Kinh nghiệm du lịch đảo Thổ Châu

Kinh nghiệm du lịch đảo Thổ Châu (Cập nhật 12/2024)

✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 3 tháng 12 năm 2024

Cùng Phượt – Thổ Châu là một quần đảo nằm cách xa đất liền tới gần 200km, đây là nơi được chọn để đặt điểm chuẩn A1 của đường cơ sở xác định lãnh hải Việt Nam. So với trước kia, ngày nay Thổ Châu đã phát triển hơn khá nhiều, có trạm y tế, trường mẫu giáo, thời gian phát điện cũng đã dài hơn nhưng du lịch Thổ Châu vẫn khá mới mẻ, chỉ phù hợp với các bạn thích khám phá. Ngoài bởi việc đi lại còn vất vả, Thổ Châu gần như vẫn còn là một đảo quân sự khi mà cư dân trên đảo hầu hết là bộ đội và người thân ra đây lập nghiệp.

Thổ Chu là điểm đến còn rất hoang sơ (Ảnh – Nguyen Huu Bao Thuan)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả Nguyen Huu Bao Thuan, Quoc Tuan, joseph_pts, tragiangbg84, nhtanh.dg, Hoang Tran, Dương Trung Kiên, Dương Đại, Do Van Tuan, Henry Vo, Nông Văn Thạnh, Minh Tran, Trang Thu, Vi Ngoan, Văn Cam Lưu, Nông Văn Thạnh, Vuong Xuan Phu Tran, Văn Cảnh Bình, Nguyễn Thu Hà, Tran Qui Thinh, Dương Đại, Nam Tran, Hoang Sang, Cường Nguyễn, Cần Chivas, Cần Trang, hai.bt11 nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Giới thiệu về đảo Thổ Châu

Một phần Thổ Châu nhìn từ trên cao (Ảnh – Quoc Tuan)

Quần đảo Thổ Châu là quần đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Việt Nam, nằm cách mũi Cà Mau khoảng 160 km về phía Tây Bắc và cách phía nam đảo Phú Quốc khoảng 100 km về phía tây nam, gồm 8 đảo có diện tích rất khác nhau. Quần đảo này thuộc xã Thổ Châu, Thành phố Phú Quốc, Kiên Giang, có 8 hòn đảo, trong đó đảo Thổ Chu lớn nhất với diện tích 1,4 km², là nơi đặt trung tâm hành chính xã, các đảo còn lại diện tích nhỏ hơn gồm: Hòn Mô, Hòn Cao, Hòn Từ, Hòn Nước, Hòn Keo Ngựa, Hòn Nhạn và Hòn Cao Cát. Đặc biệt, Hòn Nhạn được chọn làm điểm chuẩn A1 của đường cơ sở để xác định lãnh hải Việt Nam.

Cổng chào trên đảo (Ảnh – joseph_pts)

Thổ Chu có 4 bãi biển: Bãi Ngự, Bãi Dong, Bãi Mun và Bãi Nhất. Trong đó Bãi Ngự và Bãi Dong lớn nhất, trở thành nơi cư trú theo mùa của người dân trên đảo. Thường thì cư dân tập trung sống tại Bãi Ngự, từ tháng 4 – 9 hàng năm mới chuyển qua Bãi Dong để vừa tránh bão, vừa buôn bán kiếm thêm thu nhập. Chỉ trừ Bãi Ngự có dân cư sinh sống thường xuyên, còn các bãi biển khác ở Thổ Chu đều rất hoang sơ, như chưa từng in dấu chân người.

Đi Thổ Châu thời gian nào đẹp?

Đẹp nhất nên đến Thổ Châu vào mùa khô đầu năm (Ảnh – tragiangbg84)

Từ khoảng tháng 11-4 hàng năm là mùa khô, lúc này khá thích hợp để đến các hòn đảo ở Kiên Giang. Nhưng do hành trình đến với Thổ Châu phải lênh đênh trên biển khá dài nên các bạn nếu muốn đỡ mệt hãy đến đây vào khoảng tháng 3, thời điểm này bao giờ biển cũng êm nhất nên “tháng 3 bà già đi biển” cũng được.

