Kinh nghiệm du lịch Mũi Cà Mau tự túc (Cập nhật 12/2024)
✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 19 tháng 12 năm 2024Cùng Phượt – Cách đây không xa, khi nhắc tới mũi Cà Mau, ai cũng liên tưởng tới một vùng đất cực Nam xa xôi cách trở, đi lại vô cùng khó khăn. Nhưng tất cả những điều đó đã xa dần, Khu du lịch Mũi Cà Mau bây giờ đã có thể đón ô tô đến tận cổng. Du khách không còn phải liên tục thay đổi phương tiện trên hành trình về với Đất Mũi nữa. Ngoài ra, các tuyến du lịch xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được đưa vào khai thác cũng đã mang lại du khách nhiều trải nghiệm thú vị như khám phá vùng lõi Vườn Quốc gia, tìm hiểu về hình thái bãi bồi, ngắm hoàng hôn và bình minh trên vùng biển cực Nam.
©Bản quyền hình ảnh : Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả hipdayne, Tan Nguyen, thach loi, giolao1282, Doo Nguyen, Nguyen Hoang Khoi, britahoang143, Than Nham, Han Pham, vinh_dinh.94, mana.di.mana, Mạnh Hùng Phan, Nguyễn Anh Hần, Thiệp Nguyễn Văn, Golome Qui, hoang nguyen huy, Duc Pham, anh duc huynh, Linh Trinh và của một số tác giả chưa rõ tên nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.
Giới thiệu về Mũi Cà Mau
Mục lục
- 1 Giới thiệu về Mũi Cà Mau
- 2 Nên du lịch mũi Cà Mau vào thời gian nào?
- 3 Hướng dẫn đi tới mũi Cà Mau
- 4 Lưu trú ở mũi Cà Mau
- 5 Các địa điểm tham quan
- 6 Ăn gì khi đến mũi Cà Mau
- 7 Lịch trình khám phá mũi Cà Mau
Vùng Đất Mũi hiện vẫn đang tiến ra biển hàng năm (Ảnh – cungphuot.info) |
Mũi Cà Mau là phần chót mũi, thuộc ấp Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Chót mũi có hình dáng kỳ lạ và đang tiến ra biển Tây (Vịnh Thái Lan) với tốc độ từ 50 đến 80m mỗi năm. Tại đây, trên cột mốc quốc gia có ngôi sao 5 cánh ghi số hiệu GPS 0001. Trên biểu tượng Mũi Cà Mau có ghi tọa độ 8º37’30” độ vĩ Bắc – 104º43’ độ kinh Đông. Mũi Cà Mau cùng với cực Bắc Lũng Cú, cực Tây A Pa Chải, cực Đông Mũi Đôi được coi là các điểm cực trên đất liền của Việt Nam. Thực tế, về mặt địa lý Mũi Cà Mau không phải là điểm Cực Nam mà chỉ nằm trong vùng Cực Nam của Việt Nam. Nhìn trên bản đồ các bạn sẽ thấy, điểm Cực Nam này sẽ phải nằm ở khu vực xã Viên An, Ngọc Hiển. Tuy vậy, do đã nằm sâu trong tiềm thức nên hầu hết người dân Việt Nam đều coi đây là điểm Cực Nam của Tổ Quốc.
Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm được mặt trời mọc lên từ mặt biển Đông vào buổi sáng và lặn xuống mặt biển Tây vào buổi chiều. Xung quanh Mũi Cà Mau là vùng biển cạn, khi thủy triều lớn nhất, nước biển cũng chỉ ngập trên dưới 1 mét, khi thủy triều rút, bãi bồi phơi ra, kéo dài ra biển hàng cây số.
Nhìn trên bản đồ, thực tế vị trí Cực Nam sẽ nằm ở phía chấm đỏ (Ảnh – cungphuot.info) |
Mũi Cà Mau nằm trong khu vực Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, với hơn 42.000 ha đất liền và bãi cạn. Ở đây có rừng đước Năm Căn, có bãi Khai Long hùng vĩ. Quanh khu vực Mũi Cà Mau có một hệ động thực vật tự nhiên rất đặc trưng và phong phú. Động vật có cá, tôm, cua, sò, vọp, ốc len… Thực vật có mắm, đước, vẹt, cóc, bần… Mắm là loài cây tiên phong đi lấn biển. Đước là loài cây theo sau giữ đất để bồi đắp cho Mũi Cà Mau luôn vươn dài ra biển.
Nên du lịch mũi Cà Mau vào thời gian nào?
Nên lựa thời điểm mùa khô để có những bức ảnh đẹp khi tới Đất Mũi (Ảnh – hipdayne) |
Với đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiệt độ trung bình của Cà Mau thuộc dạng cao so với các tỉnh miền Tây khác. Khí hậu được chia làm hai mùa rõ rệt với mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11. Muốn có những bức ảnh đẹp về mảnh đất Cực Nam các bạn nên đến đây vào mùa khô để tránh những cơn mưa rào bất chợt của mùa mưa.
Hướng dẫn đi tới mũi Cà Mau
Đi tới Cà Mau
Để tới được mũi Cà Mau, các bạn cần đến được trung tâm của tỉnh là Tp Cà Mau trước (thực ra có thể đến thẳng Năm Căn rồi đi, nhưng như thế chặng đường dài thêm, có thể dừng chân ở Tp Cà Mau để nghỉ ngơi) rồi từ đó tiếp tục hành trình.
Phương tiện cá nhân
Ô tô
Đường bộ tới Cà Mau về cơ bản đã khá đẹp, đường không to nhưng cũng dễ đi. Trước kia, xe chỉ có thể đến được Năm Căn nhưng hiện nay đã có thể tới tận Đất Mũi (Ảnh – cungphuot.info) |
Với khoảng cách từ trung tâm Sài Gòn tới Tp Cà Mau chừng 300km, việc di chuyển tới Cà Mau bằng ô tô cá nhân sẽ mất chừng 8 tiếng tùy thuộc vào lộ trình các bạn lựa chọn. Chặng đường phổ biến nhất (nhưng quãng đường không phải là ngắn nhất) là theo tuyến cao tốc Trung Lương rồi cứ bám thẳng theo QL1A sẽ tới.
Xe máy
Tương tự như khi đi bằng ô tô, lộ trình đơn giản và thuận tiện nhất là đi theo QL1A. Tuy nhiên, tùy thuộc vào kế hoạch riêng và các điểm dừng trên đường các bạn có thể chọn lộ trình đi qua các tỉnh miền Tây sao cho phù hợp. Do xe máy nhỏ gọn và cơ động hơn nên có thể đi các tuyến đường tỉnh lộ nhỏ, các tuyến đường phải đi qua phà mà không phải lo tới việc chậm trễ như khi đi bằng ô tô.
Phương tiện công cộng
Máy bay
Với những bạn không có thời gian, các bạn có thể sử dụng phương tiện máy bay để rút bớt thời gian cho lộ trình của mình. Chặng bay Sài Gòn – Cà Mau được khai thác hàng ngày với thời gian bay chỉ chừng 1 tiếng sẽ giúp bạn làm được điều này. Các bạn ở miền Bắc và miền Trung cũng có thể lựa chọn các chuyến bay tới Tân Sơn Nhất rồi sau đó nối chuyến đi Cà Mau.
Cập nhật
Từ tháng 4/2023, hãng hàng không BamBoo đã mở đường bay thẳng từ Hà Nội tới Cà Mau với tần suất 3 chuyến 1 tuần. Thời gian bay vào khoảng hơn 2 tiếng, các bạn từ Hà Nội có thể sử dụng đường bay này nếu không có nhiều thời gian.
Xe giường nằm
Từ bến xe Miền Tây ở Sài Gòn, liên tục có các chuyến xe giường nằm chất lượng cao đi Cà Mau. Các bạn có thể lựa chọn các chuyến xe đêm, ngủ một giấc trên xe là sáng hôm sau đã có mặt ở Tp Cà Mau rồi. Từ đây các bạn tiếp tục di chuyển tới mũi Cà Mau để khám phá.
Từ Cà Mau đi Đất Mũi
Phương tiện cá nhân
Với tuyến đường đã hoàn toàn thông suốt, việc di chuyển thẳng ra Đất Mũi bằng phương tiện cá nhân khá dễ dàng (Ảnh – cungphuot.info) |
Nếu mang theo phương tiện riêng, các bạn có thể chạy thẳng một mạch từ Tp Cà Mau tới Đất Mũi, quãng đường chừng 120km đã thông tuyến hoàn toàn nên việc di chuyển vô cùng thuận lợi. Xe có thể chạy tới tận cổng của khu du lịch (dành cho xe dưới 16 chỗ).
Phương tiện công cộng
Xe máy
Các bạn có thể lựa chọn thuê xe máy ở Tp Cà Mau để làm phương tiện di chuyển sau khi đã tới được đây. Việc thuê xe sẽ giúp bạn có thể đến thêm được nhiều địa điểm du lịch khác ở Cà Mau ngoài Đất Mũi.
Tàu cao tốc
Từ bến tàu cao tốc Cà Mau có các chuyến tàu di chuyển tới Đất Mũi (cách khoảng vài km, các bạn cần đi thêm một chuyến xe ôm). Phương án này cho các bạn thích trải nghiệm đường sông, thay vì đường bộ.
Ô tô khách
Từ bến xe Cà Mau có một số tuyến xe khách chạy thẳng tới cổng Khu du lịch Đất Mũi, các bạn nếu đi xe giường nằm tới đây và tiếp tục muốn sử dụng ô tô để đi lại có thể liên hệ các nhà xe đón mình.
- Trường Giang – 0917666811
- Đen Mập – 0945806805
- Hai Nhỏ – 0913958039
Đi lại ở Đất Mũi
Đi bộ
Khu vực Đất Mũi về cơ bản cũng không quá rộng, các bạn đi bộ tất cả các địa điểm cũng chỉ mất chừng 1 tiếng là thoải mái. Các tuyến đường đều đã được trải bê tông sạch sẽ nên dễ dàng cho hầu hết các nhóm đối tượng kể cả trẻ em.
Xe điện
Ngay cổng khu du lịch có bán vé xe điện với mức giá 10k/1 người. Nếu đoàn có nhiều người già, các bạn có thể sử dụng dịch vụ này. Xe điện sẽ đưa khách du lịch vào điểm xa nhất rồi từ đó du khách chỉ cẩn đi bộ ngược trở ra.
Lưu trú ở mũi Cà Mau
Với hầu hết du khách, lựa chọn thường thấy là tới tham quan mũi Cà Mau trong ngày rồi sau đó quay lại Tp Cà Mau hoặc một địa điểm tiếp của hành trình. Nhưng nếu là một người thích lang thang, rong ruổi, thích khám phá tìm hiểu văn hóa địa phương tại mỗi điểm đến, chắc hẳn các bạn sẽ rất thích ở lại Đất Mũi trong 1-2 ngày. Khu vực này có một số homestay của người dân địa phương, ngoài việc ngủ lại ngay trong những khu nhà trên sông các bạn còn thể tham gia các hoạt động bắt cua, câu cá, tìm hiểu hệ sinh thái bãi bồi và đi tìm bắt ba khía buổi tối.
Một số khách sạn tốt ở Tp Cà Mau
Khách sạn ở giảm giá trong tháng 12
Thư Duy Resort
Địa chỉ: 323 Lý Thường Kiệt, Khóm 9, Thành phố Cà Mau, Cà Mau
Điện thoại:
0852334434
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Khách Sạn Ánh Nguyệt
Địa chỉ: 207 Đường Phan Ngọc Hiển, Phường 6, Thành phố Cà Mau, Cà Mau
Điện thoại:
0290 3567666
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Mường Thanh Luxury Ca Mau
Địa chỉ: C3A Khu trung tâm hành chính chính trị, Phường 9, Tp Cà Mau, Cà Mau
Điện thoại:
0290 2228888
Xem giá phòng ưu đãi từ:
Nội dung
Các địa điểm tham quan
Khu du lịch Mũi Cà Mau
Mốc tọa độ Quốc gia
Chính giữa Khu du lịch là Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001 (cây số 0) của Việt Nam. Đây là một cột mốc lớn, được xây dựng rất đẹp, có hình dạng ngôi sao sáu cánh ở giữa có một cái lỗ hình vuông là tâm của cột mốc.
Cột cờ Hà Nội
Công trình mang ý nghĩa dấu ấn lịch sử, giáo dục truyền thống dân tộc do chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội trao tặng chính quyền và nhân dân tỉnh Cà Mau. Đây là biểu tượng của niềm tự hào thống nhất non sông trên dải đất thân thương hình chữ “S” hướng ra biển Đông thiêng liêng của Tổ quốc.
Biểu tượng con tàu
Tiểu cảnh panô với hình tượng con tàu luôn hướng ra biển khơi như hai câu thơ Xuân Diệu đã viết về Cà Mau:
“Tổ quốc tôi như một con tàu;
Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”.
Trên cánh buồm với dòng chữ “Mũi Cà Mau”, toạ độ: 8º37’30” Vĩ Độ Bắc, 104°43′ Kinh Độ Đông.
Điểm cuối đường Hồ Chí Minh
Km 2436 của đường Hồ Chí Minh thuộc Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Con đường bắt đầu từ Pác Bó – Cao Bằng đi qua 28 tỉnh thành phố và kết thúc ở điểm cực nam của Tổ quốc. Công trình gồm tượng đài và hai bức phù điêu ở Đất Mũi.
Đền thờ Lạc Long Quân
Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ hướng về biển Đông. Đây được xem là cụm công trình thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn. Hình tượng người mẹ cạnh Đền thờ cha Lạc Long Quân tại vùng đất cực Nam Tổ quốc – nơi “Đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi”, là sự tri ân của lớp con cháu hôm nay với tổ tiên đã “lên rừng, xuống biển” mở mang bờ cõi.
Đài quan sát
Đài quan sát cho phép du khách có thể nhìn toàn cảnh vùng đất tận cùng của Việt Nam. Trước đây đài quan sát gồm 3 tầng, cao khoảng 21 mét, nhưng hiện tại chỉ còn một tầng.
Biển tượng con cua
Cua biển Cà Mau nói chung, cua biển Năm Căn nói riêng được đánh giá là loại cua ngon nhất cả nước, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, do chúng được nuôi hầu hết ở môi trường sinh thái tự nhiên trong các vuông tôm kết hợp trồng rừng và vùng bãi bồi ven biển. Vùng đất này có phù sa màu mỡ, giàu khoáng chất, sinh vật biển tạo nguồn thức ăn dồi dào cho cua nên thịt cua ngon hơn các vùng khác. Chính bởi vậy, ngay trong khuôn viên khu du lịch mũi Cà Mau cũng đã xây dựng biểu tượng hình con cua để như ngầm nhắc du khách không nên bỏ lỡ món đặc sản này khi đã tới đây.
Khu du lịch Khai Long
Trên con đường tới Đất Mũi, các bạn sẽ đi ngang qua khu du lịch Khai Long. Đây là khu tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng kết hợp tâm linh. Khu du lịch có vị trí tại ấp Khai Long, xã Đất Mũi. Đến đây, du khách được tham quan phong cảnh hoang sơ, vui chơi giải trí, viếng Tượng đức Bồ tát Quan Thế Âm… Từ đây cũng có thể nhìn thấy Hòn Khoai ngoài biển.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau
Năm 2018, tuyến tham quan xuyên rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được khai trương, tạo nên hình thức tham quan trải nghiệm mới cho du khách khi đến Mũi Cà Mau. Khi tham gia tour du lịch xuyên rừng, dạo chơi trên những tuyến kênh bằng ca nô hoặc vỏ lãi, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị cùng các món ăn ngon là đặc sản vùng đất mũi. Chi phí dao động từ 800 – 2200k, tùy theo loại phương tiện, số lượng khách tham gia và tuyến tham quan.
Tuyến 1
- Lộ trình: Rừng ngập mặn – Bãi bồi
- Chiều dài: 20 km
- Hành trình: Khu du lịch mũi Cà Mau – Kênh Rạch Mũi (Xóm Mũi) – Kênh Lạch Vàm (điểm dừng chân tham quan mô hình hàu lồng) – Kênh 8 Thương (điểm dừng chân tham quan rừng ngập mặn) – Kênh 3 Màng (điểm dừng chân tham quan trải nghiệm bãi bồi ven biển tây) – Rạch Bàu Nhỏ (điểm dừng chân du lịch cộng đồng) – Khu du lịch Mũi Cà Mau
Tuyến 2
- Lộ trình: Bãi bồi ven biển Đông – Rừng ngập mặn – Bãi bồi ven biển Tây
- Chiều dài: 23 km
- Hành trình: Khu du lịch mũi Cà Mau – Kênh Rạch Mũi – Bờ kè du lịch Mũi – Kênh 3 Màng (điểm dừng chân tham quan trải nghiệm bãi bồi ven biển tây) – Kênh 8 Thương (điểm dừng chân tham quan rừng ngập mặn) – Kênh Lạch Vàm (điểm dừng chân tham quan mô hình hàu lồng) – Kênh Rạch Mũi – Khu du lịch Mũi Cà Mau
Tuyến 3
- Lộ trình: Quần thể Rừng tự nhiên – Cồn Ông Trang
- Chiều dài: 5 km
- Hành trình: Khu du lịch mũi Cà Mau – Rạch Bàu Nhỏ (điểm dừng chân du lịch cộng đồng) – Kênh Lạch Vàm – Kênh 3 Màng – Kênh Sinh Quyển (hoặc Kênh Đào) – điểm dừng chân Cái Môi – Kênh Hồng Dân – Rạch Xẻo Dưới – Cồn Ông Trang (điểm dừng chân Bãi bồi – Cồn Ông Trang) – Rạch Còng Cọc – Rạch Cái Bát – Rạch Cái Đôi Nhỏ (ngang trạm kiểm lâm Cái Đôi) – Sông Rạch Tàu (Đi ngang Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau) – Kênh Rạch Mũi – Khu du lịch mũi Cà Mau
Tuyến 4
- Lộ trình: Giếng Trời – Rừng nguyên sinh
- Chiều dài: 24 km
- Hành trình: Khu du lịch mũi Cà Mau – Kênh Rạch Mũi (Xóm Mũi) – Kênh 5 (điểm trung chuyển) – Kênh Mả Đá – Kênh Cạp Chòi – Giếng Trời (điểm tham quan rừng nguyên sinh) – Kênh 3 (điểm trung chuyển) – Kênh Sinh Quyển hoặc Kênh Đào (tham quan hệ sinh thái rừng trên đất bãi bồi) – Rạch Bàu Nhỏ (điểm dừng chân du lịch cộng đồng) – Khu du lịch mũi Cà Mau
Ăn gì khi đến mũi Cà Mau
Cua biển
Cua biển là loại hải sản có giá trị kinh tế cao và quen thuộc đối với nhiều người dân vùng đất Đất Mũi Cà Mau. Thịt cua biển rất bổ dưỡng và chế biến được nhiều món ăn ngon và hấp dẫn. Trong đó, cua biển rang me là một món ăn được nhiều người ưa thích, bạn có thể dễ dàng thưởng thức món này ở trong bất kỳ nhà hàng quán ăn nào vùng Đất Mũi.
