, làm nộm, hoặc nướng…

Ảnh: Đỗ Thảo.

Cọ ỏm: Quả cọ khi chín chuyển dần mầu nâu đen, cũng là thời điểm người dân thu hoạch. Để làm được cọ ỏm ngon cần có kinh nghiệm và căn thời gian hợp lý, đây là món đặc sản được du khách quan tâm nhất khi đến mùa lễ hội Đền Hùng Phú Thọ.

Ảnh: Dongbac.

Xáo chuối: Món xáo chuối có thể coi là món ăn cổ truyền của người dân Phú Thọ, thường phải có trong dịp cưới hỏi, lễ tết.

Ảnh: Phuthopost.

Xôi nếp gà gáy: Nếp Gà gáy chỉ ngon và đạt năng suất cao khi trồng ở đất pha cát, nước từ khe suối chảy ra, khi chín hạt thân dài và to. Khi đồ xôi để ngon thì gạo phải được đãi sạch, không cần ngâm nước lâu nhưng xôi vẫn dẻo, mềm, thơm.

Ảnh: Lthnhung2410.

Bưởi Đoan Hùng: Thêm một đặc sản nổi tiếng của Phú Thọ, loại bưởi trồng ở vùng Đoan Hùng, Phú Thọ có vị thơm ngọt, tép trắng đều, cùi mỏng, mọng nước. Bưởi Đoan Hùng là món quà mà rất nhiều du khách quan tâm mua về làm quà mỗi dịp tới Phú Thọ.

Ảnh: Bizlife.

Cá Anh Vũ: Được mệnh danh là “Cá Tiến Vua”, loại cá này có thịt cực kì thơm ngon, thường xuất hiện ở ngã ba sông Bạc Hạc, Việt Trì, Phú Thọ. Ngày nay cá Anh Vũ trong tự nhiên rất hiếm, bạn chỉ có thể mua cá nuôi nhân tạo nhưng mức giá cũng rất cao, thường từ 800-900 nghìn đồng/kg, ngày lễ tết giá còn cao hơn.

Ảnh: Baophutho.

Cơm nắm lá cọ: “Dù ai đi ngược về xuôi – Cơm nắm lá cọ là người Phù Ninh.” Câu ca dao đã đủ để nói lên món ăn độc đáo của người Phù Ninh ở Phú Thọ, cơm được nấu chín, sau đó xới ra nắm tròn, rồi được lăn qua tàu lá cọ non, khi ăn chấm với muối vừng, muối sả, sườn lợn rang muối cho vị ngon nhớ mãi.

Ảnh: Đỗ Thảo.

Rau sắn: Không chỉ có củ sắn, lá sắn nếu chế biến chuẩn cũng là một loại rau ngon, món đặc sản của người Phú Thọ. Bạn có thể đem rau sắn muối, với vị chua chua ngọt ngọt đặc trưng không lẫn đâu được, đây là món đang ngày càng trở nên quen thuộc hơn với du khách tới Phú Thọ.

Ảnh: Baophutho.

Mỳ gạo Hùng Lô: Người dân ở Hùng Lô, Việt Trì, Phú Thọ vốn có truyền thống với nghề bún, miến. Thời gian gần đây, nhờ có sự kết hợp giữa công nghệ sản xuất mới với công thức cổ truyền, đã tạo nên những sợi nhỏ, dai, sạch trắng,…

Ảnh: Tintucphutho.

Tằm cọ: Đây là món rất độc đáo và đặc trưng của người dân trồng cọ ở Phú Thọ, mặc dù không phải ai cũng dám ăn thử. Vị tằm cọ béo ngậy, ngon đậm đà, là món ăn khá hiếm bởi công đoạn nuôi tằm và chế biến cầu kì, tuy nhiên khi thử một lần bạn sẽ nhớ mãi không quên.

An Ngọc
Theo Zing News

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 77 bình chọn và điểm trung bình là 4.7

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Phú Thọ

PHÚ THỌ

Vị trí Phú Thọ trên bản đồ Việt Nam

Phú Thọ là tỉnh thuộc vùng đông bắc Việt Nam. Phía bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Yên Bái, phía đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội, phía tây giáp tỉnh Sơn La, phía nam giáp tỉnh Hòa Bình. Phú Thọ là tỉnh nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội.

Bạn có biết: Phú Thọ được coi là vùng Đất tổ cội nguồn của Việt Nam. Tương truyền tại nơi đây các vua Hùng đã dựng nước nên nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên của Việt Nam, với kinh đô là Phong Châu.

  • Diện tích: 3.533,4 km²
  • Dân số: 1.351.000 người
  • Vùng: Đông Bắc
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, 11 huyện
  • Mã điện thoại: 210
  • Biển số xe: 19