Hướng dẫn đi tới Thổ Châu

Đi tới Phú Quốc

Để tới Thổ Châu trước hết các bạn phải tới Phú Quốc (Ảnh – nhtanh.dg )
Máy bay

Từ hầu hết các sân bay lớn trên cả nước đều có đường bay tới Phú Quốc, các chuyến bay khởi hành liên tục hàng ngày với giá vé dao động trong khoảng từ 1000-3000k cho chặng khứ hồi, tùy vào thời điểm cũng như hãng bay mà các bạn lựa chọn.

Tàu cao tốc

Ngoài máy bay, các chuyến tàu cao tốc đi Phú Quốc cũng khởi hành liên tục từ hai thành phố lớn của Kiên Giang là Rạch Giá và Hà Tiên. Các bạn sinh sống ở khu vực quanh Kiên Giang có thể di chuyển tới đây rồi đi tàu hoặc phà cao tốc cho nhanh vì ở miền Tây nếu muốn bay ra Phú Quốc chỉ có sân bay Cần Thơ, di chuyển tới Cần Thơ rồi mới bay ra khéo còn lâu hơn đi tàu cao tốc.

Từ Phú Quốc đi Thổ Châu

Là một đơn vị hành chính của Phú Quốc nên tàu đi tới Thổ Chu sẽ xuất phát tại đây (Ảnh – Hoang Tran)

Cách khá xa đất liền nên hành trình tới Thổ Châu tương đối vất vả. Hiện tại có tàu Thổ Châu 09 khởi hành từ Phú Quốc vào khoảng 10h00-11h00 các ngày 5-10-15-20-25-30 hàng tháng, tàu sẽ quay lại Phú Quốc vào lúc 7h00-8h00, sau 2 ngày kể từ ngày xuất phát. Thời gian di chuyển của tàu vào khoảng 4-5 tiếng đồng hồ. Tàu chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của bộ đội và người dân trên đảo nên sẽ không có bán vé trước hay giữ chỗ, ai đến trước thì có chỗ ngồi, ai đến sau thì tự tìm chỗ nhé. Tiền vé sẽ được trả trực tiếp luôn khi các bạn đã ở trên tàu.

Một vài lưu ý:

  • Do thời tiết hoàn toàn có thể diễn biến xấu nên lịch chạy tàu có thể thay đổi mà không báo trước, có thể sớm hoặc trễ hơn so với ngày cố định.
  • Không nên đi theo đoàn quá đông, chỉ nên đi theo nhóm nhỏ để thuận tiện cho việc ra đảo

Đi lại trên đảo

Xe máy

Các bạn có thể thuê xe máy để làm phương tiện đi quanh đảo (Ảnh – Dương Trung Kiên)

Đảo khá nhó, xung quanh toàn bộ đảo chỉ có khoảng 7 km đường bộ nên chắc chỉ một chút là chạy hết đảo thôi. Các bạn có thể thuê xe với chi phí khoảng 200-300k/1 ngày. Khi di chuyển trên đảo nhớ đổ xăng trước, luôn đội mũ bảo hiểm đầy đủ để đảm bảo an toàn.

Thuyền

Để đi tới các điểm khác quanh đảo chính, các bạn có thể liên huệ thuê thuyền người dân (Ảnh – Dương Đại)

Nếu như chạy trên đảo chính phải dùng xe máy thì để đi quanh các đảo nhỏ, các bạn phải thuê thuyền đánh cá của ngư dân. Chi phí thuê thuyền tương đối cao, khoảng từ 3000-5000k nên các bạn đi theo nhóm chia ra sẽ đỡ tốn kém hơn là những bạn đi riêng lẻ.

Lưu trú trên đảo Thổ Châu

Nhà nghỉ

Trên đảo hiện chỉ có một số ít nhà nghỉ với số phòng khá ít (Ảnh – Do Van Tuan)

Trên đảo chỉ có một vài nhà nghỉ nhỏ với số lượng phòng rất ít và giới hạn, nên các bạn cần liên hệ trước khi ra đảo để đảm bảo có đủ chỗ lưu trú cho đoàn. Phòng chỉ có các tiện nghi cơ bản, không thể được đầy đủ như ở đất liền đâu nhé.

