Các địa điểm du lịch ở Gia Lai

Các địa điểm du lịch ở Gia Lai (Cập nhật 12/2024)

✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 19 tháng 12 năm 2024

Cùng Phượt – Đến khám phá Gia Lai từ lâu đã được coi là một trải nghiệm độc đáo với du khách từ khắp mọi nơi bởi vùng đất này có nhiều nét quyến rũ, hấp dẫn vô cùng. Các địa điểm du lịch ở Gia Lai phong phú, đa dạng với nhiều cảnh quan tự nhiên từ rừng núi, ghềnh thác suối hồ, hệ động thực vật nguyên sinh còn nhiều bí ẩn.  Ngoài ra, Gia Lai cùng với các vùng đất khác ở Tây Nguyên còn hấp dẫn du khách bởi những mùa hoa cà phê, hoa dã quỳ, hoa muồng…

Gia Lai là vùng đất có rất nhiều thác nước đẹp, còn nguyên vẻ hoang sơ (Ảnh – thanhlocgp)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả thanhlocgp, Khoa Lê, Tuan Anh Vu, Bac Giang LE, Pavlo Karatieiev, Phan Thị Thu Minh, lowwyn, Văn Tùng Đặng, viphuynh, Vagabond Nguyễn, Võ Phương Thảo, Ngọc Thu, phan dien, Ngọc Minh, Xuyên Việt Ba Miền, Nguyễn Trung Kiên, Thi Ròm, Huy Hoàng, Kiet Nguyen The Tuan, tee_nnt, Nguyen Hong Thien, Hoàng Quốc Vĩnh, Trần Ngọc Hiếu, Lam Son Ha, Hải Lê, Đông Phú, Halim Karnadi, Nguyen Hong Thien, Nhân Lê, Hoa Carol, Thắng Cảnh Gia Lai, Phạm Anh Tuấn, Hoàng Văn, Khanh Nguyễn Văn nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Thành phố Pleiku

Biển Hồ

Biển Hồ là một địa điểm không thể bỏ lỡ khi đến với phố núi Pleiku (Ảnh – cungphuot.info)

Hồ T’nưng (cách viết khác là Hồ Tơ Nuêng, hồ Tơ Nưng) hay Biển Hồ hoặc hồ Ea Nueng là một hồ nước ngọt nằm ở phía tây bắc thành phố. Theo các nhà khoa học thì hồ T’Nưng chính là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu năm qua. Hồ có hình bầu dục, độ sâu trung bình từ khoảng 12 đến 19 m. Hồ T’Nưng là một trong những hồ đẹp nhất ở Tây Nguyên. khi gió to thường có sóng lớn nên mới gọi là biển hồ. Còn người địa phương gọi là T’Nưng, có nghĩa là “biển trên núi”.

Công viên Đồng Xanh

Công viên Đồng Xanh, Pleiku (Ảnh – Khoa Lê)

Đây là một không gian văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của vùng Bắc Tây Nguyên với nhiều công trình văn hóa, tâm linh hoành tráng giữa không gian thiên nhiên bao la như: cây hóa thạch hàng ngàn năm tuổi, đền Thờ Vua Hùng, Vua Lửa, Vua Nước, chùa Một Cột, công viên Bách thảo… Bên cạnh đó, du khách còn được tìm hiểu và khám phá những nét độc đáo pha chút huyền bí của văn hóa Tây Nguyên qua mô hình kiến trúc nhà mồ, nhà rông, nhà dài; qua truyền thuyết kết hợp với những hoa văn, họa tiết được tổng hợp và cách điệu trên biểu tượng Đài cảnh Tây Nguyên.

Chùa Minh Thành

Chùa Minh Thành có kiến trúc đẹp và rất ấn tượng (Ảnh – cungphuot.info)

Chùa Minh Thành được xem là điểm tham quan hấp dẫn của thành phố Pleiku. Đây là công trình đậm đà bản sắc dân tộc được hoàn thành dựa trên các kiến trúc thời Lý, Trần. Chùa Minh Thành được coi là một công trình tiêu biểu cho việc phục dựng hình ảnh kiến trúc cổ Việt Nam.

