Chùa Hang, ngôi chùa xây trong hang đá ở Đồ Sơn

Chùa Hang, ngôi chùa xây trong hang đá ở Đồ Sơn

Cùng Phượt – Chùa Hang với nhiều chứng tích liên quan đến quá trình đạo Phật du nhập vào nước ta những năm trước Công Nguyên, thu hút khách chiêm bái đầu năm.

Chùa Hang có tên chữ là Cốc tự, nằm tại khu 1, phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là địa điểm đầu tiên của Phật giáo du nhập vào nước ta, trước khi tới vùng Luy Lâu – Dâu, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Hiện tại, trước cửa chùa có một bảng chữ lớn giới thiệu về tích này.

Chùa có thế lưng ẩn sâu trong núi và mặt hướng ra biển Đồ Sơn. Bên ngoài có tượng Phật Quan Âm, phía phải là nhà thờ tổ, tiếp theo là tòa tháp. Trên núi có tượng rồng phượng, chân núi là tượng rùa thần và cá chép.

Như tên gọi, người xưa tạo dựng chùa từ một hang đá núi cao 3,5 m rộng 7 m chia làm 2 bậc thềm. Bậc thềm ngoài rộng khoảng 23 m2, bậc thềm trong cao hơn khoảng 0,5 m. Vì vậy, lòng hang hình thang, xuyên thẳng vào núi khoảng 25 m.

Nói về cảnh quan tại chùa, nhiều thơ ca vẫn còn lưu: “Chùa Hang cảnh vật nhiệm màu / Ấy là Bụt mọc hay bầu tiên xây”.

Tương truyền, nhà sư Bần, người từ Thiên Trúc đến truyền đạo và tu hành ở chùa Hang từ thế kỷ 2 TCN. Ngài cũng dựng một chùa ở núi Mẫu Sơn làm nơi thuyết pháp, sau viên tịch tại chùa Hang và Chử Đồng Tử là đệ tử chân truyền đầu tiên của Ngài. Ban thờ Ngài tại chùa được đặt sâu trong hang núi.

Hiện tại, chùa được xây 3 tầng với tòa Tam Bảo nằm ở tầng 2, trên cùng là Tây Phương điện. Trên ảnh là tượng Phật tại Tam Bảo.

Theo truyền thống, Phật tử đến chiêm bái chùa sẽ được phát lì xì lấy may dịp đầu năm. Năm nay, để phòng Covid-19, du khách bắt buộc phải đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trước khi vào chùa.

Hoàng Hạnh (áo trắng), đến từ An Đồng, Hải Phòng, cho biết cô và nhiều người dân đất cảng có truyền thống đến chùa Hang để cầu an dịp đầu năm. “Dù năm nay tình hình dịch bệnh căng thẳng nhưng không đến chùa Hang vào dịp Tết thì thấy rất thiếu, do đã là thói quen hàng năm. Tất cả mọi người đều đeo khẩu trang nên tôi cũng yên tâm hơn khi đến đây”, cô cho biết.

Hàng năm, chùa đón nhiều du khách từ các tỉnh lân cận như Hải Dương, Quảng Ninh… Năm nay do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại 2 tỉnh trên nên lượng khách suy giảm. Ông Đức Thanh (áo trắng), một người trong ban quản lý chùa cho biết, lượng khách năm nay chỉ bằng khoảng 1/3 mọi năm.

Chùa có trang trí một mô hình trâu đỏ lớn trước cửa để kỷ niệm Tết Tân Sửu. Ngoài ra cũng có nhiều tiểu cảnh như cổng Nhật Bản, nhà bồ câu, hoa đào… phục vụ du khách chụp ảnh lưu niệm.

Theo Trung Nghĩa/VnExpress

5/5 - (2 đánh giá)
Bạn đang xem bài viết về địa danh ở Hải Phòng

HẢI PHÒNG

Vị trí Hải Phòng trên bản đồ Việt Nam

là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía Bắc Việt Nam, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc Bộ.

Là một thành phố lớn và gần biển đảo, và là một mắt xích quan trọng trong tam giác kinh tế và du lịch Hải Phòng – Hà NộiQuảng Ninh. Sản phẩm du lịch của Hải Phòng nổi bật nhất phải kể đến Quần đảo Cát BàKhu du lịch Đồ Sơn. Ngoài ra, thành phố ngày càng xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch đa dạng và lôi cuốn dựa trên nền ẩm thực đa dạng và phong phú.

Bạn có biết: Việc hoa phượng đỏ được trồng rộng rãi nơi đây, và sắc hoa đặc trưng trên những con phố, cũng khiến nơi này được biết đến với mỹ danh Thành phố Hoa Phượng Đỏ.

  • Diện tích: 1.561,8 km²
  • Dân số: 2.028.514 người
  • Phân chia hành chính: 7 quận, 8 huyện
  • Vùng: Đồng bằng sông Hồng
  • Mã điện thoại: 225
  • Biển số xe: 15,16