Ba khía
Ba khía là loài giáp sát, nhỏ hơn và có hình dáng như con cua nhưng lớn hơn con còng. Ba khía thường có càng to, sống chủ yếu ở vùng đất ngập mặn ven sông, ven biển. Ở Cà Mau, ba khía sống tập trung nhiều ở vùng đất nuôi tôm, ven các tuyến sông rạch, bãi bồi và vùng đất rừng ngập mặn Mũi Cà Mau. Riêng ba khía vùng Rạch Gốc, Ngọc Hiển nhờ ăn nhiều trái mắm đen chín rụng mà luôn đầy gạch, chắc thịt và thơm ngon hơn ba khía ở những vùng khác. Lâu nay, ba khía Rạch Gốc đã trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng Đất Mũi Cà Mau. Ba khía có thể chế biến được nhiều món ăn như ba khía muối (mắm ba khía), hấp, luộc, rang muối… nhưng độc đáo nhất, ngon nhất, hấp dẫn nhất phải kể là ba khía rang me.
Cá thòi lòi
Ở vùng Đất Mũi có cá thòi lòi với cặp mắt to, sống trong hang, biết leo cây, di chuyển rất nhanh. Trong thực đơn, thòi lòi là món ăn khoái khẩu của nhiều du khách, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Cá thòi lòi có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, thịt cá thơm, ngon, ngọt.
Cá ngát
Cá ngát là một trong những đặc sản nổi tiếng và có giá trị kinh tế cao của vùng Đất Mũi Cà Mau. Nếu như các loại cá nước mặn khác như cá chẽm, cá mú, cá nâu, cá kèo, cá bớp… người dân có thể mua con giống về nuôi trong lồng bè hoặc các ao đầm nuôi tôm thì riêng cá ngát chỉ sống trong môi trường tự nhiên và chưa được người dân Cà Mau nuôi nhốt. Cá ngát có giá trị kinh tế tương đối cao. Cá ngát có thể chế biến được nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như nấu canh chua cơm mẻ, nấu canh chua dưa môn, kho trái giác, kho lạt, nướng, chiên sả, làm khô… Cá ngát từ lâu là một đặc sản không thể thiếu của vùng đất ngập mặn ven biển Mũi Cà Mau.
Nghêu
Do ảnh hưởng của dòng hải lưu Bắc – Nam, cùng với sự hình thành Mũi Cà Mau, theo năm tháng chế độ thủy triều bồi lắng đã hình thành nên bãi cát Khai Long chạy dài gần 4km, rộng khoảng 230 ha. Bãi Khai Long cạn, nền đáy pha cát, có địa hình tương đối bằng phẳng nên rất thích hợp cho loài nghêu biển sinh sống, trú ngụ. Đây là loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, có giá trị kinh tế cao. Trữ lượng ước tính ở bãi nghêu Khai Long có thể lên đến hàng trăm tấn. Chính vì thế, cư dân trong vùng gọi đây là “mỏ nghêu” vùng Đất Mũi Cà Mau. Nghêu Khai Long ít ngậm cát, to con, mập ú, nhiều thịt, thịt ngon ngọt, chế biến được nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng.
Sò huyết
Ở Cà Mau, sò huyết có nhiều ở bãi bồi Mũi Cà Mau và các kinh, rạch trong rừng đước. Ngày nay chúng còn được người dân nuôi trong các vuông nuôi tôm, rất mau lớn và đạt năng suất cao. Sò huyết có thể làm nhiều món, nhưng ở Đất Mũi ngon nhất có lẽ là đem nấu cháo. Cháo sau khi nấu chín, nêm nếm gia vị xong, đổ ruột sò huyết vào, trộn đều và nhấc xuống khỏi bếp là đã có một nồi cháo bổ dưỡng và ngon tuyệt vời.
Hàu
Ở Cà Mau, ngoài hàu từ thiên nhiên, người dân còn nuôi hàu bằng lồng và tập trung nhiều ở xã Đất Mũi. Thịt hàu rất ngon lại giàu chất dinh dưỡng, có chứa protein, glucid, chất béo, kẽm, magiê, canxi,…tốt cho sức khỏe có thể chế biến thành nhiều món ngon như hàu nấu cháo, nấu lẩu, chiên giòn… Tuy nhiên, hàu nướng mỡ hành mới là “đúng sách” vì món này rất thơm ngon và giữ lại gần như nguyên vẹn vị ngon ngọt của nó.
Vọp
Con vọp là loài động vật nhuyễn thể hai mảnh, hình dạng giống con nghêu, con sò nhưng to hơn gấp 3 lần. Chúng sống ở các bãi bồi, cửa biển, rừng ngập mặn của một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Đặc biệt, tại Ngọc Hiển và Năm Căn, vọp sinh sống rất nhiều, thịt dai và ngọt hơn các nơi khác. Thịt vọp chế biến được rất nhiều món, đơn giản và nhanh nhất là luộc vọp chấm nước mắm chua ngọt, nếu cầu kì thêm một tý thì nên luộc vọp với gừng, ăn sẽ đậm đà hơn.
Ghẹ
Ghẹ là một trong những đặc sản của vùng Đất Mũi Cà Mau. Ghẹ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon và hấp dẫn như nướng, rang muối, nấu bánh canh… Tuy nhiên, ghẹ luộc là món ăn dễ chế biến, chế biến nhanh và hấp dẫn nhiều người. Ở Cà Mau có 2 loại ghẹ: ghẹ sinh sống, đánh bắt được ở trên biển tương đối lớn con; ghẹ sinh sống trong sông rạch và các ao đầm nuôi tôm có thân hình nhỏ con hơn nhiều so với ghẹ biển. Có một điều đặc biệt là ghẹ Cà Mau chỉ được sinh sống trong môi trường tự nhiên, không có nuôi nhốt nên thịt săn chắc, ngon ngọt và gạch thì béo ngậy không chê vào đâu được.
Tôm sú nướng
Tôm sú là một trong những loại hải sản giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao và có sản lượng lớn trong nuôi trồng, khai thác thủy sản Cà Mau. Chỉ cần lựa chọn những con tôm còn tươi, ngon nhất là những con tôm vừa mới được bắt lên, còn sống, rửa sạch, để ráo nước rồi cho lên vỉ nướng trên bếp than hồng. Tôm sú nướng chấm với muối tiêu chanh hoặc nước mắm chua ngọt và ăn kèm với rau răm, rau thơm, hún lủi, quế, dưa leo… và cũng có thể cuốn bánh tráng với rau sống, chấm mắm nêm theo sở thích của mỗi người.
Ốc len
Ốc len là loại nhuyễn thể, sống phổ biến ở rừng ngập mặn và là một món ăn đặc sản Cà Mau, nổi tiếng của tỉnh Cà Mau. Thịt ốc len có hương vị rất đặc biệt, vừa thơm, vừa ngọt, vừa béo. Thường người ta có hai cách chế biến là xáo nước cốt dừa và xào sả ớt.
Rau bồn bồn
Từng một thời được xem là loài cây hoang dại, bồn bồn giờ đây đã “vươn mình” trở thành một loại đặc sản trứ danh của vùng Đất Mũi Cà Mau. Cây bồn bồn vốn bình dị là vậy, nhưng khi được người dân nơi đây tinh tế chế biến, nó đã được biến tấu thành nhiều món đặc sản hấp dẫn. Đặc biệt, món dưa chua giòn ngọt bồn bồn rắng nõn nà, khi ăn có vị chua, giòn, ngọt và sần sật.
Lịch trình khám phá mũi Cà Mau
Sài Gòn – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau
Lịch trình này phù hợp cho các bạn sử dụng phương tiện cá nhân, chinh phục mũi Cà Mau là mục tiêu chính. Trên đường đi tranh thủ khám phá một số địa điểm dọc đường.
Ngày 1: Sài Gòn – Sóc Trăng
Quãng đường từ Sài Gòn tới Sóc Trăng chừng hơn 200km, nếu di chuyển theo tuyến QL1A qua Cần Thơ sẽ nhanh hơn vì không phải đi phà, tuy nhiên nếu thích các bạn có thể đi theo tuyến đường qua Tp Trà Vinh, bến phà Đại Ngãi – Cù Lao Dung để tới Tp Sóc Trăng.
Cù Lao Dung cũng là địa điểm du lịch sinh thái khá hấp dẫn của tỉnh Sóc Trăng với những vườn cây ăn trái trĩu quả cùng khu rừng bần ngập nước.
Ngày 2: Sóc Trăng – Bạc Liêu
Khám phá một số địa điểm du lịch nổi tiếng của Sóc Trăng như Chùa Dơi, chùa Đất Sét, trên đường di chuyển sang Bạc Liêu ghé vào chùa Chén Kiểu. À đừng quên thường thức món bún gỏi dà nổi tiếng của Sóc Trăng vào buổi sáng.
Với khoảng cách giữa 2 thành phố chỉ chừng 50km nên việc di chuyển không mất quá nhiều thời gian. Khoảng buổi trưa các bạn đã có mặt ở Tp Bạc Liêu.
Ghé thăm nhà Công tử Bạc Liêu, nhà hát Cao Văn Lầu… rồi di chuyển ra phía biển để check-in với Cánh đồng điện gió đẹp nhất Việt Nam, chùa Xiêm Cán, vườn nhãn cổ… chiều tối thưởng thức món bánh xèo rồi quay lại trung tâm Tp Bạc Liêu ngủ.
Ngày 3: Bạc Liêu – Đất Mũi – Tp Cà Mau
Sáng dậy sớm, thưởng thức món bún bò cay đặc sản Bạc Liêu. Di chuyển thẳng đi Cà Mau, trên đường di chuyển qua Thị xã Giá Rai có thể ghé thăm nhà thờ Tắc Sậy (nhà thờ Cha Diệp).
Vì quãng đường từ Tp Bạc Liêu tới Đất Mũi vào khoảng gần 200km nên các bạn cố gắng đi sớm, khoảng trưa sẽ tới được Đất Mũi.
Sau khi dừng chơi chụp ảnh với vùng Cực Nam của Tổ Quốc, tối các bạn di chuyển lại về Tp Cà Mau nghỉ đêm.
Ngày 4: Tp Cà Mau – Tp Cần Thơ
Sáng dậy thong thả nghỉ ngơi do hôm trước chạy dài, sau khi ăn sáng cafe xong các bạn đi theo tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp, chặng đường chỉ chừng 150km nên đi cũng khá nhàn, chừng hơn 3 tiếng sẽ về tới Tp Cần Thơ.
Chiều khám phá một số địa điểm ở Tp Cần Thơ, tối dạo bến Ninh Kiều.
Ngày 5: Cần Thơ – Sài Gòn
Dậy sớm đi chợ nổi Cái Răng, tùy vào thời gian mà các bạn có thể chơi ở Cần Thơ đến chiều rồi sau đó trở về Sài Gòn hoặc chạy thẳng qua Vĩnh Long chơi rồi mới về lại Sài Gòn.
Tìm trên Google:
- kinh nghiệm du lịch mũi Cà Mau 2024
- du lịch mũi Cà Mau tháng 12
- tháng 12 mũi Cà Mau có gì đẹp
- review mũi Cà Mau
- hướng dẫn đi mũi Cà Mau tự túc
- ăn gì ở mũi Cà Mau
- phượt mũi Cà Mau bằng xe máy
- mũi Cà Mau ở đâu
- đường đi tới mũi Cà Mau
- chơi gì ở mũi Cà Mau
- đi mũi Cà Mau mùa nào đẹp
- địa điểm chụp ảnh đẹp mũi Cà Mau
- homestay giá rẻ mũi Cà Mau