Nhà thờ Pleichuet

Nhà thờ này lớn gấp 5 lần so với một nhà rông thông thường (Ảnh – Tuan Anh Vu )

Nhà thờ Pleichuet nằm trên đường Trương Định, phường Thắng Lợi, trung tâm thành phố Pleiku. Mang dáng dấp nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, nhà thờ không chỉ là nơi sinh hoạt của người dân địa phương mà còn là điểm tham quan du khách nên ghé thăm khi có dịp đến đại ngàn Gia Lai.

Nhà lao Pleiku

Bên trong khu di tích nhà lao Pleiku (Ảnh – Bac Giang LE)

Nằm trên đường Thống Nhất thuộc phường Ia Kring, đây là nơi giam giữ tù chính trị trong chiến tranh và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994

Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Bảo tàng tỉnh Gia Lai (Ảnh – Pavlo Karatieiev)

Bảo tàng lưu giữ gần 7.000 đầu hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị cao về văn hoá truyền thống như: bộ sưu tập cồng chiêng, trống lớn của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar, ché cổ quý hiếm, và nhiều hiện vật có giá trị thể hiện một cách chân thực nhất các đặc trưng văn hoá của cộng đồng hai dân tộc Bahnar và Jarai.

Các khách sạn được đánh giá tốt nhất ở Gia Lai

KHÁCH SẠN Khách Sạn Minh Mạnh
Địa chỉ: 90a Lý Nam Đế, P.Trà Bá, Thành phố Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: 0269 3871 777
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

CĂN HỘ RIÊNG The Stay Apartment Pleiku
Địa chỉ: 34 Phù Đổng, Thành phố Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: 097 546 00 15
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Hotel Nguyên Phước
Địa chỉ: 832 Lê Duẩn, Chư á, Thành phố Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: 097 815 18 15
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

NHÀ NGHỈ Nhà nghỉ Tiến Đạt
Địa chỉ: 69 Trường Chinh, Tổ 10, Thành phố Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: 098 897 70 87
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

KHÁCH SẠN Khách sạn Hoài Thương
Địa chỉ: 113 Trường Chinh, P.Trà Bá, Thành phố Pleiku, Gia Lai
Điện thoại: 093 333 13 43
Xem giá phòng ưu đãi từ: đặt phòng với agoda đặt phòng với booking

Làng Plei Ốp

Làng du lịch Pleiop (Ảnh – Phan Thị Thu Minh)

Ở trung tâm thành phố Pleiku, nhiều năm nay Plei Ốp vẫn giữ được vẻ đẹp đặc trưng của một làng Jrai bản địa. Người dân Plei Ốp đã phát huy lợi thế này để phát triển du lịch, giúp tăng thu nhập và giữ gìn, quảng bá văn hoá Jrai.

Quảng trường Đại Đoàn Kết

Quảng trường Đại Đoàn Kết (Ảnh – cungphuot.info)

Nằm giữa trung tâm thành phố với khuôn viên rộng 12 ha, đây được xem là trái tim của người dân phố núi Pleiku nói riêng và niềm tự hào của người dân tỉnh Gia Lai nói chung. Công trình được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đạt 3 kỷ lục Việt Nam đó là tượng đài Bác Hồ lớn nhất Việt Nam, bức phù điêu bằng đá lớn nhất Việt Nam và dàn Cồng Chiêng bằng đồng lớn nhất Việt Nam.

Học viện bóng đá HAGL

Học viện bóng đá HAGL (Ảnh – cungphuot.info)

Đây là một học viện bóng đá đầu tiên ở Việt Nam thuộc sự quản lý của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, khi mới thành lập có hợp tác với CLB Arsenal (hiện tại đã kết thúc). Nhiều cầu thủ nổi tiếng của Việt Nam đã xuất thân từ lò đào tạo này.

Đập Tân Sơn

Đập Tân Sơn (Ảnh – lowwyn)

Hồ thủy lợi Tân Sơn thuộc địa phận xã Nghĩa Hưng, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 25km về hướng Bắc. Đập thủy lợi này nằm trên một ngã rẽ của con đường đến núi lửa Chư Đăng Ya, được xây dựng từ năm 2007 và chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2010.

