4 ngọn thác hùng vĩ của Đắk Lắk

4 ngọn thác hùng vĩ của Đắk Lắk

Cùng Phượt. Đến với mảnh đất này, ngoài cà phê các bạn còn được chiêm ngưỡng rất nhiều ngọn thác hùng vĩ của Đắk Lắk. Ngoài Đray Nu và Đray Sap đã quá nổi tiếng, các bạn còn có thể gặp một thác Bảy nhánh trông như bàn tay khổng lồ, thác Krông Kmar mềm mại như mái tóc dài của người thiếu nữ tung bay giữa cao nguyên xanh thẳm.

Thác Đray K’nao

Thác Đray K’nao (Ảnh – thao tran)

Không tuôn ào ạt từ trên cao như những ngọn thác khác của cao nguyên này, dòng nước của thác Đray K’nao vặn mình uốn lượn qua những tảng đá to chắn ngang, những chùm rễ si siết chặt vào nhau như muốn tìm đến nơi nào đó mênh mông hơn, tạo nên những âm thanh hùng hồn như những khúc sử thi của vùng đất này.

Du khách có thể lựa chọn những tảng đá ngay bên lòng cuối để nghỉ ngơi, ăn uống (Ảnh – Nam Lương Hữu)

Những bóng cây cổ thụ, những tảng đá san sát, rộng rãi thoải mái cho du khách ngả lưng, nghe chênh vênh đất trời, nghe chim hót, nghe nước mát rượi dưới chân.

Thác Krông Kmar

Khu du lịch Thác Krông K’Mar (Ảnh – Tuan Truong)

Không bắt nguồn từ sông Sêrêpốk như những ngọn thác khác chảy Tây Nguyên, Krông Kmar bắt nguồn từ một dòng sông treo mình trên đỉnh núi. Vì thế, nhìn từ xa, thác trông như mái tóc dài sơn nữ chảy giữa đỉnh Cư Yang Sin hùng vĩ, rồi vươn dài tắm mát cho những đồng lúa xanh rì của huyện Krông Bông.

Những tảng đá tự nhiên nằm giữa suối (Ảnh – Mai Ngọc Lê)

Nét duyên riêng của thác là những phiến đá hiền lành say ngủ giữa lòng thác trông như đàn voi đang ngâm mình trong nước sau một chuyến đi dài. Khuyết điểm lớn nhất của thác này là đường tới đây rất khó đi.

Thác Bay

Thác Bay trong Khu bảo tồn Ea Sô (Ảnh – Đỗ Tuấn Hưng)

Nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, thác Bay quyến rũ du khách bởi nét hoang sơ của dòng nước cao hơn 20m, xô đẩy vào nhau nổi bật trên cái màu xám, cái gai góc của những tảng đá xung quanh, cả nét mềm mại của những dòng nước ẩn hiện giữa những đám rễ phụ của cây rừng đan xen vào nhau, hay nét hoang dã của ngọn thác chưa có sự xâm phạm quá nhiều của con người. Ngoài việc chiêm ngưỡng dòng thác, du khách còn chiêm ngưỡng khu bảo tồn Ea Sô, ngắm những con thú tung tăng đi lại hay thưởng thức món cá suối nướng thơm ngon.

Thác Bảy Nhánh

Thác Bảy Nhánh thuộc buôn N‟DRêch, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 35km về hướng tây bắc.

Thác Bảy Nhánh nằm gần khu du lịch Buôn Đôn (Ảnh – Blue Fam)

Nhìn từ trên cao nhìn xuống, thác Bảy Nhánh như một bàn tay khổng lồ có bảy ngón xòe ra giữa, mà “cổ tay” là đầu thác rộng khoảng 500m. Mỗi nhánh của thác khi đổ xuống lòng hồ sâu dưới chân thác phân nơi đây thành những địa hình khác nhau. Nhánh thứ nhất dày đặc cây và si. Nhánh hai, ba, bốn bốn có nhiều ghềnh đá nhô ra tạo nên những bậc nước khác nhau. Nhánh thứ năm là bãi đá suối nhẵn bóng. Khi mệt mỏi có thể nghỉ ngơi, uống rượu cần trên các sàn gỗ dựng các cành trên cành si nghe tiếng gió, tiếng nước.

Những cây cầu mây bắc ngang dòng suối (Ảnh – Dau Vu Chau)

Ngoài cảm giác phiêu lưu khi lách qua những rễ si, những cây cổ thụ to lớn khi đến thác, việc cưỡi voi dạo rừng, hay lang thang trên suối bằng xuồng độc mộc cũng thú vị không kém.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 32 bình chọn và điểm trung bình là 4.7

Chưa có đánh giá nào

Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Đắk Lắk

ĐẮK LẮK

Vị trí Đắk Lắk trên bản đồ Việt Nam

Đắk Lắk là một tỉnh có diện tích lớn thứ 4 nằm ở trung tâm Tây Nguyên. Du lịch Đắk Lắk đang có lợi thế với nhiều địa danh cho phép khai thác theo hướng kết hợp cảnh quan, sinh thái, môi trường và truyền thống văn hoá của nhiều dân tộc trong tỉnh như hồ Lắk, Thác Gia Long, cụm du lịch Buôn Đôn, Thác Krông Kmar, Diệu Thanh, Tiên Nữ… bên cạnh các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Chư Yang Sin, Easo…

Bạn có biết: Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại được thế giới công nhận.

  • Diện tích: 13.030,5 km²
  • Dân số: 1.869.322 người
  • Vùng: Tây Nguyên
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, 13 huyện
  • Mã vùng điện thoại: 0262
  • Biển số xe: 47