Lễ cầu mưa của người Thái ở Mộc Châu
✉︎ CPI - ⏱︎ Cập nhật lần cuối: 1 tháng 11 năm 2024Cùng Phượt – Đối với người Thái ở bản Nà Bó, Mộc Châu, lễ hội cầu mưa được coi là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm, bởi nó bắt đầu cho mùa tươi tốt, bội thu. Lễ cầu mưa thịnh hành từ thế kỷ thứ 9, nhưng thất truyền sau chiến tranh, và đến năm 2011 mới chính thức được khôi phục.
Đối với người Thái ở bản Nà Bó, lễ hội cầu mưa là dịp trọng đại nhất trong năm. Từ đêm trước ngày diễn ra lễ hội, mọi người đã chuẩn bị chu đáo, quần áo sạch sẽ, nhà cửa gọn gàng và thể hiện thái độ nghiêm túc
Công việc chuẩn bị đồ cúng thường do phụ nữ đảm nhận. Đồ cúng không quá cầu kỳ mà là những đồ ăn thường ngày của bà con người Thái. Đó là măng đắng, chuối xanh, cơm lam, cá xông khói, bánh trưng, bánh ít uôi, gạo nếp, gà luộc…
Trước đó 1 hôm, người dân đã chuẩn bị cây nêu và các vật dụng cho buổi lễ. Những vật dụng này cũng rất gần gũi với người dân hoặc có liên quan đến việc truyền tải thông điệp từ người dân đến ông Then (ông trời). Có thể bắt gặp hình ảnh những dụng cụ nông nghiệp thu nhỏ như cầy bừa, cối giã gạo được làm bằng gỗ. Đồ ăn hàng ngày của người Thái như cây củ mài, bầu bí, trứng, ngô… Hay các con thú được kết bằng nan như ve, chim (con vật được cho là truyền tải thông điệp của con người đến ông Then). Có một vật không thể thiếu trên cây nêu là một biểu tượng giống như hình mặt trời được đan đơn giản 1 nong bằng tre. Theo thầy cúng cho biết, biểu tượng này do một bà góa thực hiện với mục đích thu hút sự chú ý của ông Then. Trong trường hợp có gì sai sót, ông Then nổi giận, bà góa sẽ là người sẵn sàng hi sinh để đỡ mọi sự giận dữ của ông Then
Từ sáng sớm trong ngày cúng lễ, những người phụ nữ Thái sẽ đi lấy nước và làm lễ tại mó nước đầu nguồn của bản. Có 2 phần lễ, phần 1 lấy nước và cúng thổ địa để xin nước
Tiếp đó là một lễ khác cũng là cúng xin thần linh để xin nước mang về làm lễ cầu mưa
Một cái miếu nhỏ dựng tạm với đầy đủ lễ vật được dựng lên để bà chủ tế làm lễ
Bà Lường Thị Chức (bìa phải) người vốn vẫn nhớ đầy đủ các thủ tục mà cha mình là thầy cúng của bản đã làm sẽ chịu trách nhiệm khấn và chỉ đạo các công việc liên quan đến buổi cúng tế này
Những người tham gia cúng tế chính là phụ nữ. Mỗi lễ cúng có thể diễn ra trong gần 1 tiếng đồng hồ, sao cho khi mọi nghi thức xong, mặt trời cũng đã phải ló rạng
Sau khi cúng, trứng (một vật phẩm trong lễ cúng) được vứt vào mó nước nguồn như để hiến tặng các vị thần linh
Một trong những người làm lễ cũng sẽ té nước như thể hiện rằng, các vị thần linh đã đồng ý cho bà con mang nước về làm lễ cầu mưa
Bà góa sẽ đến từng nhà, gọi tất cả phụ nữ trong nhà ra mó nước sinh hoạt hàng ngày của bản để lấy nước
Mỗi người lấy ít nhất 1 đến 2 ống nước và nước sẽ dùng để thực hiện các nghi thức trong buổi lễ cầu mưa
Ở một ngôi nhà gần trung tâm buổi lễ, những người phụ nữ khác đã chuẩn bị xong đồ cúng tế từ đêm hôm trước và chờ đoàn rước nước về
Toàn bộ đồ cúng tế được bày quanh cây nếu trước sự chứng giám của ông Then (thay mặt ông trời). Người dân nhảy múa và làm lễ xung quanh
Chủ tế sẽ kêu than với ông Than về nỗi khổ của người dân khi thời tiết khô hạn, mùa màng thất thu
Thấu hiểu nỗi khổ của người dân, kết thúc lễ cúng, ông Then sẽ dùng lá cây và nước rời khỏi vị trí của mình và đi vẩy nước vào tất cả người dân với ý nghĩa là sẽ ban mưa cho bà con
Ngay sau khi kết thúc phần lễ cầu mữa, để ăn mừng khi ông Then đã đồng ý cho mưa, tất cả bà con người Thái bắt đầu chơi hội. Họ múa xòe, chơi ném còn giao duyên, chơi Tó Má Lẹ và uống rượu
Qua buổi lễ cầu mưa, người Thái không chỉ gửi những thông điệp cá nhân mong muốn mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no. Họ còn khẳng định rằng, con người và thiên nhiên có sự gắn kết, rằng buộc lẫn nhau. Sự tôn trọng thiên nhiên, môi trường cũng chính là tôn trọng cuộc sống cá nhân, đem lại những điều nhất cho cuộc sống của họ