Đỉnh núi Hàm Rồng

Núi Hàm Rồng (Ảnh – Văn Tùng Đặng)

Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 11 km về phía Nam, núi Hàm Rồng được xem là một di sản địa chất quý của tỉnh. Núi còn được gọi với tên là núi Chư Hơ Đông hay núi Hòn Rồng.

Chư Păh

Núi lửa Chư Đăng Ya

Núi lửa Chư Đăng Ya (Ảnh – cungphuot.info)

Tên ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động hàng triệu năm theo tiếng địa phương nghĩa là “củ gừng dại”, thuộc làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya và cách TP Pleiku khoảng 30 km về phía bắc. Ngọn núi lửa này sẽ đẹp nhất khi các bạn tới đây vào mùa hoa dã quỳ.

Đỉnh núi Chư Nâm

Chư Nâm được nhiều bạn trẻ thích leo núi khu vực Tây Nguyên tìm đến khám phá (Ảnh – viphuynh)

Chư Nâm là dãy núi thuộc địa phận xã Chư Đăng Ya. Đứng từ trên đỉnh Chư Nâm nhìn xuống, vẻ đẹp của bình nguyên xanh thẳm trải rộng bên dưới khiến chúng tôi lặng người. Cánh đồng chia thành những ô nhỏ pha nhiều gam màu như một bức tranh thu tĩnh lặng. Nhưng chính cái tĩnh lặng ấy lại làm xáo động tâm tư những lữ khách tự do. Cũng từ đây, bạn sẽ thấy núi lửa Chư Đăng Ya chỉ như một anh chàng tí hon đứng cạnh gã khổng lồ. Mọi người có thể chiêm ngưỡng kỳ quan núi lửa này từ độ cao và từ nhiều chiều hướng khác nhau, mà nếu không lên tới đỉnh Chư Nâm, sẽ khó được trải nghiệm.

Giáo đường H’Bâu

Nhà thờ giờ chỉ còn là một phế tích, nằm dưới chân núi lửa (Ảnh – cungphuot.info)

Giáo đường H’Bâu được xây dựng từ năm 1909, là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Gothic của Pháp với kiến trúc nhà sàn đặc trưng của Tây Nguyên. Ở mặt trước nhà thờ, dù đã khá mờ nhưng vẫn có thể đọc được dòng chữ Hán ghi lại năm xây dựng: Kỷ Dậu niên. Trải qua hơn 100 năm lịch sử, chiến tranh, mưa nắng… tàn phá, nhà thờ H’Bâu ngày nay chỉ còn giữ được một phần tháp chuông và mặt trước.

Thủy điện Ia Ly

Nhà máy thủy điện Ia Ly (Ảnh – Vagabond Nguyễn)

Được xây dựng trên dòng Sê San, đây là nhà máy có quy mô lớn nhất miền Trung Tây Nguyên được thiết kế, xây dựng với kiến trúc đẹp, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và hữu tình với nhiều hạng mục như đập tràn xã lũ, đạp nước, đài tưởng niệm, cửa nhận nước, nhà máy ngầm nằm dưới mặt đất gần 300m… Thác Ia Ly nổi tiếng ngày xưa, nay được thay bằng cảnh đẹp của đập dâng, đập tràn xả lũ và một hồ nước rộng lớn trong xanh nằm giữa núi rừng Tây Nguyên.

Làng Plei Phung

Nhà Rông làng Plei Phung (Ảnh – Võ Phương Thảo)

Làng Phun thuộc xã Ia Mơ Nông, cách thành phố Pleiku khoảng 35km đi theo hướng Kon Tum. Giữa làng là ngôi nhà rông cao vút nơi mà mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng đều diễn ra tại đây. Đến với làng Phung du khách có thể hiểu hơn về cuộc sống văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Jrai hoang sơ, mộc mạc giữa đại ngàn.