Xem thêm bài viết: Nhà nghỉ trên đảo Thổ Châu (Cập nhật 12/2024)

Cắm trại

Muốn ngủ lều các bạn cần xin phép bên biên phòng nhé (Ảnh – Henry Vo)

Các bạn có thể chủ động mang theo lều và các dụng cụ đầy đủ để cắm trại ngủ qua đêm nếu trong trường hợp không có phòng nghỉ. Tuy nhiên, trước khi thực hiện các bạn cần xin phép biên phòng bởi trên đảo hầu hết là các khu vực ít nhiều liên quan đến quân sự.

Địa điểm du lịch Thổ Châu

Bãi Ngự

Đây là cảng chính của đảo, nơi tàu thuyền neo đậu (Ảnh – Nông Văn Thạnh)

Đây là bãi tập trung cư dân chính trên đảo, bãi biển tại Bãi Ngự còn khá hoang sơ có nhiều cây bàng, cây phong ba, câu dừa dọc bờ biển. Bãi Ngự có hình vòng cung, được bao bọc bởi hai dãy núi nên biển ở đây rất và đẹp như tranh vẽ

Bãi Dong

Bãi Dong (Ảnh – Minh Tran)

Bãi Dong nằm ở phía bên kia của đảo, vào mùa gió Tây Nam từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, người dân chuyển sang ở bãi Dong và sinh sống ở đó trong khoảng vài tháng cho đến khi gió đổi sang hướng Đông Bắc.

Cột mốc chủ quyền

Cột mốc chủ quyền trên đảo Thổ Châu (Ảnh – Trang Thu)

Đây là 2 cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, 1 cột mốc được xây từ mấy chục năm trước và 1 cột mốc mới xây dựng gần đây hơn.

Hải đăng Thổ Chu

Hải đăng Thổ Chu (Ảnh – Vi Ngoan)

Trên đảo hiện có ngọn hải đăng Thổ Chu được đặt trên đỉnh cao nhất của đảo. Hải đăng Thổ Chu được xây dựng năm 2000. Có tác dụng chỉ dẫn tàu thuyền hoạt động trong khu vực quần đảo, giúp tàu thuyền biết được vị trí của mình và phương hướng hàng hải trong vùng biển Kiên Giang.

Đền thờ Hoàng đảo

Đền thờ Hoàng đảo Thổ Chu (Ảnh – Văn Cam Lưu)

Đền thờ Hoàng đảo Thổ Chu, một bên thờ Miếu Bà Chúa Xứ, một bên thờ Lăng Ông Nam Hải. Người dân đánh bắt xa bờ đã lập lên ngôi đền để thờ cúng. Hàng năm tại đền diễn ra lễ cúng lễ hội cầu ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn trên biển thuận lợi, là dịp để bà con tổng kết lại những chuyến đi biển; ba ngày diễn ra lệ cúng đều tổ chức cho người dân đến ăn uống miễn phí.

Đền thờ Thổ Châu

Đền Thổ Châu (Ảnh – Nông Văn Thạnh)

Trên đảo hiện có 1 ngôi đền được xây dựng năm 2011 để tưởng nhớ các chiến sĩ quân đội đã hy sinh và hơn 500 người dân vô tội bị quân Khmer Đỏ giết hại.

Hòn Cao

Hòn Cao có nhiều những bể bơi tự nhiên kiểu này, nước trong và không có sóng (Ảnh – Vuong Xuan Phu Tran)

Hòn Cao có 3 địa điểm rất đẹp là Giếng Tiên, Cổng Trời và Vách đá dựng. Đây cũng là điểm lý tưởng để tắm biển và lặn ngắm san hô.

Hòn Nhạn

Điểm cơ sở A1 trên Hòn Nhạn (Ảnh – Văn Cảnh Bình)

Hòn Nhạn nằm ở hướng tây nam, cách đảo Thổ Chu chừng 5km, điểm cao nhất cách mặt nước biển khoảng 40m. Trên hòn Nhạn chỉ có một ít cây bụi, còn lại là trơ trọi đá. Đây là nơi đặt điểm cơ sở A1 đánh dấu cực nam trên biển của Tổ quốc.

Sở dĩ có tên gọi là hòn Nhạn vì vào tháng tư biển động, đây chính là mùa chim nhạn sinh sản săn mồi trên hòn. Ngư dân ở đây kể rằng có hai loại nhạn trắng và nhạn đen. Nhưng những năm trở lại đây, số lượng chim nhạn bay về đảo đã giảm đáng kể vì bị ngư dân lấy trứng và bắt chim.

Chơi gì trên đảo

Câu cá

Câu cá là 1 trò giải trí khá vui (Ảnh – Nguyễn Thu Hà)

Nếu đã thuê thuyền đi quanh đảo, các bạn không thể bỏ lỡ trò câu cá. Nói chung cá ở đây câu khá dễ, câu xong các bạn có thể chế biến và thưởng thức.

Tắm biển

Nhiều địa điểm các bạn có thể thoải mái bơi lội (Ảnh – Tran Qui Thinh)

Với nhiều bãi biển đẹp, nước trong và hoàn toàn không có sóng nên các bạn có thể thoải mái bơi lội khá dễ dàng.

Lặn ngắm san hô

San hô trên đảo Thổ Chu (Ảnh – Dương Đại)

Vùng biển quanh bờ ở Hòn Cao nước rất trong, ngồi trên thuyền các bạn có thể nhìn được cá dưới đáy. Rất nhiều nhóm các bạn thích lặn mang theo dụng cụ lặn ra đây để trải nghiệm hoạt động lặn ngắm san hô thế này.

Ăn gì ở Thổ Châu

Nhum

Nhum hay còn gọi là cầu gai (Ảnh – Nam Tran)

Nhum thường sống thành đàn ở những vùng biển nước ta, chúng thường quần tụ ở những nơi có nhiều rạn san hô, đá ngầm và hang hốc để ăn rong rêu, cỏ biển. Cách ăn nhum phổ biến nhất là cắt đôi con nhum, nướng quanh lửa hồng rồi chấm với muối tiêu chanh.

Mực

Mực tươi chỉ cần đem hấp là ngon tuyệt (Ảnh – Hoang Sang)

Mực có ở nhiều nơi trong đó có các vùng biển quanh Kiên Giang. Mực có thể làm các món chiên, xào hay nướng tương ớt hoặc sa tế… nhưng nhanh nhất vẫn là mực hấp gừng vì mùi vị ngọt của mực không bị mất mà dễ thực hiện, ăn lại không ngán.

Ốc mắt ngọc

Ốc mắt ngọc (Ảnh – Cường Nguyễn)

Ốc mặt trăng còn gọi là ốc mắt ngọc, loại này có thịt giòn, ăn khá ngọt. Có nhiều cách để chế biến nhưng đơn giản nhất là nướng mọi rồi ăn kèm với muối tiêu chanh.

Bào ngư

Bào ngư ở Thổ Châu (Ảnh – Cần Chivas)

Bào ngư còn được biết đến với các tên ốc khổng, cửu khổng, thạch quyết minh hay hải nhĩ do có hình dạng giống cái tai. Chúng thường sống ở ven biển và các vùng hải đảo, lúc còn nhỏ bám gần bờ nhưng càng lớn chúng càng di chuyển ra xa và sâu hơn ở đá ngầm dưới biển. Để bắt được bào ngư to, phải lặn sâu xuống biển, tách chúng ra khỏi những tảng đá ngầm.

Khô mực

Khô mực ở Thổ Châu (Ảnh – Cần Trang)

Được làm từ những con mực ống hạng nhất tươi rói, khô mực là món ăn nhẹ nhàng rất ngon khi ngồi lai rai với bạn bè buổi tối. Ngoài ra, đây là món có thể mua về làm quà cho bạn bè và gia đình.

