Cùng Phượt – Núi Ngọc Linh (Quảng Nam) hoang sơ khiến du khách mê hoặc giữa rừng già. Ở đó người dân trồng loại sâm quý tha hồ khám phá.
Đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 2.500 m nằm trên dãy Trường Sơn, trải dài ở ba tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum và Quảng Nam. Phía Quảng Nam thuộc xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, ở đó người dân trồng sâm dưới những cánh rừng cổ thụ.
Núi Ngọc Linh cách trung tâm huyện Nam Trà My hơn 10 km. Để khám phá ngọn núi này, du khách phải cuốc bộ, leo những dốc dựng đứng.
Chinh phục Ngọc Linh cần có người dân bản địa dẫn đường, đồng thời liên hệ trước để có chỗ nghỉ qua đêm. Đặc biệt, người trồng sâm không cho người lạ đến vườn sâm vì sợ mất trộm, do đó phải có người “bảo lãnh” bạn mới đến được.
Đường lên núi đi theo lối mòn, luồn qua những cánh rừng cổ thụ rêu phong bám dày đặc vào thân cây.
Ở đây có bốn ngôi làng của người dân Xê Đăng sinh sống lưng chừng các ngọn núi. Nhà làm bằng gỗ nằm cạnh nhau.
Sau khoảng 3 tiếng đi bộ từ trung tâm xã Trà Linh khách đến Trại sâm giống của huyện Nam Trà My. Những người trồng sâm làm nhà, ăn ở giữa rừng bảo vệ chúng.
Núi Ngọc Linh là rừng đặc dụng, nhiều cây cổ thụ. Trên đường đi hầu hết có bóng cây che nắng.
Nhiệt độ ở khu vực này vào mùa lạnh dưới 10 độ, mùa khô 25 độ nên thích hợp cho nhiều loại nấm phát triển. Chúng mọc quanh các thân cây với nhiều màu sắc khác nhau.
Từ vườn trại sâm giống của huyện, tiếp tục leo núi khoảng 3 giờ đến nơi người dân trồng sâm. Dưới những tán rừng cổ thụ sâm được trồng dày đặc. Loại dược liệu này sinh trưởng phát triển nhờ tự nhiên, chúng không cần đến phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật.
Vào mùa xuân sâm ra hoa, chúng mọc dưới tán rừng ẩm, nhiều mùn, thích hợp với nhiệt độ ban ngày 20-25 độ, ban đêm 15-18 độ.
Đến tháng 7-9 quả bắt đầu chín có màu đỏ. Mỗi bông bình quân khoảng 10-30 quả. Lúc này người dân thu hoạch và gieo lấy cây giống trồng.
Sau đó thân và lá cây rụng chỉ mình củ ở trong đất. Vào đầu tháng 1 hàng năm, sâm xuất hiện chồi mới sau mùa ngủ đông.
Một củ sâm Ngọc Linh có tuổi đời 5 năm. Loại dược liệu này trồng ít nhất bốn năm mới thu hoạch.
Nghiên cứu đã chỉ ra thân và rễ củ sâm Ngọc Linh chứa 52 saponin triterpen có tính kháng khuẩn, kháng ung thư, axid béo… Giá trị này khiến sâm Ngọc Linh gấp 3 lần sâm Triều Tiên; hai lần sâm Mỹ và Trung Quốc.
Hiện vào mùng 1 hàng tháng phiên chợ sâm được mở tại trung tâm huyện, giá dao động loại 30 củ một kg 60-80 triệu đồng; loại 10 củ một kg giá 80-100 triệu đồng. Riêng lá sâm tươi 5,5-6,5 triệu đồng mỗi kg. Đặc biệt giá bán tùy thuộc vào tuổi đời, sâm có nhiều năm tuổi giá trị càng lớn.
Đắc Thành / Theo VnExpress.net