Thác Công Chúa

Thác Công Chúa có vẻ đẹp hoang sơ (Ảnh – Ngọc Thu)

Nhẹ nhàng và êm đềm như chính cái tên của mình, thác Công Chúa (làng Mơng, xã Ia Mơ Nông) e ấp, ẩn mình dưới chân núi, chảy nhẹ nhàng bên cạnh một con dốc đứng, dịu dàng chảy qua các phiến đá… đã níu chân du khách bằng sự yên bình.

Biển Hồ Chè

Biển Hồ Chè (Ảnh – cungphuot.info)

Nằm trên bờ Bắc Biển Hồ, gọi là Biển Hồ chè bởi đó là sự kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và nương chè bạt ngàn. Đồi chè ở đây chỉ cách thành phố Pleiku khoảng 13 km, nằm trên địa phận huyện Chư Pah. Đây cũng chính là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai, hình thành từ những năm 20 thế kỷ trước.

Chùa Bửu Minh

Chùa Bửu Minh (Ảnh – cungphuot.info)

Tọa lạc tại xã Nghĩa Hưng, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 15km về phía Bắc, chùa Bửu Minh là một trong những ngôi chùa lâu đời tại Gia Lai. Sau nhiều lần trùng tu đến nay chùa Bửu Minh là ngôi chùa có kiến trúc hiện đại, kết hợp hài hòa giữ lối kiến trúc miền Bắc, miền Trung và kiểu dáng chùa Nhật Bản. Chùa có một số di vật quý như tượng Phật Chăm Pa bằng sa thạch cùng nhiều tượng, chuông, mõ quý. Chùa tọa lạc trong không gian xanh mát, giữ bao la đồi chè, hàng thông trăm tuổi trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút du khách.

An Khê

Di tích Tây Sơn Thượng Đạo

Khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo (Ảnh – phan dien)

Nằm cách trung tâm thành phố 90 km theo quốc lộ 19, trải rộng trên địa bàn thị xã An Khê và các huyện K’Bang, Kông Chro. Quần thể gồm sáu di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ: “Hòn đá Ông Nhạc” ở làng Đê Chơgang, xã An Phú; “Sa khổng lồ, Giếng Ông Nhạc”; “Kho bạc Ông Nhạc” ở xã Yang Nam, huyện Kông Chro; “Cánh đồng Cô Hầu”; “Núi Hoàng Đế” ở xã Nghĩa An, huyện K’Bang; “Lũy Ông Nhạc, Gò Chợ, An Khê đình, An Khê trường, Hòn Bình, Hòn Nhược”… nằm trên địa bàn xã An Khê.

Hố Trời

Hố Trời là một cụm gồm 14 ghềnh thác, nằm giữa hai hẻm núi có chiều dài 1,5-2 km. (Ảnh – Ngọc Minh)

Hố Trời là một cụm gồm 14 ghềnh thác, nằm giữa hai hẻm núi có chiều dài 1,5-2 km, được bao bọc bởi núi rừng xanh ngát. Trong hệ thống 14 ghềnh thác có thác số 2 cao gần 70 mét rất hùng vĩ. Với thế dựng đứng nên khi đứng từ trên đỉnh nhìn xuống hoặc từ chân thác ngước lên đều có cảm giác thăm thẳm trời cao, hun hút vực sâu. Có lẽ vì thế mà người dân đặt cho địa danh này là Hố Trời. Hố Trời bắt nguồn từ 2 dòng suối Nước Bon chảy xuôi về huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Khu du lịch sinh thái Suối Đá

Khu sinh thái Suối Đá (Ảnh – Xuyên Việt Ba Miền)

Khu du lịch sinh thái Suối Đá thuộc địa phận xã Chư Băh, Ayun Pa là điểm du lịch dã ngoại, khám phá thiên nhiên không thể thiếu của người dân thị xã Ayun Pa mỗi dịp cuối tuần. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, khu du lịch sinh thái này còn thu hút khá đông du khách từ khắp nơi đến tham quan, khám phá mỗi dịp nghỉ lễ.

Chư Prông

Thác Hai Tầng

Thác Hai Tầng (Ảnh – Nguyễn Trung Kiên)

Khác với vẻ kỳ vĩ của thác Phú Cường (huyện Chư Sê) hay thác Chín Tầng (huyện Ia Grai), thác Hai Tầng mang một nét đẹp mộc mạc mà quyến rũ. Từ trung tâm Tp Pleiku đến thị trấn Chư Prông, ngang qua hồ Bàu Cạn, ta sẽ gặp con đường đất đối diện với Trường Mầm non Ia Phìn, từ đây rẽ trái thêm một đoạn sẽ nghe được âm thanh ì ầm của dòng nước đang đổ xuống của thác Hai Tầng. Hai bên đường bạt ngàn những vườn cà phê xanh mướt. Xe máy có thể chạy thẳng đến đầu thác, nhưng nếu di chuyển bằng ô tô thì phải đậu ở bãi đất trống cách đó 200 m rồi đi bộ vào.

Thác Xung Khoeng

Thác Xung Khoeng (Ảnh – Thi Ròm)

Cách trung tâm huyện Chư Prông chừng 2 km, thác Xung Khoeng (xã Ia Drăng) nằm lọt thỏm giữa lòng khu dân cư. Thế nhưng, ở ngọn thác này vẫn toát lên vẻ đẹp yên bình với những tầng đá xếp chồng lên nhau tạo nên những mảng màu xưa cũ.

Thác Grai Po

Thác Grai Po (Ảnh – Huy Hoàng)

Trải mình giữa một thung lũng được che chắn bởi bức tường đá tảng đồ sộ kéo dài theo hình cánh cung, thác Grai Po thuộc làng Ó, xã Ia Vê là một cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và không kém phần hấp dẫn. Từ trung tâm Tp Pleiku đi theo quốc lộ 14 đến ngã ba Phú Mỹ (xã Ia Băng, huyện Chư Prông), du khách rẽ phải đi về hướng Nam theo đường liên xã Ia Băng-Ia Vê khoảng 25 km, sau đó đi theo con đường đất đỏ sẽ đến tận thác Grai Po.

Thác Bàu Cạn

Thác Bàu Cạn (Ảnh – Kiet Nguyen The Tuan)

Thác Bàu Cạn, thuộc Đội 3, xã Bàu Cạn có dòng chảy nhẹ nhàng với những làn hơi nước bao phủ đã toát lên vẻ đẹp hoang sơ đầy quyến rũ.

Cánh đồng cỏ tím Chư Pưh

Dưới ánh nắng chiều vàng, cánh đồng tím biết tại thôn Plei Djiêt, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh từ những bông hoa dại đã làm mê đắm bao nhiều đôi bạn tìm đến. Sắc tím rực rỡ của loài hoa dại khoe sắc trên cánh đồng còn được biết đến với tên gọi hoa Kỳ Lân. Trông từ xa những cánh hoa nhỏ nhắn với sắc tím đang khoe sắc như cánh đồng hoa oải hương.

Chư Sê

Thác Phú Cường

Thác Phú Cường (Ảnh – tee_nnt)

Thác Phú Cường chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động, nằm trong khu vực mỏ đá Phú Cường của xã Dun. Thác có độ cao khoảng 45m, bên dưới là hàng trăm phiến đá lớn nhỏ chồng chất lên nhau tạo nên những hình thù kì thú.

Thác Bà

Thác Bà Chư Sê (Ảnh – Nguyen Hong Thien)

Thác Bà chỉ có độ cao chừng 20m nằm trong ngôi làng Kueng O của xã Ia Pal. Nếu dòng chảy của thác Phú Cường dữ dội, tung bọt trắng xóa do đổ xuống từ độ cao 45 mét thì dòng chảy của thác Bà êm đềm, hiền hòa hơn. Thác Bà phân thành một dải rộng, có 3 dòng chảy lớn nhỏ nằm liền kề nhau như một sự sắp đặt hữu ý của tự nhiên.

Ruộng bậc thang Chư Sê

Ruộng bậc thang Chư Sê nhìn từ trên cao (Ảnh – Hoàng Quốc Vĩnh)

Ruộng bậc thang Chư Sê nằm dọc QL 25 cách TP Pleiku khoảng 40 km, thuộc địa bàn 2 xã H Bông, Ia Pal, được cho là đẹp không thua kém so với những thửa ruộng Tây Bắc.

Đắk Đoa

Đồi cỏ hồng

Đồi cỏ hồng Đắk Đoa (Ảnh – Trần Ngọc Hiếu)

Cỏ hồng là một loại cỏ dài, được nhiều người biết đến với tên gọi khác là cỏ đuôi chồn. Vào mỗi dịp đầu đông, thời tiết trở lạnh, những bông hoa cỏ sẽ đổi sang một màu hồng tím vô cùng hút mắt. Những cánh đồng cỏ trải dài càng tạo nên một khung cảnh nên thơ, mơ mộng. Có 3 địa điểm ngắm cỏ hồng đẹp nhất ở Gia Lai: một là thung lũng cỏ hồng ở xã Glar, huyện Đak Đoa; địa điểm thứ hai là ở Núi Đá, thành phố Pleiku; và địa điểm thứ ba là hai bên rừng thông trên đường đi cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đức Cơ.

Rừng thông Hà Tam

Rừng thông Hà Tam có diện tích 200 ha thuộc quần thể đèo Mang Yang của huyện Đắk Pơ, là nơi chưa được nhiều người biết đến do giao thông còn khá trắc trở. Cách trung tâm huyện Đắk Pơ gần 30 km, rừng thông Hà Tam là điểm du lịch sinh thái lý thú dành cho những ai thích leo núi khám phá, trải nghiệm.

Đức Cơ

Cửa khẩu Lệ Thanh

Cửa khẩu Lệ Thanh, Đức Cơ (Ảnh – Lam Son Ha)

Cửa khẩu Lệ Thanh cách thành phố Pleiku khoảng 75km. Từ thành phố Pleiku theo quốc lộ 14 rẽ sang quốc lộ 19 qua thị trấn Chư Ty sẽ tới cửa khẩu Lệ Thanh. Đây là một cửa khẩu Quốc tế nối với Campuchia qua cửa khẩu Oyadav, tỉnh Ratanakiri.

Thác Ông Đồng

Thác Ông Đồng (Ảnh – Hải Lê)

Thác ông Đồng (thác C10) là tên gọi người dân địa phương đặt cho ngọn thác nằm trên dòng Ia Pnôn-nơi giáp ranh giữa 2 xã Ia Nan và Ia Pnôn (huyện Đức Cơ). Thác nằm ven quốc lộ 14C, bao quanh là khu vườn rẫy của một người dân tên Đồng. Do đó, người dân địa phương lấy tên khu rẫy này đặt cho ngọn thác để dễ tìm kiếm, nhận biết.

Ia Grai

Thác Mơ Ia Khai

Thác Mơ (Ảnh – Đông Phú)

Cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 50 km về phía Tây Bắc, thác Mơ Ia Khai nằm trên địa bàn xã vùng biên của huyện Ia Grai. Với vẻ đẹp nguyên sơ hoang dại, thác nước Mơ Ia Khai đã tạo nên được sức hút mạnh mẽ với nhiều nhóm bạn trẻ yêu thích khám phá.

Thác Chín Tầng

Thác Chín Tầng (Ảnh – Halim Karnadi)

Thác Chín Tầng thuộc xã Ia Sao, đây là 1 dòng thác lớn bắt nguồn từ trên đỉnh núi cao đổ xuống với dòng chảy rất mạnh. Xung quanh Thác là hệ sinh thái rừng còn nguyên sơ, đa dạng và phong phú về hệ động thực vật góp phần tạo nên vẻ đẹp hoang dã và hùng vĩ của Thác.

Du lịch lòng hồ Sê San

Lòng hồ Sê San (Ảnh – Nguyen Hong Thien)

Du lịch sông nước vốn là thương hiệu của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nguyên sơ và gắn kết với các điểm du lịch khác trên địa bàn, sông Sê San cũng mở ra một hướng đi đầy triển vọng cho loại hình du lịch sông nước của huyện Ia Grai, khu vực này cũng giáp ranh với Kon Tum nơi có khu vực làng chài của người dân các tỉnh miền Tây đến lập nghiệp.

K’Bang

Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng

Khu bảo tồn Kon Chư Răng (Ảnh – Nhân Lê)

Thuộc xã Sơn Lang, khu bảo tồn này có diện tích 15.900 ha. Nơi đây có hệ sinh thái chuyển tiếp giữa vùng Đông và Tây của dãy Trường Sơn nên hệ thực vật khá phong phú và đa dạng. Trong khu bảo tồn có rất nhiều dòng thác đẹp, hấp dẫn du khách.

Thác Hang Én

Thác Hang Én (Ảnh – Hoa Carol)

Thác Hang Én (hay còn gọi là thác K50) nơi đầu nguồn sông Côn nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Bình Định, thuộc địa phận huyện K’bang (Gia Lai). Đây là điểm du lịch khám phá không dành cho những người yếu tim, nếu muốn chinh phục bắt buộc phải có thổ địa hướng dẫn, vì đường đi trekking-hiking hiểm trở với những mối đe dọa tiềm ẩn giữa chốn “thâm sơn cùng cốc”.

Thác Kon Lok

Thác Kon Lok (Ảnh – Thắng Cảnh Gia Lai)

Từ trung tâm thị trấn huyện đi vào thác Kon Lok khoảng 40 km. Thác mới được phát hiện gần đây nên khá nguyên sơ. Từ dưới chân thác nhìn lên, những dòng nước thi nhau trườn xuống tạo thành những dải lụa trắng bồng bềnh hòa cùng mây trời, tạo cảm giác đầy sảng khoái và thú vị. Đây cũng là một điểm nhấn trong du lịch sinh thái của Kbang không thể bỏ qua.

Thác Hang Dơi

Thác Hang Dơi chỉ cách thị trấn Kbang chưa đầy 5 km về phía Đông. Những dòng nước đổ xuống từ độ cao hơn 10 m tạo điểm nhấn vô cùng thơ mộng, đây cũng là nơi đang thu hút rất nhiều du khách tham quan thưởng ngoạn.

Nhà lưu niệm Anh hùng Núp

Nhà lưu niệm anh hùng Núp (Ảnh – Phạm Anh Tuấn)

Nằm tại làng Stơr, xã Tơ Tung, đây là một hạng mục trong tổng thể quy hoạch khu di tích lịch sử làng kháng chiến Stơr, được mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống Ba Na để lưu giữ những kỷ vật, tư liệu về hình ảnh, cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh của Anh Hùng Núp.

Mang Yang

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Cổng vào Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Ảnh – Hoàng Văn)

Vườn Quốc gia này thuộc huyện Mang Yang nằm cách thành phố Pleiku khoảng 50km, nơi đây có đỉnh núi Kon Ka Kinh với độ cao hơn 1700m, là nóc nhà của tỉnh Gia Lai. Kon Ka Kinh là nơi lý tưởng để thực hiện các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch dã ngoại.

Thác Ba Tầng

Thác Ba Tầng trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Ảnh – Khanh Nguyễn Văn)

Muốn chinh phục được dòng thác Ba Tầng tuyệt đẹp, du khách phải đi bộ vượt qua đoạn đường mòn dài khoảng 4,5 km. Trong hành trình này, du khách sẽ có cơ hội ghé thăm “vương quốc” của những cây đa cổ thụ kỳ vĩ có tuổi đời vài trăm năm tuổi.

Tìm trên Google:

  • các địa điểm du lịch ở Gia Lai
  • tháng 12 Gia Lai có gì hấp dẫn
  • chơi gì khi đến Gia Lai
  • phượt Gia Lai có gì
  • cảnh đẹp Gia Lai
  • địa điểm check-in Gia Lai
  • danh lam thắng cảnh Gia Lai
  • địa điểm du lịch tâm linh Gia Lai
  • đến Gia Lai nên đi đâu
  • địa điểm chụp ảnh đẹp ở Gia Lai

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 42 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào