Các địa điểm du lịch ở Bạc Liêu

Các địa điểm du lịch ở Bạc Liêu (Cập nhật 12/2024)

✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 30 tháng 11 năm 2024

Cùng Phượt – Nhắc tới mảnh đất Bạc Liêu, xưa giờ phần lớn du khách chỉ có thể nhớ tới các sự tích, địa danh gắn liền với Công Tử Bạc Liêu, một nhân vật nổi tiếng khắp vùng miền Tây thời trước. Tuy vậy, Bạc Liêu còn là vùng đất hội tụ sự giao thoa văn hóa của ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer, là một trong những cái nôi lớn của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ… Mặc dù thế mạnh là du lịch sinh thái nhưng các địa điểm du lịch ở Bạc Liêu cũng tương đối đa dạng; từ những cánh đồng điện gió phù hợp với các bạn trẻ thích chụp ảnh cho đến những di tích lịch sử, văn hóa, chùa chiền cho những bạn thích tìm hiểu…

Bạc Liêu là cái nôi của nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ (Ảnh – ntngoc61)

©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả ntngoc61, Gia Minh, hao_ng_, huong2go, Catalin Chitu, Tien Nguyen, pham.vukhoa, Thái Thành Vũ, bell.beoo, haoduhi, cindy.bui92, Tung Nguyen, Thái Dương Lê, Cuba Phương, Yong K, Hien Duong Duy, votamgo, Viên Tôn và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Thành phố Bạc Liêu

Nhà Công tử Bạc Liêu

Khu nhà công tử Bạc Liêu (Ảnh – cungphuot.info)

Khu nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, Phường 3, Tp Bạc Liêu, nơi gắn liền với những giai thoại về cuộc sống của công tử Bạc Liêu. Ngôi nhà được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, theo kiến trúc phương Tây, toàn bộ nguyên vật liệu đều xuất xứ từ Pháp. Hiện nay khu nhà vẫn còn trưng bày nhiều hiện vật quý hiếm, phục vụ khách đến tham quan.

Đồng hồ đá

Di tích đồng hồ đá Thái Dương (Ảnh – Gia Minh)

Đồng hồ đá hay còn gọi là “đồng hồ Thái Dương”, “đồng hồ mặt trời” được Lưu Văn Lang (1880 – 1969) đứng ra thiết kế và xây dựng vào khoảng những thập niên đầu thế kỷ 20, trong khuôn viên của khu Tòa tham biện tỉnh Bạc Liêu (nay nằm trên đường 30/4, phường 3, thành phố Bạc Liêu). Trải qua hành trình hơn 100 năm , chiếc đồng hồ này hiện vẫn chỉ giờ chính xác đến mức sai số dao động không quá 2 phút so với đồng hồ điện tử đeo tay.

Nhà hát Cao Văn Lầu

Nhà hát Cao Văn Lầu với thiết kế độc đáo hình chiếc nón (Ảnh – cungphuot.info)

Nhà hát Cao Văn Lầu tọa lạc tại Quảng trường Hùng Vương, được xây dựng theo mô hình 3 chiếc nón lá, gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động của người phụ nữ Nam Bộ.

Chùa Bà

Chùa Bà còn có tên gọi là Địa Mẫu Cung (Ảnh – hao_ng_)

Chùa Bà có tên khác là Điạ Mẫu Cung tọa lạc tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu nằm cạnh chùa Ông Quan Đế Miếu. Chùa Bà nổi tiếng linh thiêng với chiếc cổng miếu được điêu khắc tỉ mẩn cùng với nhiều chi tiết đắp nổi hình rồng phượng tinh xảo.

Cánh đồng điện gió

Những cánh đồng điện gió như những chiếc chong chóng khổng lồ trên nền trời xanh (Ảnh – huong2go)

Công trình điện gió hay còn gọi với cái tên là “Cánh đồng điện gió Bạc Liêu” nằm trong khu vực 500 ha đất ven biển xã Vĩnh Trạch Đông, Tp Bạc Liêu. Công trình này không chỉ có ý nghĩa cung cấp thêm nguồn năng lượng sạch cho điện lưới quốc gia mà còn là điểm đến tham quan thú vị cho du khách.

Chùa Xiêm Cán

Chùa Xiêm Cán (Ảnh – Catalin Chitu)

Chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa Khmer lớn nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ. Chùa Xiêm Cán mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi cổng chùa, mái vòm, các hàng cột. Chùa là nơi đồng bào Khmer thường tập trung để học chữ, học múa hát, học nghề, hay những dịp Lễ Đôn Ta, Ok Om Bok, Chol Chnam Thmay, Tết Nguyên Đán hoặc những ngày lễ lớn khác trong năm, người dân nơi đây tập trung nghe Trụ trì chùa, các Sư thầy giảng Phật pháp và tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ…

Vườn chim Bạc Liêu

Vườn chim Bạc Liêu (Ảnh – cungphuot.info)

Chỉ cách trung tâm Thành phố chừng 3km, với diện tích lên tới 320 ha, vườn chim Bạc Liêu hiện có hơn 40 loài với trên 60.000 con, trong đó có nhiều loài chim quý như: điên điển, quắm trắng, quắm đen, còng cọc, vạc, cò ngà, dang sen, diệc Sumatra…

Vườn nhãn cổ

Vườn nhãn cổ có tuổi đời hàng trăm năm (Ảnh – Tien Nguyen)

Vườn nhãn hay Giồng nhãn Bạc Liêu là địa danh được hình thành cách đây trên 1 thế kỷ.Với địa hình thuận lợi, lưu dân các nơi dần dần tìm đến, hình thành các nghề đánh cá, làm rẫy, trồng nhãn chuyên canh rồi sinh cơ lập nghiệp, định cư lâu dài…Vườn nhãn Bạc Liêu mang nhiều giá trị đặc trưng về địa chất, địa mạo, môi trường sinh thái, văn hóa truyền thống, ẩm thực, là một trong những điểm sáng và là địa chỉ có nhiều tiềm năng du lịch của Bạc Liêu.

Cây xoài cổ thụ

Cây xoài với tuổi đời hàng trăm năm (Ảnh – pham.vukhoa)

Đây là cây xoài được công nhận “cây di sản Việt Nam” với tuổi đời lên tới hơn 300 năm. Cây có chiều cao lên tới hơn 20m, tán tỏa rộng trên diện tích 300m². Hiện cây xoài này nằm tại ấp Biển Tây A, xã Vĩnh Trạch Đông, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 7 km. Mặc dù tuổi thọ cao đến thế, nhưng hàng năm xoài vẫn ra hoa và rất sai trái, đặc biệt trái xoài rất thơm ngọt, mùi hương lan tỏa cả một vùng.

Khu du lịch Nhà Mát

Khu du lịch Nhà Mát nằm ngay sát biển, với nhiều công trình vui chơi giải trí, nhà hàng.. (Ảnh – Thái Thành Vũ)

Khu du lịch Nhà Mát tọa lạc ở đường Bạch Đằng, cách trung tâm TP. Bạc Liêu khoảng 7km, nằm ven biển Bạc Liêu với diện tích rộng hơn 21 ha, được xem như điểm du lịch hấp dẫn và lớn nhất khu vực miền Tây, kết hợp giữa khu vui chơi và nghỉ dưỡng phức hợp.

Quán Âm Phật Đài

Quán Âm Phật Đài nằm ở phường Nhà Mát (Ảnh – bell.beoo)

Chùa nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 8 km. Ban đầu, chùa chỉ là một căn nhà rộng đơn sơ bằng cây lá, trên một khu đất nhỏ ở ven biển có nhiều ao đầm, bãi bùn. Năm 1973, tượng Quán Thế Âm lộ thiên cao 11 m được xây dựng và hoàn thành vào đầu năm 1975. Hằng năm, nhà chùa có tổ chức lễ hội Quán Âm Nam Hải vào  22, 23 và 24 tháng 3 âm lịch. Đây cũng là một trong 6 lễ hội đặc trưng của tỉnh Bạc Liêu.

Thiền viện Trúc lâm Bạc Liêu

Thiền viện Trúc lâm Bạc Liêu (Ảnh – haoduhi)

Cùng nằm trong hệ thống Thiền viện Trúc Lâm, phái thiền do Trần Nhân Tông sáng lập, Thiền viện Trúc Lâm Bạc Liêu được xây dựng theo kiến trúc của thời Lý, thời Trần mang đậm nét truyền thống văn hóa dân tộc. Công trình này tọa lạc đường Cao Văn Lầu, phường Nhà Mát, cách trung tâm thành phố khoảng 8km.

Giá Rai

Nhà thờ Tắc Sậy

Các bạn có thể tới nhà thờ này trên hành trình tới Cà Mau (Ảnh – cindy.bui92)

Nhà thờ Tắc Sậy hay còn gọi là nhà thờ Cha Diệp, một trong những nhà thờ nổi tiếng nhất ở khu vực miền Tây. Nhà thờ gắn liền với tên của Linh mục Trương Bửu Diệp, người được nhiều người biết đến với lòng sùng mộ.

Nhà thờ sở hữu kiến trúc khá độc đáo, gồm 3 tầng. Tầng trệt là nơi nghỉ ngơi, tầng 2 và tầng 3 là nơi dâng thánh lễ, tiền sảnh của tầng 2 rất rộng rãi. Phần mộ Linh mục Trương Bửu Diệp được thiết kế như một tòa nhà gồm ba nóc, trong đó nóc chính giữa cao hơn hai nóc phụ có gắn đồng hồ lớn tạo nên điểm nhấn nổi bật cho cả tòa nhà

Khu di tích Đồng Nọc Nạng

Di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng (Ảnh – Tung Nguyen)

Đây là nơi đã diễn ra cuộc nổi dậy của anh em Mười Chức đối đầu với tên địa chủ Mã Ngân đầy quyền lực thời đó. Cuộc xô xát không cân sức khi một bên có súng, một bên chỉ có giáo mác nhưng cuối cùng cả hai bên đều có nhiều người ngã xuống. Anh em nhà Mười Chức sau được tòa án tha bổng, đây là một vụ án rất nổi tiếng mà nếu đã từng nghe qua các bạn nên đến đây để tìm hiểu thêm.

Đông Hải

Cánh đồng muối Đông Hải

Cảnh lao động thường thấy trên cánh đồng muối Đông Hải (Ảnh – Thái Dương Lê)

Bạc Liêu là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước, tập trung tại hai huyện Đông Hải và Hòa Bình. Nếu thích ngắm nhìn vẻ đẹp của những cánh đồng muối các bạn có thể ghé xã Long Điền để tham quan.

Lăng ông Nam Hải

Lăng Ông Nam Hải Gành Hào là nơi thường diễn ra lễ hội Nghinh Ông hàng năm (Ảnh – Cuba Phương)

Lăng Ông Nam Hải hay còn gọi là Lăng cá Ông Gành Hào tọa lạc tại thị trấn Gành Hào, Đông Hải. Kiến trúc Lăng Ông Gành Hào không quá cầu kỳ nhưng điểm nổi bật là ở trong lăng vẫn còn lưu giữ nhiều bộ xương cá Ông với tuổi đời hàng trăm năm. Tại đây, từ ngày 9 đến 11 tháng 3 âm lịch hàng năm đều diễn ra lễ hội Nghinh Ông rất trang trọng nhưng cũng sôi nổi thu hút rất đông người dân tham gia. Lễ hội Nghinh Ông là một lễ hội tín ngưỡng truyền thống lâu đời của cư dân miền biển tỉnh Bạc Liêu, được duy trì qua nhiều thế hệ cho đến nay.

Vườn chim Lập Điền

Vườn chim Lập Điền (xã Long Điền Tây, Đông Hải) là một vườn chim của tư nhân có diện tích lớn với 21 ha. Ban đầu (1994) chỉ có vạc, cò, cồng cọc nhưng sau đó thì diệc, điên điển, chàng bè, chim sen… tiếp tục kéo đến, với trên 30 loài chim trú ngụ như hiện nay. Theo những nhà khoa học và khách tham quan, mật độ chim nơi đây dày hơn nhiều so với Vườn chim Bạc Liêu.

Phước Long

Chùa Cosdon

Chùa Monisereysophol Cosdon là chùa Phật Giáo Theravada (Nam Tông) Khmer, tọa lạc tại Ấp Bình Bảo, Vĩnh Phú Tây, Phước Long. Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1903, trên diện tích hơn 5000 m² do gia đình ông tá điền chủ Che hiến cúng.

Chùa Đìa Muồng

Chùa Đìa Muồng (Ảnh – Yong K)

Ngôi chùa có tên đầy đủ là Sê-Rây Vong-Sa Chey-Ya-Ra, được xây dựng từ năm 1956 toạ lạc trên khu đất rộng hơn 16000 m². Chùa Đìa Muồng là công trình kiến trúc, điêu khắc độc đáo mang dấu ấn của phật giáo Nam Tông

Vĩnh Lợi

Tháp cổ Vĩnh Hưng

Tháp cổ Vĩnh Hưng (Ảnh – Hien Duong Duy)

Tháp cổ Vĩnh Hưng được xây dựng trên một doi đất có diện tích khoảng 100m, cửa Tháp quay về hướng Tây, bình diện chân Tháp hình chữ nhật với hai cạnh là 5,6m và 6,9m. Chiều cao của Tháp là 8,2m (tính từ nền Tháp). Trước đây, ngôi Tháp được biết đến bằng tên gọi là Tháp Trà Long hay Tháp Lục Hiền. Đến năm 1990, Bảo tàng Minh Hải kết hợp với các nhà khảo cổ tiến hành khảo sát, khai quật thăm dò trước cửa Tháp, với những tư liệu đã tìm thấy, các nhà khoa học khẳng định Tháp Vĩnh Hưng là một công trình kiến trúc có từ thời kỳ văn hóa Óc Eo. Tháp Vĩnh Hưng là một công trình kiến trúc độc đáo, có giá trị về mặt lịch sử và cũng là công trình Tháp còn lại duy nhất ở Nam Bộ.

Chùa Ghositaram

Chánh điện ngôi chùa Ghositaram (Ảnh – votamgo)

Chùa Ghositaram còn được gọi là Chùa Cù Lao được xây dựng vào năm 1860 trên khu đất rộng 4ha, phía trước cổng chùa có hàng thốt nốt cao vút, là hình ảnh quen thuộc của cảnh sắc miền Tây. Năm 2011 chánh điện ngôi chùa được xây dựng lại, toàn bộ công trình được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer cổ kính kết hợp hài hòa với kiến trúc hiện đại.

Chùa Giác Hoa

Chùa Giác Hoa (Ảnh – Viên Tôn)

Chùa Giác Hoa (chùa cô Hai Ngó) được xây dựng từ năm 1919, tọa lạc tại ấp Xóm Lớn, xã Châu Thới, Vĩnh Lợi. Tháng 3 năm 1919, cô Hai Ngó hiến tiền, đất xây dựng ngôi chùa theo lối “nội công, ngoại quốc”, kết hợp kiến trúc nghệ thuật giữa phương Đông và phương Tây. Chùa là tổng thể các công trình kiến trúc lớn nhỏ, được bố trí chặt chẽ, cân đối, phía trước là Chánh điện, phía sau là sân Thiên tịnh và ngôi nhà Hậu tổ (thờ gia tiên và cô Hai Ngó, người sáng lập ra ngôi chùa). Chùa Giác Hoa vừa có giá trị về mặt lịch sử, vừa có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật bởi nó là một công trình kiến trúc có sự kết hợp nhuần nhuyễn đường nét Đông – Tây hiếm thấy ở miền Tây Nam bộ.

Tìm trên Google:

  • các địa điểm du lịch ở Bạc Liêu
  • tháng 12 Bạc Liêu có gì hấp dẫn
  • chơi gì khi đến Bạc Liêu
  • phượt Bạc Liêu có gì
  • cảnh đẹp Bạc Liêu
  • địa điểm check-in Bạc Liêu
  • danh lam thắng cảnh Bạc Liêu
  • địa điểm du lịch tâm linh Bạc Liêu
  • đến Bạc Liêu nên đi đâu
  • địa điểm chụp ảnh đẹp ở Bạc Liêu

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 22 bình chọn và điểm trung bình là 4.8

Chưa có đánh giá nào