Đá Ba Chồng, danh thắng chênh vênh ở Đồng Nai

Đá Ba Chồng, danh thắng chênh vênh ở Đồng Nai

Cùng Phượt – Tại thắng cảnh Đá Ba Chồng, những khối đá to lớn, có nhiều hình thù, hình thành hàng triệu năm trước do biến đổi địa chất của trái đất.

Danh thắng Đá Ba Chồng nằm ven Quốc lộ 20 (huyện Định Quán, Đồng Nai), cách TP HCM hơn 100 km, được tạo thành từ nhiều tảng đá lớn. Đây là một vùng núi đá có diện tích hơn 8 ha, độ cao trung bình trên 100 m so với mực nước biển, thành phần chủ yếu là đá Granodiopit.

Nổi tiếng nhất là quần thể gồm ba tảng đá lớn xếp chồng lên nhau với độ cao gần 40 m, ở ngay cạnh Quốc lộ 20. Cái tên Đá Ba Chồng cũng xuất phát từ hình ảnh ba tảng đá này.

Trải qua các lần biến đổi địa chất của trái đất, những năm tháng núi lửa phun trào nhưng ba tảng đá vẫn sừng sững.

Đá ở đây đều có kích thước khổng lồ, có những tảng to bằng cả tòa nhà, xung quanh cây cối mọc chằng chịt. Để tham quan được danh thắng, du khách gửi xe tại Trung tâm Văn hóa huyện Định Quán và đi ra phía sau dãy nhà của trung tâm.

Cụm núi hòn Dĩa nằm phía sau Trung tâm văn hóa huyện. Nơi đây có nhiều đá tảng công kênh, trong đó tảng to nhất nằm trên một tảng đá nhỏ hơn nhiều, với độ cao khoảng 43 m.

Phía tây nam cụm núi Đá Voi, còn gọi là Bạch Tượng, có hình như hai con voi lớn nằm cạnh nhau. Hòn đá có tượng Phật được ví là voi đực, kế bên gọi là voi cái.

Trên đỉnh của Đá Voi có tượng Phật Thích Ca của chùa Thiên Chơn, được xây dựng những năm 1970.

Những tảng đá to lớn chụm vào nhau lại thêm cây cối mọc um tùm tạo nên những hang động bí ẩn. Tương truyền, trong những hang ở đây từng có cặp cọp trắng sinh sống, không làm hại ai.

Dưới các mái đá, khe suối, sườn dốc ven thung lũng đã phát hiện nhiều công cụ sản xuất, sinh hoạt của người tiền sử bằng đá, đồng, đất nung.

Tại một số hòn, tình trạng nứt vỡ đá xảy ra. Theo người dân địa phương, nơi này chưa có tai nạn nào từ việc đá đổ hay lăn đè.

Từ lâu, người dân trong vùng vẫn xây nhà, sinh hoạt, trồng trọt ngay cạnh những tảng đá ở đây.

“Em thấy mình nhỏ bé khi đứng cạnh những tảng đá to lớn như vậy. Những khối đá đủ hình thù xếp chồng lên nhau tạo cảm giác như có thể rơi bất cứ lúc nào. Chính điều này lại thu hút du khách đến đây”, Phan Trúc Ly (17 tuổi) chia sẻ.

Theo Quỳnh Trần / VnExpress

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 21 bình chọn và điểm trung bình là 4.7

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Đồng Nai

ĐỒNG NAI

Vị trí Đồng Nai trên bản đồ Việt Nam

Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, là cửa ngõ phía đông Sài Gòn và là một trung tâm kinh tế lớn của cả phía Nam, nối Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên với toàn bộ vùng Đông Nam Bộ.

Đồng Nai có nhiều di tích lịch sử, văn hoá và các điểm du lịch có tiềm năng: Văn miếu Trấn Biên (Biên Hòa), đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, khu du lịch Bửu Long, khu du lịch ven sông Đồng Nai, Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, làng bưởi Tân Triều, khu du lịch sinh thái Thác Mai – hồ nước nóng, Đảo Ó, chiến khu Đ, mộ cổ Hàng Gòn, đàn đá Bình Đa, khu du lịch thác Giang Điền, khu du lịch Long Châu Viên (Xuân Tân, Long Khánh), khu du lịch Vườn Xoài, khu di tích cấp quốc gia núi Chứa Chan (núi Gia Lào), Hồ Núi Le (Xuân Lộc), trung tâm hành hương Đức Mẹ núi Cúi (Gia Kiệm), khu du lịch Suối Mơ, làng du lịch Tre Việt, khu du lịch Bò Cạp Vàng, khu du lịch sinh thái Thuỷ Châu.

Bạn có biết: Đồng Nai là một địa bàn đa tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Tin Lành, Cao đài, Hòa Hảo, Hồi giáo… Trong đó, Công giáo và Phật giáo là hai tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất.

  • Diện tích: 5.905,7 km²
  • Dân số: 3.348.107 người
  • Phân chia hành chính: 2 thành phố, 9 huyện
  • Vùng: Đông Nam Bộ
  • Mã điện thoại: 251
  • Biển số xe: 60,39