Một số lưu ý khi du lịch Thổ Châu

Mang đầy đủ giấy tờ

Là đảo quân sự nên các bạn cần mang theo đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân để trình báo với bên biên phòng. Mọi hoạt động di chuyển tới các hòn đảo xung quanh, cắm trại đều cần xin phép trước.

Người nước ngoài có được đến đảo

Không, chỉ công dân Việt Nam mới có thể đăng ký tới đảo. Là một địa điểm quân sự, nơi này cấm tuyệt đối người nước ngoài (kể cả người Việt sinh sống ở nước ngoài và không có giấy tờ Việt Nam)

Về việc chụp ảnh

Không được bay flycam khi chưa xin phép, nhiều địa điểm trên đảo cũng có thể liên quan đến các cơ sở quân sự nên các bạn cũng cần để ý trước khi chụp

Lịch trình du lịch Thổ Châu

Thổ Châu hiện vẫn là điểm đến còn hoang sơ, xứng đáng để khám phá (Ảnh – hai.bt11)

Lịch trình này là các điểm gợi ý cho các bạn đi tự túc, tuy nhiên do việc thuê thuyền đi chơi ở Thổ Châu khá đắt nên tốt nhất các bạn liên hệ đặt luôn 1 tour của mấy bạn dân địa phương, bao trọn gói ăn ở ngủ nghỉ đi lại luôn cho thoải mái.

Ngày 1: Bay tới Phú Quốc

Ngày này các bạn dành thời gian để di chuyển tới Phú Quốc, có thể bay chuyến sáng để dành trọn 1 ngày khám phá Phú Quốc. Trong 1 ngày các bạn có thể tranh thủ mua tour khám phá 4 đảo Phú Quốc, chiều quay lại khách sạn nghỉ ngơi.

Nếu không có nhiều thời gian, các bạn có thể bay chuyến sáng sớm của ngày tàu chạy ra Thổ Châu vì tàu thường chạy lúc khoảng 10-11h, tuy nhiên thời gian như thế rất bị động, nếu lỡ các bạn sẽ phải chờ 5 ngày mới có chuyến tiếp theo.

Ngày 2: Phú Quốc – Thổ Châu

Sáng có mặt tại cảng Bãi Vòng, lên tàu di chuyển. Tàu sẽ chạy vào khoảng 10-11h trưa, 4 đến 5 tiếng trên biển nên các bạn nhớ ăn uống đầy đủ, mang theo đồ ăn nhẹ để ăn trưa luôn.

Khoảng 15h tới Thổ Châu, về nhà nghỉ nhận phòng rồi tranh thủ khám phá quanh đảo. Đảo khá nhỏ nên thuê xe máy chạy 1-2 tiếng là hết các điểm

Tối về nhà nghỉ nghỉ ngơi, thưởng thức hải sản trên đảo

Ngày 3: Khám phá Thổ Châu

Thuê tàu đi khám phá các hòn trên đảo, bơi lội, lặn biển ngắm san hô. Nguyên ngày này các bạn chỉ đi chơi bằng tàu.

Tối về sớm nghỉ ngơi

Ngày 4: Trở lại Phú Quốc

5h sáng các bạn dậy thu dọn hành lý để ra cảng, 7h tàu sẽ khởi hành trở lại Phú Quốc.

Tìm trên Google:

  • kinh nghiệm du lịch Thổ Châu 2024
  • du lịch Thổ Châu tháng 12
  • tháng 12 Thổ Châu có gì đẹp
  • review Thổ Châu
  • hướng dẫn đi Thổ Châu tự túc
  • ăn gì ở Thổ Châu
  • phượt Thổ Châu bằng xe máy
  • Thổ Châu ở đâu
  • đường đi tới Thổ Châu
  • chơi gì ở Thổ Châu
  • đi Thổ Châu mùa nào đẹp
  • địa điểm chụp ảnh đẹp Thổ Châu
  • homestay giá rẻ Thổ Châu

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 65 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào