Thác Dải Yếm, Báu vật giữa cao nguyên Mộc Châu

Thác Dải Yếm, báu vật giữa cao nguyên Mộc Châu

✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 1 tháng 11 năm 2024

Cùng Phượt – Thác Dải Yếm còn gọi là thác nước bản Vặt hay thác Nàng, nằm cách trung tâm huyện Mộc Châu 5 km theo hướng quốc lộ 43 đi cửa khẩu Lóng Sập, thuộc địa phận bản Vặt xã Mường Sang.

Thác Dải Yến hiện là một khu du lịch sinh thái với nhiều hoạt động (Ảnh – keilalalayy_)

Thác Dải Yếm được hình thành từ dòng Suối Vặt. Điểm khởi nguồn của dòng suối này là từ hai khe nước bó Tá Cháu và bó Co Lằm ở bản Vặt cách thác 600m về phía tay trái của thác cùng nằm trên trục đường quốc lộ 43. Khi chảy đến khu “Na Sai” (vườn trồng hoa lan hiện nay) được chia thành hai thác cách nhau khoảng 200m. Cả hai dòng chảy đều bị chặn lại bởi một bức tường đá vôi, nước dâng lên và tràn về bờ thấp hơn đổ xuống từng bậc đá, tạo thành những thác nước sinh động, huyền ảo mang vẻ đẹp thuần khiết, hoang sơ giữa khung cảnh thiên nhiên yên vắng của núi rừng Tây Bắc.

Cầu kính tình yêu trong khu du lịch của thác (Ảnh – Lâm Ngọc Việt)

Thác Dải Yếm chỉ là một quần thể nằm trong tổ hợp dự án với nhiều hạng mục khác nhau như: cầu kính, khu thể thao mạo hiểm, khu nghỉ dưỡng, khu nhà hàng….

Ảnh – Huy Thiệp Đỗ

Thác Dải Yếm có chiều cao khoảng 100m, chia làm hai nhánh, một bên có tới 9 tầng, một bên 3 tầng thác, 2 thác nằm cách nhau khoảng 200m.

Ảnh – minhtc26

Thác nước thứ nhất rộng khoảng 4000m², đứng trên đỉnh cao nhất của thác phóng tầm mắt ra xa có thể thấy được cả một vùng núi rừng bao la và cảm nhận sự hùng vĩ của mảnh đất nơi đây. Một dòng thác lớn dội nước xuống vực sâu từ độ cao khoảng 100m, kết hợp với nhiều dòng thác nhỏ tạo thành màn sương trắng xóa huyền ảo bao quanh chân núi đá. Dưới chân thác là cả một khoảng rộng mênh mông nước và vô vàn những mô đá nhấp nhô, dọc theo bờ suối còn có rất nhiều những tảng đá bằng phẳng, thảm thực vật xanh mướt, cây cổ thụ to lớn hơn một người ôm và các cây dây leo mọc đan xen nhau thành từng tầng hoà quyện vào dòng chảy tựa như một bức tranh hoành tráng

Ảnh – Tiểu Ất Official

Từ ngã ba đường xuống thác một, rẽ về phía tay phải gần 50m là thác nước hai có diện tích khoảng 3.000m² . Đỉnh thác nước hai cách thác nước một gần 200m lui về phía tay phải đường xuống thác nước hai, thác này cũng được tạo bởi dòng chảy suối Vặt bị chặn lại ở cuối thác một, dâng lên và chảy qua một khe núi đá vôi tạo thành thác nước hai dài khoảng 80m.

Ảnh – hanoinromeyes

Ngay dưới chân thác hai là một hồ nước có diện tích khoảng 49m (nhỏ hơn hồ nước chân thác một). Hồ nước này cũng được tạo ra bởi dòng chảy của nước ở độ cao 40m. Qua thời gian nền đá vôi chân thác bị bào mòn tạo nên hồ nước này. So với thác nước một, thảm thực vật và các cây cổ thụ ở khu vực thác nước hai phong phú hơn, mật độ dày đặc hơn. Từ chân hồ nước thác hai kéo thoải xuống chân suối Bó Sập các dòng thác nước nhỏ với các kiểu dáng, độ chảy khác nhau giữa một thảm thực vật đa dạng gần như nguyên sinh làm cho cảnh quan nơi đây trở nên hoang sơ, u tịch hơn.

Ảnh – Phong ly canh

Đến thăm thác Dải Yếm vào đúng dịp, du khách còn có cơ hội tham gia lễ hội xên bản, xên mường, được thưởng thức các điệu xoè, lời ca, tiếng hát truyền thống làm say đắm lòng người của các dân tộc huyện Mộc Châu nói riêng và nhân dân các dân tộc Sơn La nói chung, được hòa mình vào khung cảnh lặng lẽ, ẩn chứa bao điều kỳ diệu của cảnh sắc thiên nhiên, phong cảnh núi rừng được kết hợp với sức sáng tạo và bàn tay khéo léo của con người, địa hình đồi núi trùng điệp tựa như những bức tranh được sắp đặt bố cục hài hoà thơ mộng, ẩn mình trong làn mây của hơi nước bay lên bồng bềnh như một thành phố cổ tích khiến cho du khách cảm thấy thoải mái dễ chịu khi đến nơi đây.

Bạn thấy bài viết này thế nào?

Hãy để lại đánh giá của bạn nhé

Đã có 39 bình chọn và điểm trung bình là 4.7

Chưa có đánh giá nào