Các món ăn ngon ở Đắk Lắk

Các món ăn ngon ở Đắk Lắk (Cập nhật 03/2024)

Cùng Phượt – Đắk Lắk có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, lại là mảnh đất có địa hình nhiều đồi núi, sông suối nên thường có nhiều sản vật, nguyên liệu từ núi rừng như đọt mây, măng, cá suối… Từ đó các món ăn ngon ở Đắk Lắk được người dân địa phương tận dụng từ những nguồn nguyên liệu này để chế biến ra những món ăn độc đáo, phù hợp với đặc trưng vùng miền và mang đậm chất núi rừng Tây Nguyên. Đến với Đắk Lắk, ngoài khám phá các địa danh đẹp các bạn đừng quên thưởng thức ẩm thực cũng như mua các loại đặc sản của vùng đất này về làm quà cho gia đình, bạn bè.

Cà phê là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Đắk Lắk (Ảnh – yellowcarrotcreations)

©Bản quyền hình ảnh: Trong bài viết có sử dụng một số hình ảnh được tìm kiếm thông qua công cụ Google Image của các tác giả yellowcarrotcreations, ngoc_rosagirl, quyenduktrung, mcvietthao, trinhlamanh, long.ha.saigonese, Điểu Sríp Castro, hetagram_._, Djuang Niê, Ruen Niê, Lê Quang Thọ, Dạ Yến Thảo, pyzamadeinpoland, Song Quỳnh, H’Xíu Hmok, Thùy Linh, rubylovefood, the_melante, anhnt89, sweetbeehappy, thaobigi, rubylovefood, eatingwellsg, anhdoan92, iamcot, hetagram_._, ntvvirus, vespa_khigia, ltlivelife, fudworld, pjnk0412, red_wallflower12, nabi.xixon nhằm minh họa rõ hơn cho nội dung bài viết. Bản quyền những hình ảnh này thuộc về tác giả. Chính sách của Cùng Phượt về bản quyền hình ảnh các bạn có thể theo dõi tại đây.

Gà nướng Bản Đôn

Gà nướng bản Đôn phải chấm kèm muối lá é mới đúng vị Tây Nguyên nhé (Ảnh – ngoc_rosagirl)

Gà nướng Bản Đôn là một món ăn dân dã của đồng bào người dân tộc thiểu số tại chỗ nay đã trở thành món đặc sản không thể không thưởng thức với du khách khi đến với Bản Đôn. Gà nướng ở bản Đôn phải chấm với muối ớt hoặc muối sả. Dù loại muối nào cũng nhất thiết phải giã muối hạt với ớt rừng xanh.

Cơm lam Bản Đôn

Cơm lam Bản Đôn (Ảnh – quyenduktrung)

Cơm lam Bản Đôn được ăn kèm món gà thả vườn nướng lửa than rừng chính hiệu chấm muối ớt sả. Hương vị của món cơm lam và thịt gà hòa vào nhau làm cho ta có một cảm giác thật ưng ý. Nếu thích, bạn có thể thưởng thức rượu cần Y Miên tại chỗ. Ăn cơm lam, thịt gà ta, uống rượu cần hợp hơn bia hay các loại rượu khác. Ngồi tại Bản Đôn, vừa nhâm nhi các món đặc sản, vừa ngắm cảnh và nghe tiếng rì rầm của dòng Sêrêpok cuộn chảy giữa đại ngàn cao nguyên quả thật là một điều thú vị.

Cá lăng sông Serepok

Lẩu cá lăng sông Serepok ở Buôn Ma Thuột (Ảnh – mcvietthao)

Cá Lăng có thể chế biến thành nhiều món, tuy nhiên ấn tượng nhất vẫn là món lẩu cá lăng với hương vị độc đáo mang đậm chất Tây Nguyên. Ăn lẩu cá Lăng thì tuyệt nhiên cá phải tươi, không ăn cá ướp lạnh. Khi nồi lẩu sôi, cho cá vào cùng với các loại rau ăn kèm. Vị ngọt, bùi của thịt cá hòa trộn cùng vị chua thanh thanh của các loại gia vị như bài thuốc không thể thiếu một vị nào; thử một miếng thấm đến tận chân răng. Để nồi lẩu ngon hơn phải ăn kèm với cần tây, cải xanh, rau đắng, bạc hà và đặc biệt không thể thiếu rau thì là để nước lẩu thơm hơn, ngọt hơn.

Cà đắng

Cà đắng được đồng bào Tây Nguyên sử dụng trong nhiều món ăn (Ảnh – trinhlamanh)

Cà đắng mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy ở Tây Nguyên. Hiện nay được người dân địa phương trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm. Quả của nó giống cà pháo, có gai, màu xanh sọc đốm trắng, đặc biệt là có vị đắng rất đặc trưng. Loại cà này có thể ăn sống hoặc chế biến thành nhiều món ăn trong bữa cơm của người Ê Đê như nấu với cá tươi, cá khô, tép khô, thịt, đậu khuôn hoặc om với lươn, ếch…

Gỏi cà đắng cá khô

Gỏi cà đắng cá cơm khô (Ảnh – long.ha.saigonese)

Nhiều người nói đùa, rằng đặc sản của người Tây Nguyên thường là “hương biển giữa rừng” cũng đúng. Gỏi là biến tấu giữa cà đắng đặc sản vùng núi rừng Tây Nguyên với khô cá cơm của biển và chỉ có lên núi, đặc biệt là đến Buôn Ma Thuột thực khách mới có thểm nếm được món ăn lạ miệng mà thú vị này.

Vị ngọt đắng dai dai của cà cùng với vị giòn của cá khô, cay nồng của ớt xanh và vị thơm của lá ngò gai hòa quyện cùng với vị mặn ngọt và chua vừa phải làm món ăn có vị ngon đặc trưng khó tả.

Canh thụt

Món canh thụt nấu trong ống (Ảnh – Điểu Sríp Castro)

Món canh thụt gồm có những nguyên liệu: lá bép, đọt mây, cà đắng, cá suối hoặc thịt và các gia vị kèm theo như mắm, ớt, muối, bột ngọt và đường… Trước khi nấu bà con chặt một ống lồ ô có lóng dài, gọt đẽo phần đầu ống cho khéo, sao cho nấu canh thụt nước không bị chảy ra ngoài. Việc chọn ống lồ ô là một bí quyết, nếu chọn cây già quá sẽ bị nứt, hoặc cây non thì canh sẽ không ngon… sau khi chế biến những nguyên liệu trên, bà con cho tất cả vào ống lồ ô và dựng ống nghiên trên đống lửa. Trong lúc nấu, một mặt vừa quay tròn ống cho thật đều lửa và dùng một chiếc đũa để thụt cho các thành phần của món canh nhuyễn và đều với nhau, động tác thụt ống còn khiến cho hơi thoát ra ngoài. Món canh có ngon hay không phụ thuộc nhiều vào hai việc trên. Có lẽ chính động tác này mà món canh có tên gọi như vậy. Thường thì ống canh thụt chỉ dài độ nửa mét trở lại. Trong các dịp lễ hội cần nhiều thì bà con nấu làm nhiều ống. Thời gian để canh chín thời gian khoảng từ 60 – 90 phút. Sau khi canh chín bà con cho ra bát hoặc lá chuối cũng được vì món canh thụt khi chín sẽ đặc lại và rất dẻo, khi ăn món canh này có rất nhiều vị đắng, cay, bùi, béo…

Chả Cá Thát Lát

Ngoài chả cá, nhiều món ngon khác của cá thát lát các bạn có thể ăn khi đến Hồ Lắk (Ảnh – hetagram_._)

Đây là loài cá nhỏ sống ở Hồ Lắk có nhiều giá trị dinh dưỡng cao, thịt cá khi ăn có vị ngọt, tính bình, không độc và có tác dụng bổ huyết, rất tốt đối với những người ăn uống kém, suy nhược cơ thể… Chả cá thát lát ở Lắk được làm hoàn toàn từ thịt cá nên độ béo, dẻo, mịn cao và là một trong những món ăn được du khách ưa thích khi đến du lịch Hồ Lắk.

Canh bồi măng lửa rau ngót rừng

Rau ngót rừng, lá yao… một trong những nguyên liệu để làm món này (Ảnh – Djuang Niê)

Canh bồi măng lửa rau ngót rừng là một trong những món ăn truyền thống của người dân ở khu du lịch Buôn Đôn. Để làm được món canh này đúng “chuẩn vị Buôn Đôn” đòi hỏi người chế biến phải chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu cần thiết và có bí quyết nấu.

Món vêch

Món vêch bò (Ảnh – Ruen Niê)

“Vêch” theo tiếng của người Ê Đê thực chất là phần đầu ruột non của động vật ăn cỏ mà phổ biến nhất là bò. Công đoạn giết bò, mổ lấy “vêch” được tiến hành thật nhanh để không gây xáo trộn các thành phần bên trong nội tạng. Người có kinh nghiệm nhất sẽ chọn một đoạn ruột non liền kề với bao tử bò, dùng lạt buộc chặt hai đầu rồi mới cắt ra để riêng. Đoạn ruột này được chần qua nước sôi, bóp lấy phần dịch tiêu hóa bên trong pha với nước, lọc, lắng rồi cô đặc. Những phần nội tạng khác cùng với da, đuôi… được luộc sơ, cắt miếng rồi nấu cùng loại gia vị đặc biệt vừa chế biến từ “vêch” kể trên và nhiều gia vị khác như ớt, củ nén, sả, riềng, tiêu rừng,…

Ngày nay, món “vêch” vẫn là một trong những món ăn quen thuộc của người Ê Đê, dù có đôi chút cải biến cho phù hợp với điều kiện của từng gia đình và hầu như người Ê Đê nào cũng biết nấu và nấu rất ngon.

Nộm mít hến Quảng Điền

Nộm mít hến Quảng Điền (Ảnh – Lê Quang Thọ)

Món ăn này vừa có vị ngon ngọt của sông nước phù sa Krông Ana vừa có chút nắng gió lồng lộng của cao nguyên đặc sánh trong từng sợi mít. Muốn làm nộm mít hến ngon phải chọn trái mít non. Vạt bỏ lớp gai mít rồi bổ dọc trái mít luộc chín, xắt lát thật mỏng rồi băm nhỏ. Om cho ruột hến thật thấm và trộn đều vào mít băm nhỏ, chan thêm dầu ăn phi hành chín, thêm hành, ngò, húng quế bày ra đĩa là đã có món nộm mít hến thơm ngon khó quên. Nộm mít hến ăn với nước mắm ớt tỏi và không thể thiếu bánh tráng nướng.

Cá bống thác kho riềng

Cá bống kho riềng là món ngon khá độc đáo của người dân Đắk Lắk. Những con cá bống bắt ở dưới chân những thác nước có thịt vừa dai lại vừa thơm được đem kho cùng riềng sẽ không còn thấy vị tanh. Khi thưởng thức món cá bống kho riềng này các bạn có thể ăn kèm với cơm lam hoặc cơm trắng đều được.

Rau dầm tang

Rau dầm tang bề ngoài dễ gãy, lá như lá răm và dễ bị bầm úa, dập nát. Tuy nhiên loại rau này khi nấu lên lại có vị ngọt bùi khó tả. Cách nấu rau dầm tang cần phải nấy nhừ lên cùng với các loại thực phẩm khác như măng, củ mài, nấm…

Lẩu rau rừng

Lẩu rau rừng với 10 loại lá rừng được chọn lọc nấu cùng tôm khô hoặc thịt các loại. Món ăn này được dân tộc Ê đê chế biến ra khi họ gặp phải cuộc sống khó khăn ngày trước. Gọi là lẩu nhưng thực ra lại giống với món canh hơn và mang đậm hương vị ẩm thực của rừng núi. Ngày nay, món này đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Gỏi gà lõi chuối (Ana Mtay)

Món gỏi gà lõi chuối (Ảnh – Dạ Yến Thảo)

Sau khi lấy lõi non trắng nõn bên trong cây chuối, có thể chẻ nõn chuối theo kiểu nào tùy thích, hoặc xắt thành từng đoạn dài khoảng 5 cm hoặc thái khoanh tròn. Lõi chuối xắt ra được bỏ thau nước sạch đã vắt vài lát chanh ngâm cho nhựa ra bớt, giúp chuối không bị đen rồi xả nước thật nhiều lần cho chuối nhả bớt chất chát, vớt ra rổ cho ráo nước. Làm một chén nước sốt chua ngọt gồm: Chanh, đường, muối và ớt, tỏi đâm nhuyễn.

Chuẩn bị mọi thứ xong, cho chuối ra thau, đổ nước sốt vào trộn đều. Gà luộc xé nhỏ đổ vào trộn đều rồi xúc gỏi lên đĩa. Nếu không muốn ăn thịt gà xé nhỏ, khi gà luộc chín chặt thành miếng xếp lên đĩa. Khi đã nêm gỏi vừa ăn thì xắt nhuyễn rau răm, giã đậu phộng rang cho vào gỏi để tăng thêm hương vị. Trên đĩa gỏi, từng cọng thân chuối trắng nõn, điểm xuyết màu xanh của rau răm, màu vàng ươm của da gà trông thật hấp dẫn và bắt mắt. Vị mềm dẻo, thơm ngon của thịt gà vườn hòa quyện với vị giòn, ngọt nhạt và chát của lõi gốc chuối non khiến người thưởng thức không thể nào quên.

Rượu cần

Rượu cần (Ảnh – pyzamadeinpoland)

Trong bất cứ lễ, tết nào, đồng bào Tây Nguyên cũng đều có nghi thức uống rượu cần. Rượu, theo họ tin tưởng, là do Trời (Yang) sai thần linh xuống trần dạy cho con người cách làm rượu đủ loại: từ gạo, mì, bắp cho đến bo bo, kê…để tế lễ các đấng tối cao trong năm.

Rượu cần có nhiều loại. Rượu thóc là lúa mới xay, rửa cho sạch, ngâm nước rồi trộn men để bỏ vào ché. Lấy lá chuối bịt chặt miệng ché độ năm, sáu hôm sau là dùng được. Rượu cơm là rượu làm bằng gạo nấu thành cơm ủ với men; hoặc là trộn đều bỏ vào ché; hay bỏ một lớp cơm, một lớp men cũng được. Cơm rượu chỉ độ vài ba hôm là nở tràn ché. Còn rượu kê, bo bo, bắp, mì, v.v… thì cũng làm theo cách trên.

Ẩm thực người Lào

Hiện nay người Lào sống chủ yếu ở Buôn Đôn có trên 70 hộ, gần 300 người chủ yếu là ở buôn Trí, buôn Yang Lành, buôn Hwa. Với các món ăn đặc trưng, mang hương vị độc đáo, ẩm thực Lào do chính người Việt gốc Lào chế biến đã làm say lòng không biết bao du khách đến thăm.

Món Lạp

Món lạp của người Lào (Ảnh – Song Quỳnh)

Lạp được xem là món ăn truyền thống, mang ý nghĩa phúc lộc dồi dào, nhiều may mắn, thể hiện ước nguyện mọi điều tốt đẹp của gia chủ đối với mọi người trong gia đình và những vị khách quý đến thăm. Món này có thể sử dụng thịt bò, cá, gà, vịt, heo… đều được nhưng thường được làm từ lòng heo và thịt ba chỉ. Toàn bộ lòng heo sau khi luộc chín, thái lát mỏng sẽ được trộn với thịt ba chỉ băm nhỏ (đã được xào qua) và các loại gia vị: ớt tươi, chanh, sả, thính gạo. Gia vị, nguyên liệu đơn giản là vậy, nhưng nhờ cáchpha trộn độc đáo đã khiến món lạp dù đạm bạc, nhưng không kém phần hấp dẫn. Lạp “đúng chuẩn” có đủ vị cay nồng của ớt, vị chua của chanh và vị ngọt thơm của thịt.

Canh lá muồng

Canh lá muồng trong mâm cơm người Lào ở Buôn Đôn (Ảnh – H’Xíu Hmok)

Nguyên liệu để làm món canh này bao gồm: lá muồng, xương heo, bột gạo, các loại gia vị. Lá muồng chọn lá non nhưng không non quá. Sau khi lấy về thì sơ chế bằng cách luộc qua 2 lần nước, sau đó đem ngâm với nước lạnh, mục đích là để lá muồng hết vị đắng. Sau đó, lấy thịt heo hoặc xương heo rửa sạch, phi hành và rang lên cho thơm, săn, sau đó đổ nước đun cho mềm thịt hoặc xương. Trong thời gian đó thì lấy lá muồng đã ngâm, vớt cho ráo, đem giã với gạo đã ngâm sẵn. Gạo đem giã phải là gạo đã ngâm trước đó từ 2 đến 3 tiếng đã để ráo nước. Giã nhuyễn hỗn hợp lá muồng và bột gạo sẽ được một sản phẩm bột màu xanh mịn. Khi xương đã mềm tới thì đổ nguyên liệu bột đã giã vào nấu khoảng 10 phút sao cho bột nở đều, nhuyễn. Sau đó sẽ nêm các loại gia vị, với món canh này, người Lào chỉ cho một ít muối và nêm thêm mắm Bà Đẹt, một loại mắm đặc sản của người Lào. Nhờ có loại mắm này, món canh có vị ngậy, thơm và béo. Món canh muồng đạt chuẩn là món canh hòa quyện giữa các vị như một chút đắng của lá muồng, cay của ớt, thơm béo của nước xương hầm, mắm…

Nem Lào

Nem Lào (Ảnh – Thùy Linh)

Nem được coi là một món ăn vô cùng độc đáo của người Lào, làm nem không khó nhưng phải có những bí quyết nhất định. Nguyên liệu chủ yếu của món nem bao gồm thịt thăn heo xay nhuyễn, củ riềng, tiêu bắc, ớt, muối, nước mắm và một gia vị không thể thiếu là lá cây chùm ruột…Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là khâu pha chế, khâu vệ sinh cũng như kỹ thuật gói nem. Do vậy, phải thực sự là người Lào mới làm nên món nem Lào lạ miệng hấp dẫn. Lá chuối đã rửa sạch, phơi khô quấn xung quanh thịt xay đã ướp gia vị bọc lá chùm ruột, buộc chắc tay thành hình chiếc bánh tét nhỏ.

Canh măng

Nguyên liệu chính để làm nên món canh này là măng, thịt ba chỉ, nấm đông cô hoặc nấm rơm nhưng gia vị để tạo nên hương vị độc đáo thì khá nhiều và cách nấu khá cầu kỳ. Măng xé nhỏ, rửa rồi để ráo; thịt ba chỉ thái mỏng, nấm rửa cắt làm 3, sả cắt khúc, riềng cắt lát; lá trúc (lá chanh), rau ngò và húng quế rửa sạch để ráo, tỏi với ớt đâm thật nhuyễn. Sau khi chuẩn bị xong các nguyên liệu thì đun nước sôi rồi cho phần tỏi ớt đã giã, rau ngò vào, tiếp đó cho tất cả các nguyên liệu (trừ rau húng quế) vào nấu và nêm muối, đường thốt nốt, mắm cá, nước mắm, chanh cho vừa ăn sau đó nấu khoảng 10 phút thì cho lá húng quế vào nêm nếm lại cho vừa khẩu vị, cuối cùng cho thêm một muỗng ớt bột.

Món ăn ngon ở Buôn Ma Thuột

Bún đỏ

Bún đỏ là đặc sản của Buôn Ma Thuột (Ảnh – rubylovefood)

Thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng món bún đỏ rất giống với bún riêu hay món canh bún thường bán ở Sài Gòn, nhưng hoàn toàn khác bởi bún đỏ của người Buôn Ma Thuột được ăn kèm rau cần nước và giá cùng một số phụ gia như mỡ hành, tóp mỡ rán giòn và nhất là trứng cút luộc.

Nguyên liệu để chế biến món ăn này làm từ cua đồng, chả viên và những quả trứng cút luộc. Qua bàn tay khéo léo của người nấu, tô bún đỏ trở nên hấp dẫn với màu sắc và mùi vị vô cùng quyến rũ: màu hơi đỏ của hạt điều, màu đỏ au của miếng cà chua cắt múi cau, màu xanh tươi non của đĩa rau, màu nâu của riêu cua và chả cá, màu trắng nõn nà của trứng cút luộc vừa bắt mắt vừa kích thích vị giác.

Bún chìa

Bún chìa Ban Mê (Ảnh – eatingwellsg)

Bún chìa, đặc sản nổi tiếng Buôn Ma Thuột, có vị khá giống bún bò Huế, song món ăn này không sử dụng thịt bò làm thành phần chính. Bún chìa có nước dùng thanh, đượm vị mắm ruốc, hấp dẫn bởi phần giò chìa thơm ngậy.

Bánh canh cá dầm

Bánh canh cá dầm (Ảnh – anhdoan92)

Bánh canh cá dầm là món ăn có tiếng với người dân ở Buôn Ma Thuột. Trời se lạnh, chỉ cần cho một thìa nước dùng vào miệng là bạn đã có cảm giác được sưởi ấm với vị cay the thé của món ăn. Cái ngon của bánh canh không chỉ nằm ở thứ nước dùng ngọt ngọt, chua chua, cay cay – hương vị rất đặc trưng yêu thích của miền Nam, mà nhiều người “mê mệt” món ăn này còn bởi độ chất của những khúc cá thu mềm, ngọt, thơm và không có một chút xương nào. Đặc biệt, dù bạn có dầm nát miếng cá thu hòa lẫn cùng nước dùng thì bát bánh canh cũng không bao giờ bị tanh nồng, trái lại còn thấy ngon hơn, thú vị hơn nhiều.

Bánh bột lọc Đạt Lý

Bánh bột lọc ở Đạt Lý (Ảnh – iamcot)

Bánh bột lọc là một loại bánh được từ bằng bột sắn (phương ngữ miền Nam gọi là khoai mỳ) được lọc lấy tinh bột, sau đó được luộc một phần nhỏ bột, nhồi kỹ và làm bánh. Nhân bánh thường bằng tôm trộn với gia vị, có thể làm nhân bằng thịt heo nạc hay hỗn hợp tôm-thịt heo. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối (hoặc có thể không gói) và hấp cách thủy.

Dọc theo QL 14 cách Tp Buôn Ma Thuột khoảng 10km sẽ tới khu chợ trung tâm của Đạt Lý, một vùng đất nhiều truyến thống tại Đăk Lăk. Bất kỳ một người dân nào ở đây cũng có thể giới thiệu cho các bạn về món ăn nổi tiếng này. Bột sắn để làm bánh được mang về từ vùng núi A Lưới của Huế kết hợp với thịt heo và tôm tươi cùng cách pha chế đặc biệt của từng loại gia vị tạo nên chiếc bánh vừa dai, vừa mềm lại vừa dẻo.

Bò nhúng me

Bò nhúng me là món khá đặc biệt, khó tìm ở nơi khác ngoài Buôn Ma Thuột (Ảnh – hetagram_._)

Là một món ăn lạ, đặc sắc của Tp Buôn Ma Thuột. Thịt bò kèm với nước sốt me được chuẩn bị trên một khay nóng trông hơi giống với món bò bít tết thường ăn ở Hà Nội. Vị chua chua, ngọt ngọt của nước me kèm miếng thịt bò thái mỏng, thêm vị thơm của tỏi phi sẽ khiến bạn ăn hoài không ngán. Món này ăn kèm bánh mì thì khỏi phải chê.

Bánh ướt thịt nướng

Bánh ướt thịt nướng (Ảnh – ntvvirus)

Dù là khách phương xa hay người dân bản xứ, dù là người Việt Nam hay du khách nước ngoài đã từng thưởng thức món Bánh ướt thịt nướng kiểu Ban Mê sẽ không thể quên cảm giác thú vị của món ăn tuy quen mà lạ này. Không giống bánh ướt thịt nướng được cuốn sẵn và ăn với tương đã được nấu lên của Huế mà món bánh ướt kiểu Ban Mê bạn sẽ phải tự mình “vật lộn” và xoay vần với từng miếng bánh trước khi được thưởng thức. Cái thú vị và cái tinh tế cũng từ đó!

Điều đặc biệt của bánh ướt Ban Mê chính là từng chiếc bánh ướt được tráng mỏng tang trên đĩa, mỗi dĩa chỉ là một miếng bánh ướt thơm ngon và được tráng ngay trước khi đem ra cho thực khách.

Bánh Khọt

Bánh khọt (Ảnh – vespa_khigia)

Cái tên bánh khọt xuất phát từ âm thanh “khọt khọt” vang lên khi chảo bánh bắt đầu sôi. Nhưng cũng có người cho rằng, ngày xưa những người dân nghèo khó không đủ tiền ăn cao lương mỹ vị nên mới chế biến ra loại bánh chỉ toàn bột chứ không có thịt cá gì. Người ta gọi nó là bánh khọt, theo tiếng Hán có nghĩa là nhọc nhằn, cơ cực.

Bánh khọt ở Y jut chỉ đơn giản là bánh trắng thêm chút lá hẹ và hành. Bột được đổ vào những chiếc chảo có đế khuôn hình tròn, cho chút mỡ lợn rồi phi hành và lá hẹ để tráng khuôn rồi đậy vung lại. Chừng vài phút khi bánh chín, bột trở nên trắng đục, lá hành và lá hẹ bám vào bánh tạo nên màu xanh, bên dưới là lớp cháy mỏng. Ăn bánh ta có cảm giác giòn giòn, thơm thơm.

Cơm tấm

Cơm tấm là món có thể dễ tìm thấy ở nhiều nơi (Ảnh – ltlivelife)

Cơm tấm là món đặc sản của miền Nam Việt Nam, nó là một trong những món ăn sáng được ưa chuộng nhất của người miền Nam, nhất là Sài Gòn . Hiện nay loại cơm làm từ hột gạo bể này đã có mặt ở một số nơi thuộc miền Trung, miền Bắc trong đó có Buôn Ma Thuột.

Cơm gà

Cơm gà Buôn Ma Thuột (Ảnh – fudworld)

Cơm gà là món ẩm thực quen thuộc của người Việt Nam ,nhưng ở Buôn Ma Thuột lại được chế biến một cách độc đáo và có nét đặc trưng riêng của vùng đất Tây Nguyên này . Cơm được chiên với mỡ gà nên ăn rất béo và dòn ,bên trong hạt cơm rất mềm ,có mùi thơm đặc trưng , gà mềm và dai ,ăn vào có hương vị béo không làm cho người dùng cảm giác gây ngán.

Bánh bèo chén

Bánh bèo chén ở Buôn Ma Thuột (Ảnh – pjnk0412)

Được chế biến với bí quyết riêng, món bánh bèo chén ở đây đã mê hoặc không biết bao nhiêu thực khách gần xa. Không giống như những nơi khác, bánh bèo khay ở đây còn được ăn kèm với chả nem và nước chấm, vì vậy đã tạo nên một hương vị riêng biệt cho món bánh bèo khay và sẽ rất khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất Buôn Ma Thuột.

Rau tập tàng

Món rau tập tàng có thể dễ dàng tìm thấy trong các nhà hàng, quán ăn ở Buôn Ma Thuột (Ảnh – red_wallflower12)

Rau tập tàng là cách gọi tổng hợp các loại rau hoang dã thường mọc ở các khu vườn. Rau tập tàng có quanh năm nhưng ngon nhất là mùa mưa. Bởi, mùa mưa rau phát triển rất mạnh và tươi, nấu canh ăn ngon hết ý. Trong hầu hết các nhà hàng, quán ăn ở Buôn Ma Thuột các bạn đều có thể thấy món canh rau tập tàng trong thực đơn như : Rau tập tàng nấu cua, rau tập tàng nấu tôm …

Đặc sản Đắk Lắk mua về làm quà

Rượu A Ma Công

Được ngâm từ thang thuốc  gồm lá và thân rễ cây Trơng, một loài cây mọc trong rừng sâu Buôn Đôn. Do nó có một công dụng rất tế nhị và được báo chí nhắc đến rất nhiều nên được nhiều người biết đến tìm mua như một đặc sản, một món quà quý mang đậm chất Bản Đôn. Rượu lấy theo tên A Ma Công là một huyền thoại sống của vùng Bản Đôn, đến năm 2007 ông khoảng 90 tuổi đang còn khỏe mạnh. Ông là cháu 3 đời của vua voi Khun Ju Nop, bản thân ông cũng là một Gru kỳ cựu, trong đời đã săn được trên 100 con voi.

Cà phê Đắk Lắk

Cà phê là đặc sản không thể bỏ lỡ khi đến Đắk Lắk (Ảnh – nabi.xixon)

Cà phê là một trong những nét văn hóa đặc trưng nhất của Đắk Lắk. Bởi vậy, nó đã trở thành thứ đặc sản quý giá của vùng đất này. Những li cà phê đen, đặc quánh, ấm nóng trong một không gian đậm chất núi rừng Tây Nguyên đã gắn liền với tâm tưởng của mỗi người khi nói đến Đắk Lắk. Vì thế mà cho đến nay, ở Đắk Lắk đã có hàng trăm quán cà phê lớn nhỏ mọc lên nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức cà phê cho tất cả mọi người. Nhiều vấn đề liên quan đến cà phê đã trở thành bản sắc văn hóa của nơi đây, đặc trưng nhất là văn hóa mời đi uống cà phê. Không những thế, cà phê chồn còn là một huyền thoại tạo nên một sức hấp dẫn kì lạ đối với người dân Tây Nguyên nói chung và người dân Đắk Lắk nói riêng.

Bơ sáp Đắk Lắk

Bơ sáp ở Đắk Lắk (Ảnh – cungphuot.info)

Bơ là trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Mexico. Nhờ ăn ngon và bổ nên nó đã được trồng và canh tác ở nhiều nơi trên trái đất, đặc biệt là Indonesia, Philippne, và Brazil. Ở Việt Nam ,bơ được trồng ở nhiều nơi trong cả nước nhưng nổi tiếng nhất vẩn là bơ sáp Tây Nguyên.Có thể Bơ ở đây phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng đất đỏ bazan nên Bơ Tây Nguyên sớm trở thành món đặc sản vùng miền của vùng đất Cao Nguyên này .

Ngon nhất là giống bơ sáp được trồng ở Đắk Lắk , quả bơ to bên trong là lớp cùi bơ dầy dặn, vàng ươm, dẻo quánh.Nếu là lần đầu tiên thưởng thức, mới nếm thử bạn sẽ cảm thấy hình như bơ hơi nhạt. Nhưng rồi ngay sau đó, vị ngầy ngậy, thơm mát từ miếng bơ mềm lừ khiến bạn thấy thật ngon miệng. Chính cái vị thanh nhẹ, mát lành đó đã hấp dẫn người ăn, khiến người ta đâm “nghiện” thứ trái cây mộc mạc này

Tìm trên Google:

  • các món ăn ngon ở Đắk Lắk
  • đặc sản Đắk Lắk làm quà
  • ăn gì khi du lịch Đắk Lắk
  • các quán ăn ngon ở Đắk Lắk
  • đến Đắk Lắk nên ăn gì
  • địa điểm ăn uống Đắk Lắk
  • ẩm thực Đắk Lắk
  • món ăn vặt Đắk Lắk
  • các món ăn vỉa hè ở Đắk Lắk
  • mua gì ở Đắk Lắk
  • Đắk Lắk có gì ngon
5/5 - (1 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Đắk Lắk

ĐẮK LẮK

Vị trí Đắk Lắk trên bản đồ Việt Nam

Đắk Lắk là một tỉnh có diện tích lớn thứ 4 nằm ở trung tâm Tây Nguyên. Du lịch Đắk Lắk đang có lợi thế với nhiều địa danh cho phép khai thác theo hướng kết hợp cảnh quan, sinh thái, môi trường và truyền thống văn hoá của nhiều dân tộc trong tỉnh như hồ Lắk, Thác Gia Long, cụm du lịch Buôn Đôn, Thác Krông Kmar, Diệu Thanh, Tiên Nữ… bên cạnh các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Chư Yang Sin, Easo…

Bạn có biết: Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại được thế giới công nhận.

  • Diện tích: 13.030,5 km²
  • Dân số: 1.869.322 người
  • Vùng: Tây Nguyên
  • Phân chia hành chính: 1 thành phố, 1 thị xã, 13 huyện
  • Mã vùng điện thoại: 0262
  • Biển số xe: 47